Cảnh sát giao thông tuyên truyền, vận động lái xe Trạm trộn Bê tông Hữu Huệ
chấp hành nghiêm quy định chở hàng đúng tải trọng
Kể từ khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, hoạt động của nhiều ngành nghề, lĩnh vực, trong đó có vận tải đã được khơi thông trở lại. Tuy nhiên, giá xăng, dầu leo thang kéo theo giá các mặt hàng, dịch vụ tăng theo đã gây áp lực lớn tới hoạt động của doanh nghiệp vận tải.
Làm sao để vừa đảm bảo các quy định về tải trọng, vừa đạt hiệu quả kinh tế trở thành bài toán khó. Ông Dương Tuấn Hoa, Trạm trưởng Trạm trộn Bê tông Hữu Huệ chia sẻ: Mặc dù liên tiếp phải chịu “cú đấm bồi” từ đại dịch và giá xăng dầu biến động, nhưng để phát triển bền vững Hữu Huệ không đánh đổi an toàn với kinh tế. Khi các cán bộ Đội Cảnh sát giao thông Công an TP. Thái Nguyên đến tuyên truyền và thực hiện ký cam kết về đảm bảo tải trọng, kích thước thành thùng, nồng độ cồn, đơn vị đã ký cam kết chấp hành và triển khai xuống toàn bộ cán bộ, nhân viên, lái xe.
Nói về nội dung này, anh Hứa Văn Thành, Lái xe Trạm trộn Bê tông Hữu Huệ cho biết: Chúng tôi đã được cơ quan chức năng và Công ty tuyên truyền, nhắc nhở và yêu cầu chấp hành nghiêm các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Đặc biệt là không vận chuyển hàng quá khổ, không thay đổi công năng theo thiết kế của nhà sản xuất và tuyệt đối không lái xe sau khi đã sử dụng rượu bia. Lái xe trọng tải lớn đòi hỏi người cầm vô lăng phải có trách nhiệm rất cao. Bản thân tôi sau khi được tuyên truyền cũng đã cam kết và chấp hành đúng quy định của pháp luật.
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có khoảng 500 đơn vị, doanh hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách với hơn 3.000 đầu xe; 1.600 đơn vị vận tải hàng hóa với trên 3.500 xe đang hoạt động.
Thực hiện đợt cao điểm, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh và lực lượng Cảnh sát giao thông các địa phương đã tích cực tuyên truyền, thực hiện ký cam kết về đảm bảo tải trọng và nồng độ cồn đối với các doanh nghiệp, HTX vận tải trên địa bàn.
Công nhân dùng khò lửa cắt bỏ các tấm kim loại lắp phía trên thùng phương tiện cơi nới
Theo đó, các doanh nghiệp, chủ phương tiện kinh doanh vận tải đều thể hiện nhất trí, đồng thuận cao và cam kết thực hiện những nội dung đã ký, góp phần bảo đảm trật tự ATGT. Nhiều doanh nghiệp cũng ban hành quy chế và xử lý vi phạm đối với cá nhân, đơn vị trực thuộc nếu để xảy ra vi phạm.
Anh Nguyễn Tiến Đỉnh, Giám đốc Công ty CP Phát triển thương mại và Vận tải Trung Thành, TP. Thái Nguyên, khẳng định: Những lái xe vi phạm lần đầu chúng tôi sẽ nhắc nhở, cảnh cáo và phạt tiền theo quy định; nếu còn cố tình tái diễn, Công ty sẽ buộc thôi việc.
Nhiều doanh nghiệp, chủ cơ sở chủ động khắc phục các lỗi vi phạm về tải trọng, đưa kích thước thành thùng trở về nguyên trạng. Anh Dương Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Tuấn Ly cho biết: Hiện doanh nghiệp có 10 đầu xe, trong đó có 9 xe đầu kéo ben và 1 xe “bốn chân”. Dù chi phí hạ tải không nhỏ, 4 triệu đồng/xe, song phía doanh nghiệp vẫn tự giác chấp hành cắt thành thùng toàn bộ 10 xe đang hoạt động. Chúng tôi mong muốn lực lượng chức năng kiểm soát tốt tình trạng chở quá tải, làm đúng pháp luật để đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp.
Còn anh Vũ Minh Đức, chủ Gara ô tô Tâm, phường Tích Lương, TP. Thái Nguyên, nói: Từ đầu cao điểm đến nay, chúng tôi làm hết công suất, mỗi ngày thực hiện cắt thành thùng cho 5-6 xe, các chủ xe đều yêu cầu cắt về nguyên bản.
Thiếu tá Chu Anh Tuấn, Phó Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Thái Nguyên khẳng định: Việc xử lý nghiêm xe quá tải, quá khổ kết hợp với vận động, tuyên truyền đến từng doanh nghiệp, cá nhân lái xe thực sự đem lại những chuyển biến tích cực rõ rệt. Nhiều tuyến đường trước đây thường xuyên xuất hiện xe quá tải nay gần như "sạch bóng". Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả bước đầu, vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tái diễn khi hết đợt ra quân cao điểm của lực lượng chức năng. Do vậy, sau 2 tháng cao điểm, lực lượng chức năng sẽ duy trì và tăng cường tuần tra, kiểm soát; xử lý các trường hợp vi phạm cơi nới thành thùng, chở hàng quá tải trọng, đảm bảo các xe “chạy đúng, chở đủ” theo quy định của pháp luật.