Nhân viên tuyến xe buýt số 2 ăn mặc lịch sự, tận tình phục vụ hành khách.
Thời gian gần đây, các tuyến xe buýt, trong đó có các tuyến xe buýt trợ giá, đã đông khách trở lại, góp phần giảm phương tiện cá nhân, chi phí đi lại, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.
Người dân hài lòng
Có mặt trên tuyến xe buýt trợ giá số 2 (bến xe Biên Hòa - trạm xe Nhơn Trạch), ấn tượng đầu tiên chúng tôi cảm nhận đó là tuyến xe được đầu tư chất lượng tốt, không gian sạch sẽ, thoáng mát, hệ thống máy lạnh hoạt động liên tục trong thời gian vận chuyển hành khách. Đặc biệt, đội ngũ lái xe, nhân viên ăn mặc lịch sự, tận tình hướng dẫn, giúp đỡ cho hành khách. Tất cả hành khách đều phải đeo khẩu trang.
Chị Nguyễn Thị Hiền Lương (ngụ TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cho hay, trước đây chị từng chạy xe máy từ nhà đến H.Nhơn Trạch để thăm người thân, nhưng việc đi xe máy cảm thấy không an toàn vì trên quốc lộ 51 xe cộ đông, giao thông phức tạp nên gần đây chị chuyển sang đi xe buýt.
“Mỗi khi thăm người thân ở H.Nhơn Trạch, tôi đến bến xe Biên Hòa đón xe buýt số 2. Tôi rất hài lòng khi đi tuyến xe này vì cảm thấy thuận tiện, xe chạy đúng giờ, giá rẻ, ghế ngồi thoải mái, ngăn nắp, thái độ phục vụ của tài xế, nhân viên rất nhiệt tình” - chị Lương chia sẻ.
Tuyết xe buýt số 1 (Trường đại học Công nghệ Đồng Nai - ngã tư Vũng Tàu) là một trong những tuyến xe buýt trợ giá luôn đông khách.
Đồng Nai có 5 tuyến xe buýt trợ giá gồm: tuyến số 1 (Trường đại học Công nghệ Đồng Nai - ngã tư Vũng Tàu); tuyến số 2 (bến xe Biên Hòa - trạm xe Nhơn Trạch); tuyến số 3 (bến xe Hố Nai - trạm xe Hóa An); tuyến số 7 (bến xe Biên Hòa - bến xe Vĩnh Cửu) và tuyến số 8 (bến xe Vĩnh Cửu - trạm xe Big C).
Anh Trương Minh Hào, sinh viên Trường đại học Công nghệ Đồng Nai chia sẻ, nhà anh ở gần ngã tư Vũng Tàu (thuộc P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) và cách trường học hơn 10km. Do vậy, anh chọn tuyến xe buýt số 1 có trợ giá để đi lại cho thuận lợi, giá rẻ, an toàn, vừa tránh được mưa, nắng.
“Tôi rất hài lòng khi đi xe buýt vì cảm thấy thoải mái, xe được đầu tư chất lượng tốt, đặc biệt có đội ngũ lái xe, nhân viên thân thiện, phục vụ tốt và hay giúp đỡ hành khách là người già, trẻ em. Tôi mong muốn mạng lưới xe buýt ở Đồng Nai được bao phủ rộng hơn, tiện lợi hơn để thu hút ngày càng đông người đi xe buýt, nhất là giới trẻ” - anh Hào kiến nghị.
Ông Nguyễn Văn Nở (phụ trách điều hành tuyến xe buýt số 2, Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Hoàng Hà, TP.Biên Hòa) cho biết, công ty đảm nhận tuyến xe buýt số 2 có trợ giá của Nhà nước và đã hoạt động từ năm 2005 đến nay. Công ty có 14 xe và đều được đầu tư, tu bổ mới, lắp đặt hệ thống máy lạnh, camera giám sát hành trình. Hiện tần suất hoạt động của tuyến là 82 chuyến/ngày, mỗi chuyến cách nhau 15 phút trong giờ cao điểm và 20 phút trong giờ thấp điểm.
Đối tượng phục vụ của tuyến xe buýt số 2 là công nhân, học sinh, sinh viên... nên giá vé rất rẻ, chỉ 12 ngàn đồng/vé đối khách đi từ đầu đến cuối tuyến và tiền vé sẽ giảm nếu khách đi ở cự ly ngắn. Ngoài ra, công ty còn miễn, giảm tiền vé đối với người già trên 70 tuổi, thương binh, liệt sĩ, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi…
Cũng theo ông Nở, thời gian qua, công ty thường xuyên tăng cường kiểm tra, giám sát và nhắc nhở đội ngũ lái xe, nhân viên về cung cách phục vụ hành khách như: nhân viên phải niềm nở thăm hỏi và tận tình hướng dẫn cho khách; khách là người khuyết tật, già, trẻ nhỏ… thì phải giúp đỡ, dìu khách lên, xuống xe cho an toàn. Đồng thời, nhắc nhở lái xe trong việc điều khiển phương tiện lưu thông, dừng đón, trả khách cho an toàn.
“Ngoài phục vụ tốt, khi hành khách bỏ quên đồ đạc, tài sản có giá trị trên xe thì chúng tôi tìm mọi cách để hoàn trả cho chủ” - ông Nở bộc bạch.
Chú trọng nâng chất lượng xe buýt
Ông Hoàng Văn Tài, cán bộ Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng (Sở GTVT) cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 5 tuyến xe buýt trợ giá với 58 xe được đầu tư mới 100%, có máy lạnh, niêm yết thông tin điện tử, có loa thông báo trạm, một số tuyến có wifi miễn phí... Các tuyến xe này hoạt động chủ yếu trên địa bàn TP.Biên Hòa và khu vực phụ cận, tổng cự ly khai thác là 110,5 km và hoạt động 436 chuyến/ngày, vận chuyển gần 7 ngàn lượt hành khách/ngày. Trong đó, số lượng học sinh, công nhân, người lao động sử dụng xe buýt có trợ giá chiếm gần 40%.
Ưu điểm của xe buýt trợ giá là chất lượng phương tiện và phục vụ tốt. Đây được coi như là đầu tàu, hạt nhân trong mạng lưới tuyến nên được cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi sát sao, đơn vị vận tải quan tâm chú trọng chất lượng phục vụ để thu hút hành khách. Thời gian hoạt động các chuyến đảm bảo chính xác, đúng giờ, tạo thuận tiện cho người dân đi lại.
Do được trợ giá từ nguồn ngân sách nhà nước nên người dân được sử dụng giá vé rẻ. Giá vé bình quân các tuyến hiện nay là 5 ngàn đồng/lượt hành khách, chỉ tuyến số 2 có cự ly dài trên 40km nên có thêm một số mức giá vé cao hơn. Vì giá vé rẻ nên được người dân sử dụng thường xuyên.
Theo Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng Trần Kim Xuyến, thời gian qua, trung tâm thường xuyên kiểm tra về chất lượng phương tiện, chất lượng phục vụ hành khách; khảo sát, đánh giá hành khách, nhu cầu đi lại để có những điều chỉnh phương án chạy xe phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả khai thác tuyến, chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19… Nhờ đó, hoạt động xe buýt trợ giá đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhu cầu sử dụng xe buýt của người dân có xu hướng tăng.
Trong thời gian tới, trung tâm tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của việc sử dụng xe buýt công cộng đến người dân để từng bước giảm phương tiện cá nhân, hạn chế ùn tắc giao thông; phối hợp với đơn vị vận tải thường xuyên tổ chức quán triệt đội ngũ lái xe và nhân viên chấp hành tốt các quy định, có thái độ ân cần, nhã nhặn, lịch sự đối với hành khách; thường xuyên nắm bắt, đánh giá sản lượng, nhu cầu, thời gian đi lại của hành khách để có những điều chỉnh phương án phù hợp…