Năm 2012, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 09 về cơ chế ưu đãi cho hoạt động xe buýt. Tuy nhiên, quyết định này cơ bản chỉ trích dẫn các nội dung ưu đãi đối với hoạt động xe buýt từ các văn bản khác trên các lĩnh vực: Thuế, đất đai, ưu đãi cho người sử dụng…; đối với hỗ trợ tín dụng chỉ dừng ở mức khuyến khích các tổ chức tín dụng có chính sách ưu đãi cho hoạt động, vận hành của xe buýt. Đến năm 2018, nhận thấy Quyết định số 09 không còn phù hợp với thực tế, không thu hút được các nhà đầu tư tham gia lĩnh vực này; mặt khác, về cơ sở pháp lý đã ra đời nhiều văn bản hướng dẫn cơ chế hoạt động của xe buýt nên UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 30 thay thế Quyết định số 09.
Xe buýt nội thị TP. Nha Trang
Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Khánh Hòa cho biết, Quyết định số 30 là bước ngoặt quan trọng thể hiện cụ thể những ưu đãi trong 4 nhóm: Cơ chế hỗ trợ lãi suất vay vốn tại tổ chức tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; cơ chế hỗ trợ lãi suất vay vốn; cơ chế trợ giá, ưu đãi đối với hoạt động xe buýt; trợ giá đối với người sử dụng dịch vụ xe buýt. Đồng thời, quyết định cũng mở rộng hơn các đối tượng được hưởng ưu đãi. Tuy nhiên, cơ chế chính sách về trợ giá có nhiều thay đổi nên mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 16 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 30 nhằm hỗ trợ tốt nhất cho loại hình vận tải công cộng bằng xe buýt.
Theo Quyết định số 16, UBND tỉnh Khánh Hòa giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan xây dựng phương án giá vé xe buýt, quy trình nghiệm thu sản phẩm, thanh toán bao gồm cả việc hỗ trợ giá vé cho các đối tượng chính sách khi đi xe buýt, trình UBND tỉnh ban hành để làm cơ sở thanh toán tiền trợ giá cho doanh nghiệp; thực hiện việc giám sát, kiểm tra, đánh giá, kiểm định chất lượng dịch vụ vận tải khách công cộng bằng xe buýt. Trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng nằm ngoài tầm kiểm soát và khả năng lường trước làm ảnh hưởng đến cung cấp sản phẩm dịch vụ xe buýt thì doanh nghiệp lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ; Sở GTVT có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài chính và các ngành liên quan xem xét, tham mưu UBND tỉnh quyết định mức hỗ trợ theo quy định.
Về cơ chế điều chỉnh đơn giá trợ giá xe buýt: Sau khi các tuyến xe buýt đã đi vào hoạt động, đơn giá trợ giá tính theo 1km xe hoạt động được xem xét điều chỉnh nếu có biến động (tăng hoặc giảm) về giá nhiên liệu từ 10% trở lên làm ảnh hưởng đơn giá trợ giá. Thời điểm xem xét điều chỉnh lần đầu tiên sau khi xe buýt đi vào hoạt động tối thiểu 3 tháng. Sở GTVT trình UBND tỉnh đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên cơ sở căn cứ quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt được duyệt và nhu cầu thực tế; tham mưu UBND tỉnh xây dựng Trung tâm điều hành giao thông công cộng để thực hiện công tác quản lý, điều hành hoạt động vận tải hành khách công cộng nói chung, hoạt động vận tải bằng xe buýt nói riêng và đầu tư, quản lý, bảo trì, sửa chữa hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ các tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Trong thời gian chưa có Trung tâm Điều hành giao thông công cộng, Sở GTVT có trách nhiệm đầu tư, quản lý, bảo trì, sửa chữa hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt từ nguồn chi sự nghiệp giao thông của ngân sách tỉnh theo quy định.