Để bảo đảm ATGT trong quá trình vận chuyển hàng hóa bằng xe ô tô trên đường bộ, các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, tuần tra kiểm soát, phát hiện và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.
Lực lượng CSGT tăng cường kiểm tra kết hợp với tuyên truyền
tới lái xe ô tô vận chuyển hàng hóa thực hiện đúng quy định về tải trọng
Khi vận chuyển hàng hóa trên các tuyến đường giao thông, vẫn có một số chủ phương tiện giằng buộc, che chắn thùng thành xe không đúng quy định, khiến vật liệu, hàng hóa rơi, đổ trong quá trình vận chuyển. Để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, lực lượng chức năng đã tổ chức nhiều đợt ra quân xử lý các hành vi vi phạm trên.
Kết quả, từ 20/6 - 8/9, qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng Cảnh sát giao thông trên toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã phát hiện và xử lý 70 trường hợp điều khiển phương tiện giao thông không che phủ bạt để rơi vãi vật liệu xây dựng và chất thải xuống đường, số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 210 triệu đồng.
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải (GTVT) Vĩnh Phúc, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.500 cá nhân, tổ chức kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, với khoảng 4.000 phương tiện.
Sở GTVT chỉ đạo các phòng, ban trực thuộc quản lý chặt chẽ việc cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng hóa, cấp phù hiệu xe tải. Tăng cường công tác kiểm định, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật phương tiện, nhất là xe chở hàng quá khổ, xe bồn chở xi măng, bê tông…; không đăng kiểm, cấp phù hiệu cho các phương tiện tự ý cơi nới thùng thành xe, các phương tiện vi phạm chở hàng quá tải trọng không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do lực lượng chức năng gửi thông báo. Phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức hậu kiểm phương tiện sau khi kiểm định.
UBND các huyện, thành phố rà soát các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai mỏ, san lấp mặt bằng trên địa bàn để có biện pháp quản lý và ký cam kết không bốc, xếp hàng hóa quá tải trọng, khi phương tiện vận chuyển hàng hóa ra khỏi mỏ, khu vật liệu phải có biện pháp che chắn.
Sở GTVT Vĩnh Phúc yêu cầu các cơ quan, đơn vị tham gia kinh doanh vận tải hàng hóa quản lý chặt chẽ phương tiện vận tải, thực hiện việc theo dõi qua thiết bị giám sát hành trình đúng quy định về thời gian làm việc của lái xe và đảm bảo thiết bị hoạt động thường xuyên, liên tục, truyền dẫn, lưu trữ đầy đủ các dữ liệu theo quy định.
Duy trì bộ phận thường trực theo dõi an toàn giao thông, kịp thời phát hiện, kiên quyết yêu cầu lái xe chấm dứt hành vi vi phạm về tốc độ, thời gian lái xe và hành trình.
Ông Vũ Văn Vượng, chủ nhà xe Nga Vượng, Tổ dân phố Lá Sen, thị trấn Thổ Tang (Vĩnh Tường) chuyên chở hàng hóa nông sản tuyến Vĩnh Phúc - Lào Cai cho biết: Nhằm bảo đảm ATGT trong quá trình vận chuyển hàng hóa bằng xe ô tô trên đường bộ, chúng tôi thực hiện nghiêm quy định về xếp hàng hóa trên xe ô tô khi tham gia giao thông; lựa chọn phương tiện phù hợp với hàng hóa; xếp và vận chuyển hàng hóa thực hiện đúng quy định về tải trọng thiết kế của ô tô và khổ giới hạn của cầu, hầm đường bộ.
Hàng hóa xếp trên xe dàn đều, được giằng buộc chắc chắn, đảm bảo không xê dịch khi vận chuyển. Nhờ vậy, các chuyến hàng luôn đảm bảo an toàn.
Để kịp thời ngăn chặn các các hành vi vi phạm trong kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, Thanh tra Sở GTVT Vĩnh Phúc phối hợp với Cảnh sát giao thông bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật, xây dựng kế hoạch kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện, kích thước thùng xe.
Địa bàn thực hiện trên tất cả các tuyến quốc lộ, liên huyện, các điểm dừng, điểm xuất phát nguồn hàng của các nhà máy, khu công nghiệp... trên địa bàn tỉnh.
Từ 20/6 - 8/9, lực lượng Cảnh sát giao thông phát hiện và xử lý hơn 1.000 trường hợp vi phạm chở hàng quá tải trọng, quá khổ, cơi nới thùng xe, với số tiền xử phạt 4,2 tỷ đồng.
Quá trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng có sự kết hợp với tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, tải trọng phương tiện; quy định xử phạt hành chính... Qua đó, giúp lái xe, chủ doanh nghiệp và người dân nắm vững, chấp hành quy định của pháp luật về vận tải hàng hóa.