Thanh tra, kiểm tra hoạt động đào tạo, thi, cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên và người lái phương tiện ĐTNĐ

Thứ hai, 03/10/2022 11:05

Thanh tra, kiểm tra hoạt động đào tạo, kiểm tra, thi, cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên và người lái phương tiện đường thủy nội địa

I. MỘT SỐ KHÁI NIỆM

1. Thuyền viên là người làm việc theo chức danh quy định trên phương tiện:

(1) không có động cơ trọng tải toàn phần trên 15 tấn;

(2) hoặc phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 15 sức ngựa;

(3) hoặc phương tiện có sức chở trên 12 người.

(Khoản 18 Điều 3, Luật Giao thông đường thủy nội địa)

2. Người lái phương tiện là người trực tiếp điều khiển phương tiện:

(1) không có động cơ trọng tải toàn phần đến 15 tấn;

(2) hoặc phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính đến 15 sức ngựa;

(3) hoặc phương tiện có sức chở đến 12 người hoặc bè.

(Khoản 20 Điều 3, Luật Giao thông đường thủy nội địa)

Phương tiện phục vụ dạy thực hành lái và vận hành máy

II. CÁC LOẠI GIẤY CHỨNG NHẬN KHẢ NĂNG CHUYÊN MÔN (GCNKNCM), CHỨNG CHỈ CHUYÊN MÔN (CCCM)

1. GCNKNCM là giấy chứng nhận cho thuyền viên đủ khả năng đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng, máy trưởng trên phương tiện thủy nội địa.

Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn có thời hạn 05 năm, được phân hạng như sau:

(1) Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng được phân thành bốn hạng: Hạng nhất (T1), hạng nhì (T2), hạng ba (T3), hạng tư (T4).

(2) Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn máy trưởng được phân thành ba hạng: Hạng nhất (M1, hạng nhì (M2), hạng ba (M3).

2. CCCM là chứng chỉ chứng nhận cho thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa đủ khả năng làm việc, xử lý các vấn đề an toàn trên phương tiện thủy nội địa hoặc điều khiển phương tiện thủy nội địa.

Chứng chỉ chuyên môn bao gồm:

(1) Chứng chỉ huấn luyện an toàn cơ bản (ATCB);

(2) Chứng chỉ nghiệp vụ, gồm:

a) Chứng chỉ thủy thủ (TT);

b) Chứng chỉ thợ máy (TM);

c) Chứng chỉ lái phương tiện (LPT).

(3) Chứng chỉ chuyên môn đặc biệt, bao gồm:

a) Chứng chỉ điều khiển phương tiện cao tốc (ĐKCT);

b) Chứng chỉ điều khiển phương tiện đi ven biển (ĐKVB);

c) Chứng chỉ an toàn làm việc trên phương tiện đi ven biển (ATVB);

d) Chứng chỉ an toàn làm việc trên phương tiện chở xăng dầu (ATXD);

đ) Chứng chỉ an toàn làm việc trên phương tiện chở hóa chất (ATHC);

e) Chứng chỉ an toàn làm việc trên phương tiện chở khí hóa lỏng (ATKHL).

3. GCNKNCM, CCCM của thuyền viên, người lái phương tiện có thể bị thu hồi hoặc bị tước quyền sử dụng theo quy định của pháp luật.

(Điều 30, Luật Giao thông đường thủy nội địa; Điều 3, Điều 4 Thông tư 40/2019/TT-BGTVT).

III. CƠ SỞ KINH DOANH DỊCH VỤ ĐÀO TẠO THUYỀN VIÊN, NGƯỜI LÁI PHƯƠNG TIỆN THỦY NỘI ĐỊA

Cơ sở kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa (sau đây viết tắt là cơ sở đào tạo) được thành lập hợp pháp và đáp ứng các điều kiện về cơ sở đào tạo theo quy định.

Cơ sở đào tạo được chia thành bốn loại, gồm:

1. Cơ sở đào tạo loại 1: Được phép đào tạo, bổ túc, bồi dưỡng để cấp các loại GCNKNCM, CCCM theo quy định của Luật giao thông đường thủy nội địa.

2. Cơ sở đào tạo loại 2: Được phép đào tạo, bổ túc, bồi dưỡng để cấp GCNKNCM từ hạng nhì trở xuống, CCCM.

3. Cơ sở đào tạo loại 3: Được phép đào tạo, bổ túc, bồi dưỡng để cấp GCNKNCM từ hạng ba trở xuống, CCCM.

4. Cơ sở đào tạo loại 4: Được phép đào tạo, bổ túc, bồi dưỡng để cấp GCNKNCM thuyền trưởng hạng tư, chứng chỉ nghiệp vụ.

(Điều 4, Nghị định quy định điều kiện kinh doanh của Chính phủ, được hợp nhất tại Văn bản số 09/VBHN-BGTVT ngày 03/5/2019 của Bộ GTVT).

IV. NỘI DUNG, PHẠM VI THANH TRA, KIỂM TRA

1. Điều kiện pháp lý để hoạt động

1.1. Quyết định thành lập của cơ quan có thẩm quyền;

1.2. Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa.

2. Điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật

2.1. Phòng học chuyên môn, phòng thi, phòng kiểm tra

Hệ thống phòng học chuyên môn và phòng thi, kiểm tra phải phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống phòng học chuyên môn, phòng thi, kiểm tra (QCVN 98:2017/BGTVT), bao gồm:

(1) Phòng học pháp luật về giao thông đường thủy nội địa;

(2) Phòng học điều khiển phương tiện thủy nội địa;

(3) Phòng học lý thuyết máy - điện;

(4) Phòng học thủy nghiệp cơ bản.

Phòng thi, kiểm tra có thể được bố trí chung với các phòng học chuyên môn.

2.2. Xưởng thực hành

Các xưởng thực hành phải phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xưởng thực hành (QCVN 98:2017/BGTVT), bao gồm:

(1) Xưởng thực hành nguội - cơ khí;

(2) Thực hành máy - điện.

(Điều 6, Nghị định quy định điều kiện kinh doanh của Chính phủ, được hợp nhất tại Văn bản số 09/VBHN-BGTVT ngày 03/5/2019 của Bộ GTVT).

2.3. Khu vực dạy thực hành lái và vận hành máy

(1) Khu vực dạy thực hành lái và vận hành máy phải phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khu vực dạy thực hành lái và vận hành máy (QCVN 98:2017/BGTVT).

(2) Phương tiện thực hành phải có giấy tờ hợp pháp về đăng ký, đăng kiểm, các trang thiết bị phục vụ hành trình, cứu sinh, cứu hỏa, cứu thủng và phải treo biển "Phương tiện huấn luyện" ở vị trí dễ quan sát trong khi huấn luyện.

(Điều 7, Nghị định quy định điều kiện kinh doanh của Chính phủ, được hợp nhất tại Văn bản số 09/VBHN-BGTVT ngày 03/5/2019 của Bộ GTVT).

3. Điều kiện về tài liệu phục vụ giảng dạy

3.1. Giáo trình phục vụ giảng dạy

(1) Nội dung, chương trình đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa được quy định tại Thông tư số 03/2017/TT-BGTVT ngày 20/01/2017 của Bộ trưởng Bộ GTVT, được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 06/2020/TT-BGTVT ngày 09//3/2020 của Bộ trưởng Bộ GTVT; được hợp nhất tại Văn bản số 08/VBHN-BGTVT ngày 20/10/2020 của Bộ GTVT.

(2) Người đứng đầu cơ sở đào tạo có trách nhiệm tổ chức biên soạn và duyệt giáo trình hoặc lựa chọn giáo trình phù hợp làm tài liệu giảng dạy, học tập chính thức.

3.2. Câu hỏi thi, kiểm tra, đáp án

Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ sở đào tạo tổ chức biên soạn và công bố ngân hàng câu hỏi thi, kiểm tra và đáp án làm tài liệu thi, kiểm tra chính thức thống nhất trên toàn quốc.

4. Điều kiện về giáo viên

4.1. Tiêu chuẩn chung của đội ngũ giáo viên được thực hiện theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp.

4.2. Đối với giáo viên dạy thực hành, ngoài tiêu chuẩn quy định chung, còn phải bảo đảm các tiêu chuẩn sau:

(1) Giáo viên dạy thực hành thuyền trưởng, máy trưởng phải có GCNKNCM thuyền trưởng, máy trưởng cao hơn ít nhất 01 hạng so với hạng GCNKNCM được phân công giảng dạy;

(2) Giáo viên dạy thực hành thuyền trưởng, máy trưởng hạng nhất phải có GCNKNCM thuyền trưởng, máy trưởng hạng nhất và có thời gian đảm nhiệm chức danh hạng nhất từ 36 tháng trở lên.

(Điều 9, Nghị định quy định điều kiện kinh doanh của Chính phủ, được hợp nhất tại Văn bản số 09/VBHN-BGTVT ngày 03/5/2019 của Bộ GTVT).

4.3. Số lượng giáo viên cơ hữu, thỉnh giảng, lý thuyết, thực hành;

4.4. Bảo đảm tiêu chuẩn chung, tiêu chuẩn riêng đối với giáo viên dạy lý thuyết, giáo viên dạy thực hành;

4.5. Bố trí giáo viên giảng dạy; bảo đảm chế độ, quyền lợi đối với giáo viên.

5. Tổ chức đào tạo, thực hiện thi, kiểm tra đánh giá kết quả

5.1. Tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra, rà soát các điều kiện học, thi, kiểm tra

5.1.1. Quy định về tổ chức lớp học

Cơ sở đào tạo hoặc Sở Giao thông vận tải (đối với địa phương chưa có cơ sở đào tạo) thực hiện các công việc sau:

(1) Tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra, rà soát các điều kiện dự học, thi, kiểm tra theo quy định.

(2) Mở lớp học, tổ chức giảng dạy, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên theo chương trình quy định.

(3) Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày khai giảng, báo cáo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam:

a) Danh sách học viên đủ điều kiện dự học (Báo cáo số 1) do người đứng đầu cơ sở đào tạo hoặc Sở Giao thông vận tải (đối với địa phương chưa có cơ sở đào tạo) xét duyệt.

b) Kế hoạch đào tạo của toàn khoá học.

(4) Sau khi kết thúc khoá học, báo cáo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam:

a) Kết quả học tập của học viên (Báo cáo số 2) do người dứng đầu cơ sở đào tạo hoặc Sở Giao thông vận tải (đối với địa phương chưa có cơ sở đào tạo) xét duyệt.

b) Kế hoạch tổ chức thi, kiểm tra.

(5) Đối với CCCM, trong thời hạn 10 ngày, trước khi tổ chức kiểm tra cấp CCCM, cơ sở đào tạo hoặc Sở Giao thông vận tải (đối với địa phương chưa có cơ sở đào tạo) báo cáo bằng văn bản về Cục Đường thủy nội địa Việt Nam để Cục giám sát các kỳ kiểm tra; đối với CCCM đặc biệt, sau khi có kết quả kiểm tra của học viên, cơ sở đào tạo gửi kết quả kiểm tra về Cục Đường thủy nội địa Việt Nam để Cục ra Quyết định công nhận kết quả kiểm tra, cấp CCCM đặc biệt.

(Điều 8 Thông tư 40/2019/TT-BGTVT)

5.1.2. Hồ sơ và trình tự dự học, thi, kiểm tra để được cấp GCNKNCM, CCCM

(1) Cá nhân có nhu cầu dự học, thi lấy GCNKNCM, kiểm tra lấy CCCM nộp 01 (một) bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác đến cơ sở đào tạo hoặc Sở Giao thông vận tải (đối với địa phương chưa có cơ sở đào tạo). Hồ sơ bao gồm:

a) Đơn đề nghị theo mẫu quy định;

b) 02 (hai) ảnh màu cỡ 2x3 cm, nền trắng, ảnh chụp không quá 06 tháng;

c) Giấy chứng nhận sức khoẻ do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp;

d) Bản sao kèm bản chính để đối chiếu (trong trường hợp gửi trực tiếp) hoặc bản sao chứng thực (trong trường hợp gửi qua đường bưu chính hoặc theo hình thức phù hợp khác) của các loại giấy tờ chứng nhận về thuyền trưởng hoặc máy trưởng hoặc chứng chỉ chuyên môn hoặc bản dịch công chứng sang tiếng Việt (đối với các loại giấy tờ chứng nhận về thuyền trưởng hoặc máy trưởng hoặc chứng chỉ chuyên môn do các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp) để chứng minh đủ điều kiện dự thi, kiểm tra tương ứng với loại GCNKNCM, CCCM.

(2) Trình tự thực hiện:

Cơ sở đào tạo hoặc Sở Giao thông vận tải (đối với địa phương chưa có cơ sở đào tạo) tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và xử lý như sau:

a) Trường hợp hồ sơ nộp trực tiếp, nếu hồ sơ hợp lệ thì viết giấy hẹn làm thủ tục dự học, thi, kiểm tra lấy GCNKNCM, CCCM; nếu hồ sơ không hợp lệ theo quy định thì trả lại và hướng dẫn cá nhân hoàn thiện lại hồ sơ;

b) Trường hợp hồ sơ nhận qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác, nếu hồ sơ không hợp lệ theo quy định, trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ sở đào tạo hoặc Sở Giao thông vận tải phải có văn bản gửi cá nhân yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ;

c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định, cơ sở đào tạo hoặc Sở Giao thông vận tải gửi giấy hẹn làm thủ tục dự học, thi, kiểm tra lấy GCNKNCM, CCCM;

d) Cơ quan có thẩm quyền quy định tổ chức thi, kiểm tra và cấp GCNKNCM, CCCM cho thí sinh đạt yêu cầu kỳ thi, kiểm tra;

đ) Cá nhân khi dự thi, dự kiểm tra, nhận hoặc người có giấy ủy quyền nhận GCNKNCM, CCCM phải xuất trình chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu.

(Điều 18 Thông tư 40/2019/TT-BGTVT)

5.2. Mở lớp học, tổ chức giảng dạy, kiểm tra, đánh giá kết quả của học viên

a) Kiểm tra việc bảo đảm thời gian, chương trình đào tạo; bố trí giáo viên.

b) Các sổ quản lý đào tạo của cơ sở đào tạo; sổ chuyên môn của giáo viên.

- Giáo án, bài giảng được phê duyệt theo quy định;

- Các sổ, biểu mẫu phục vụ công tác quản lý giảng dạy, theo dõi học tập.

5.3. Điều kiện, tiêu chuẩn người coi thi, chấm thi, coi kiểm tra, chấm kiểm tra

5.3.1. Ngành, loại, hạng trong thực hiện coi thi, chấm thi, coi kiểm tra, chấm kiểm tra

(1) Ngành:

a) Điều khiển phương tiện, ký hiệu là T: Được coi thi, chấm thi, coi kiểm tra, chấm kiểm tra ngành điều khiển phương tiện;

b) Máy phương tiện, ký hiệu là M: Được coi thi, chấm thi, coi kiểm tra, chấm kiểm tra ngành máy phương tiện.

(2) Loại:

a) Lý thuyết tổng hợp, ký hiệu là LTTH: Được coi thi, chấm thi, coi kiểm tra, chấm kiểm tra môn lý thuyết tổng hợp;

b) Lý thuyết chuyên môn, ký hiệu là LTCM: Được coi thi, chấm thi, coi kiểm tra, chấm kiểm tra môn lý thuyết chuyên môn và môn lý thuyết tổng hợp;

c) Thực hành, ký hiệu là TH: Được coi thi, chấm thi, coi kiểm tra, chấm kiểm tra thực hành;

d) Lý thuyết - thực hành, ký hiệu là LT- TH: Được coi thi, chấm thi, coi kiểm tra, chấm kiểm tra cả lý thuyết và thực hành.

(3) Hạng:

a) Hạng nhất, ký hiệu là 1: Được coi thi, chấm thi, coi kiểm tra, chấm kiểm tra đến thuyền trưởng, máy trưởng hạng nhất;

b) Hạng nhì, ký hiệu là 2: Được coi thi, chấm thi, coi kiểm tra, chấm kiểm tra đến thuyền trưởng, máy trưởng hạng ba.

(Điều 21 Thông tư 40/2019/TT-BGTVT)

5.3.2. Tiêu chuẩn tham dự tập huấn nghiệp vụ để được thực hiện nhiệm vụ coi thi, chấm thi, coi kiểm tra, chấm kiểm tra

(1) Đối với người thực hiện nhiệm vụ coi thi, chấm thi, coi kiểm tra, chấm kiểm tra lý thuyết tổng hợp: Tốt nghiệp trung cấp trở lên.

(2) Đối với người thực hiện nhiệm vụ coi thi, chấm thi, coi kiểm tra, chấm kiểm tra lý thuyết chuyên môn: Tốt nghiệp trung cấp trở lên thuộc một trong các chuyên ngành điều khiển tàu thủy hoặc điều khiển tàu biển, ngành máy tàu thủy hoặc máy tàu biển, đã tham gia giảng dạy hoặc làm việc trong lĩnh vực đường thủy nội địa từ 12 tháng trở lên.

(3) Đối với người thực hiện nhiệm vụ coi thi, chấm thi, coi kiểm tra, chấm kiểm tra thực hành: Tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương trở lên và có GCNKNCM thuyền trưởng cao hơn ít nhất 01 hạng so với GCNKNCM đăng ký dự tập huấn; trường hợp dự tập huấn để được thực hiện nhiệm vụ coi thi, chấm thi thực hành thuyền trưởng hạng nhất phải có GCNKNCM thuyền trưởng hạng nhất và có thời gian đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng hạng nhất từ 24 tháng trở lên.

(Điều 22 Thông tư 40/2019/TT-BGTVT)

5.3.3. Tập huấn nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ coi thi, chấm thi, coi kiểm tra, chấm kiểm tra

(1) Người thực hiện nhiệm vụ coi thi, chấm thi, coi kiểm tra, chấm kiểm tra phải tham dự tập huấn nghiệp vụ tương ứng với từng ngành, loại, hạng.

(2) Nội dung tập huấn: Giới thiệu, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về công tác đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành khác có liên quan và ôn luyện kỹ năng thực hành ngành điều khiển và ngành máy; tiếp cận việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa.

(Điều 23 Thông tư 40/2019/TT-BGTVT)

5.3.4. Công bố danh sách người hoàn thành lớp tập huấn nghiệp vụ đạt yêu cầu để thực hiện nhiệm vụ coi thi, chấm thi, coi kiểm tra, chấm kiểm tra

(1) Người hoàn thành lớp tập huấn nghiệp vụ đạt yêu cầu để thực hiện nhiệm vụ coi thi, chấm thi. coi kiểm tra, chấm kiểm tra được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.

(2) Người thực hiện nhiệm vụ coi thi, chấm thi, coi kiểm tra, chấm kiểm tra chi được coi thi, chấm thi, coi kiểm tra, chấm kiểm tra đúng ngành, loại, hạng đã được tập huấn.

(Điều 24 Thông tư 40/2019/TT-BGTVT)

5.3.5. Xử lý vi phạm đối với thành viên Ban coi thi, chấm thi, coi kiểm tra, chấm kiểm tra

(1) Không được thực hiện coi thi, chấm thi, coi kiểm tra, chấm kiểm tra trong thời hạn 03 tháng khi vi phạm một trong các quy định dưới đây:

a) Có thái độ, hành vi ứng xử không đúng mực khi tham gia công tác coi thi, chấm thi, coi kiểm tra, chấm kiểm tra;

b) Không kiểm tra việc chấp hành nội quy thi, kiểm tra; danh sách thí sinh dự thi, kiểm tra; điều kiện an toàn phòng thi, kiểm tra; điều kiện an toàn của phương tiện, thiết bị phục vụ kỳ thi, kiểm tra;

c) Không báo cáo Trưởng ban coi thi, chấm thi, coi kiểm tra, chấm kiểm tra khi các quy định về điều điều kiện an toàn phòng thi, kiểm tra; điều kiện an toàn của phương tiện, thiết bị phục vụ kỳ thi, kiểm tra không đảm bảo theo quy định;

d) Không chấp hành sự phân công của Trưởng ban coi thi, chấm thi, coi kiểm tra, chấm kiểm tra;

đ) Làm việc riêng, uống rượu, bia hoặc sử dụng các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng trong khi tham gia công tác coi thi, chấm thi, coi kiểm tra, chấm kiểm tra;

e) Tự ý làm những công việc không được phân công;

g) Không kiểm tra kỹ bài thi, kiểm tra dẫn đến thiếu sót liên quan bài thi, kiểm tra khi bàn giao bài thi, kiểm tra cho thư ký Hội đồng thi, kiểm tra.

(2) Không được thực hiện coi thi, chấm thi, coi kiểm tra, chấm kiểm tra trong thời hạn 06 tháng khi vi phạm một trong các quy định dưới đây:

a) Không báo cáo Trưởng ban coi thi, chấm thi, coi kiểm tra, chấm kiểm tra đề nghị Hội đồng thi, kiểm tra điều chỉnh kịp thời khi phát hiện sai sót trong đề thi, kiểm tra;

b) Coi thi, chấm thi, coi kiểm tra, chấm kiểm tra không bảo đảm nguyên tắc mỗi môn thi, kiểm tra phải có tối thiểu 02 thành viên;

c) Trợ giúp thí sinh dưới mọi hình thức;

d) Để xảy ra xô xát, va chạm, tai nạn trong khi coi thi, chấm thi, coi kiểm tra, chấm kiểm tra do nguyên nhân chủ quan;

đ) Không tập hợp kết quả chấm thi, kiểm tra và bàn giao cho thư ký Hội đồng thi, kiểm tra;

e) Bị xử lý vi phạm theo điểm (1) với 02 (hai) lần trong thời gian 12 tháng.

(3) Không được thực hiện coi thi, chấm thi, coi kiểm tra, chấm kiểm tra trong thời hạn 12 tháng khi vi phạm một trong các quy định dưới đây:

a) Không thực hiện đúng nội dung, quy trình và thủ tục của kỳ thi, kiểm tra theo quy định hiện hành;

b) Chấm thi, kiểm tra không chính xác làm ảnh hưởng đến kết quả thi, kiểm tra của thí sinh;

c) Bao che cho những hành vi sai phạm, tiêu cực;

d) Có biểu hiện tiêu cực làm sai lệch kết quả thi, kiểm tra;

đ) Bị xử lý vi phạm theo điểm (2) với 02 (hai) lần trong thời gian 12 tháng.

(4) Hủy kết quả công nhận thực hiện coi thi, chấm thi, coi kiểm tra, chấm kiểm tra khi bị xử lý vi phạm 02 (hai) lần theo điểm (3).

(Điều 25 Thông tư 40/2019/TT-BGTVT)

5.3.6. Thẩm quyền xử lý vi phạm đối với thành viên Ban coi thi, chấm thi, coi kiểm tra, chấm kiểm tra

(1) Chủ tịch Hội đồng thi, kiểm tra đình chỉ thực hiện nhiệm vụ coi thi, chấm thi, coi kiểm tra, chấm kiểm tra đối với thành viên Ban coi thi, chấm thi, coi kiểm tra, chấm kiểm tra vi phạm và báo cáo, kiến nghị Cục Đường thủy nội địa Việt Nam xử lý sau khi kết thúc kỳ thi, kiểm tra.

(2) Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thực hiện xử lý vi phạm đối với thành viên Ban coi thi, chấm thi, coi kiểm tra, chấm kiểm tra trên cơ sở báo cáo, kiến nghị của Chủ tịch Hội đồng thi, kiểm tra.

(Điều 26 Thông tư 40/2019/TT-BGTVT)

(Còn nữa)                   

Nguyễn Văn Tuấn -                 
Phòng Thanh tra chuyên ngành - Thanh tra Bộ GTVT

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:108201
Lượt truy cập: 176.165.375