Đoàn công tác khảo sát tại khu vực Cảng Cửa Lò
Cảng Cửa Lò là cảng quốc tế tổng hợp đầu mối quốc gia loại 1, phục vụ vận chuyển hàng hóa nội địa; xuất, nhập khẩu cho các tỉnh trong khu vực, nước bạn Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan. Hằng năm, Cảng quốc tế Cửa Lò tiếp nhận hàng nghìn lượt tàu biển nội địa và quốc tế vào xếp, dỡ hàng với sản lượng hàng hóa thông qua cảng khoảng 3-4 triệu tấn. Ước tính mỗi tháng tỉnh Nghệ An có 1.000 – 1.200 container xuất bán trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, Cảng biển Nghệ An không nằm trong nhóm cảng biển quan trọng, do đó, trong những năm qua chưa được Trung ương đầu tư đê chắn sóng; ngân sách Trung ương bố trí hạn chế nên luồng tàu chỉ được nạo vét đến cao độ -7,2m và nạo vét mở rộng khu quay trở tàu để đảm bảo cho tàu biển 10.000DWT đầy tải ra, vào, việc tăng năng lực khai thác hàng hóa, đón các tàu có trọng tải lớn ra, vào gặp nhiều khó khăn.
Tàu cá ngư dân neo đậu lấn chiếm cầu Cảng Cửa Lò
Trong khi đó, khu vực giáp ranh cảng Cửa Lò có rất nhiều dân cư tập trung sinh sống xung quanh nên đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cảng. Các bến số 5, 6 hiện trong quá trình hoàn thiện và đã khai thác các tuyến, tuy nhiên, đường vào cảng chưa được đầu tư đồng bộ…
Đặc biệt, khó khăn lâu nay chưa được giải quyết là thực trạng tàu cá của ngư dân vẫn thường xuyên chiếm dụng cầu cảng Cửa Lò làm nơi neo đậu, gây cản trở đến việc khai thác cầu bến, an toàn hàng hải và an ninh, trật tự trên bến cảng.
Ông Bùi Kiều Hưng – Tổng Giám đốc Cảng Nghệ Tĩnh cho biết, các tàu cá này thường xuyên neo, đậu chủ yếu ở các bến số 3, 4 và 5 – là những bến cảng nước sâu, chuyên bốc dỡ hàng hóa cho tàu nước ngoài và tàu container. Việc chiếm dụng này không phù hợp với Bộ luật quốc tế về an ninh tàu và bến cảng (Bộ luật ISPS) nên các tàu rất ngại vào cảng Cửa Lò, đặc biệt, các tàu của các nước phát triển như: Nhật, Mỹ, EU, Hàn Quốc… không vào Cảng Cửa Lò.
Bến cá Nghi Tân (TX. Cửa Lò) hiện chỉ đáp ứng việc neo đậu cho tàu công suất nhỏ
cũng là lý do khiến ngư dân không neo đậu
Tại cuộc làm việc, đại diện lãnh đạo cảng Cửa Lò, các sở, ngành đã nêu những khó khăn, bất cập; đưa ra một số giải pháp tháo gỡ khó khăn tại khu vực cảng; Đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp và chỉ đạo kịp thời để hoàn thành nhanh chóng bến cá mới (thời gian thực hiện xây dựng bến cá mới đã kéo dài gần 10 năm). Có giải pháp phối hợp với các cấp chính quyền địa phương vận động (hoặc cưỡng chế) người dân chấp hành việc di dời thuyền cá ra khỏi khu vực cầu Cảng Cửa Lò nhằm đảm bảo an toàn hàng hải, phù hợp với quy định của Bộ luật quốc tế về an ninh và bến cảng; đảm bảo điều kiện đón các tàu của các nước phát triển ra, vào cảng.
Giám đốc Sở Công Thương cho biết, thời gian qua, kim ngạch xuất khẩu của Nghệ An tăng trưởng mạnh, nhưng đang có nhiều điểm nghẽn, nhất là vấn đề hàng hóa xuất, nhập qua cảng. Để giải quyết vấn đề trước mắt cho doanh nghiệp xuất khẩu thuận lợi, cần di dời tàu cá ra khỏi khu vực cảng, và nạo vét luồng lạch. Cảng Cửa Lò với độ sâu -7,2m thì hoạt động ra, vào của tàu hàng rất khó phát triển được.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh làm việc với các sở, ngành, thị xã Cửa Lò
đề nghị xử lý dứt điểm việc neo đậu của tàu thuyền tại Cảng Cửa Lò
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh cho rằng, để cảng Cửa Lò xứng tầm là cảng biển khu vực, vấn đề đặt ra là phải hoàn thành bến cá Nghi Tân để tàu thuyền ra, vào. Trước mắt, cần phân loại tàu, đưa tàu nhỏ vào bến cá Nghi Tân để sắp xếp, giải tỏa cho cảng Cửa Lò. Tàu của ngư dân tỉnh bạn đề nghị hướng dẫn về neo đậu tại Cảng Cửa Hội đã được đầu tư đồng bộ. Thị xã Cửa Lò nhanh chóng thống kê, tuyên truyền, vận động ngư dân di dời tàu cá ra khỏi khu vực cảng, hình thành thói quen neo đậu tại bến cá mới.
Về một số nội dung khác như việc nạo vét luồng, quy hoạch khu vực đổ thải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị Cảng Nghệ Tĩnh tham mưu phương án duy tu, bão dưỡng thường xuyên, xây dựng phương án tận thu…