Nâng cao các giải pháp phòng ngừa và phát hiện, xử lý tham nhũng

Thứ hai, 09/01/2023 08:13

Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Đoàn Hồng Phong đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị Trực tuyến triển khai công tác ngành Thanh tra năm 2023 vừa diễn ra tại Hà Nội.

Theo Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong,
năm 2023, ngành Thanh tra cần tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Ảnh: LP

Tại Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã đánh giá cao những kết quả đạt được của TTCP và toàn ngành Thanh tra năm 2022. Đồng thời, chỉ ra những vấn đề mà ngành Thanh tra cần khắc phục trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ năm 2023 cho TTCP và ngành Thanh tra; yêu cầu ngành Thanh tra tiếp tục đổi mới, sáng tạo để phấn đấu hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao, nhất là công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực.

Thay mặt lãnh đạo TTCP và ngành Thanh tra, Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong đã tiếp thu toàn bộ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái để cụ thể hóa vào kế hoạch công tác năm 2023. Đồng thời, xin hứa với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái sẽ tiếp tục đoàn kết, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực; Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ giao năm 2023.

Năm 2022, dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng TTCP và ngành Thanh tra đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư mà trực tiếp là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái hoàn thành xuất sắc toàn diện trên các mặt công tác và đạt những kết quả tích cực, quan trọng.

Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh, năm 2023 để góp phần thực hiện thắng lợi các nghị quyết, chương trình công tác của Chính phủ theo tinh thần “Đoàn kết, kỷ cương; Bản lĩnh, linh hoạt; Đổi mới, sáng tạo; Kịp thời, hiệu quả”, ngành Thanh tra cần tiếp tục đoàn kết, bản lĩnh, đổi mới, quyết tâm, quyết liệt phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cấp ủy, chính quyền các cấp giao cho. 

Theo đó, ngành Thanh tra tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm:

Thứ nhất, bám sát định hướng chương trình thanh tra năm 2023, yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cấp ủy, chính quyền các cấp và tình hình thực tế để triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra và nhiệm vụ được giao đột xuất, bảo đảm phù hợp, hiệu quả. Trong đó, tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như: Quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản; quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng; đầu tư xây dựng; cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước; đấu thầu, mua sắm tài sản công; tài chính, ngân hàng; tín dụng cho vay bất động sản; trái phiếu; chứng khoán…

 

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: LP

Theo Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong, mục tiêu quan trọng của công tác thanh tra trong giai đoạn hiện nay là phải đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng các kết luận thanh tra theo đúng quy định của pháp luật, khắc phục triệt để tình trạng chậm ban hành Kết luận thanh tra; nâng cao kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ trong tổ chức và hoạt động thanh tra.

Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong cũng cho biết, vừa qua, TTCP đã ban hành Nghị quyết số 45/2022 và Quyết định số 465/2022 về nội dung này. Do vậy, cần nghiên cứu, nắm chắc các quy định để tổ chức thực hiện tốt hơn nữa trong hoạt động thanh tra.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, nhất là tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản do vi phạm, tiêu cực, tham nhũng.

Thứ hai, tham mưu thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC); tập trung tham mưu giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài; không để phát sinh “điểm nóng” về KNTC.

Thứ ba, thực hiện tốt các nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cấp ủy, chính quyền các cấp giao về công tác PCTN, tiêu cực. Sớm trình Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia về PCTN đến năm 2030 và kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

Tập trung triển khai có hiệu quả công tác kiểm tra, xác minh tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật về PCTN; nâng cao hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và tăng cường phát hiện, xử lý tham nhũng. Khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì khẩn trương chuyển cơ quan điều tra xử lý (không chờ ban hành kết luận thanh tra).

Thứ tư, về công tác xây dựng thể chế, việc quan trọng nhất là phải tập trung cao độ cho việc tham mưu Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra năm 2022 có hiệu lực từ ngày 1/7/2023; chủ động xây dựng và ban hành các thông tư, các quy định chi tiết thi hành luật và nghị định về thanh tra.

Thứ năm, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành một cách nhịp nhàng, chặt chẽ, ăn khớp để công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và PCTN, tiêu cực ngày càng hiệu lực, hiệu quả.       

 

Nguồn: Báo Thanh tra

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:2700
Lượt truy cập: 175.402.990