Theo đó, 5 tổ công tác được thành lập, gồm: Tổ 1 - chỉ đạo công tác GPMB các dự án Khu công nghiệp Quảng Trị và cảng biển Mỹ Thủy; Tổ 2 - chỉ đạo công tác GPMB dự án đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông Tây; Tổ 3 - chỉ đạo công tác GPMB dự án thành phần cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ; Tổ 4 - chỉ đạo công tác GPMB dự án đường tránh phía Đông TP Đông Hà và Tổ 5 - chỉ đạo công tác GPMB dự án cảng hàng không Quảng Trị.
Một trong những đoạn tuyến thuộc gói thầu XL2 dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ
qua tỉnh Quảng Trị đang thi công
Theo quyết định, các tổ công tác có nhiệm vụ trực tiếp kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong công tác GPMB; báo cáo tình hình, kết quả hoạt động của tổ công tác và đề xuất Ban Chỉ đạo chỉ đạo, giải quyết những vấn đề cụ thể để đẩy nhanh công tác GPMB, triển khai dự án đúng tiến độ.
Đáng chú ý, bên cạnh thành lập Tổ công tác của Ban chỉ đạo GPMB cấp tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã quyết định ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo GPMB cấp tỉnh và quyết định về việc thành lập Tổ giúp việc Ban chỉ đạo công tác GPMB cấp tỉnh.
Nhà thầu đang thi công các cọc khoan nhồi cầu bắc qua sông Hiếu
tại dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ qua tỉnh Quảng Trị
Hiện nay, công tác GPMB, TĐC các dự án trên đang được các Sở ngành, UBND các địa phương tập trung triển khai tuy nhiên gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Đơn cử, tại dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy (giai đoạn 1), nhiều hộ dân có kiến nghị về đơn giá bồi thường, hỗ trợ nhà cửa, vật kiến trúc thấp so với giá thị trường.
Thậm chí, nhiều hộ dân lo ngại dự án “khởi công những chưa thi công” này không thực hiện nên họ không ký thống nhất phương án, kinh phí GPMB, di dời tái định cư với lý do: khi ký vào phương án GPMB sợ nhà nước không trả tiền bồi thường, hỗ trợ.
Lúc đó họ không còn đất để ở nên đã kiến nghị đợi hộ đã thống nhất phương án di dời TĐC nhận tiền trước, sau đó họ ký thống nhất phương án và nhận tiền sau...
Tại dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ đoạn qua tỉnh Quảng Trị đến nay đã bàn giao mặt bằng được khoảng hơn 20km (khoảng 15,3/32,5km mặt bằng sạch), trong đó có 15 đoạn có mặt bằng sạch đủ công địa để tổ chức các mũi thi công.
Các đoạn còn lại đã bàn giao nhưng người dân chưa chặt cây thu hồi tài sản hoặc các đoạn quá ngắn dưới 300m không đủ công địa để tổ chức 1 mũi thi công nền đường.
Trâu bò thoải mái gặm cỏ ở khu vực thuộc dự án cảng Mỹ Thủy
đã "khởi công xây dựng" ngày 27/2/2020 nhưng đến nay vẫn chưa thi công...
Đối với 12,32km còn lại địa phương chưa bàn giao, có khoảng 6,77km đất liên quan các hộ dân vào khu TĐC. Trong khi đó, huyện Vĩnh Linh đang trình quy hoạch 1/500 đối với 4/4 khu TĐC để bố trí cho 138 hộ dân.
Tại huyện Gio Linh có 4 khu TĐC bố trí cho 119 hộ dân, đang lập dự án 2/4 khu TĐC; đã trình dự án cho Sở Xây dựng 2/4 khu TĐC. Huyện Cam Lộ đang lập dự án 3/3 khu TĐC để bố trí cho 220 hộ dân.
“Hiện nay, nút thắt GPMB phụ thuộc rất nhiều vào việc xây dựng các khu TĐC. Do thời gian thực hiện bàn giao mặt bằng toàn bộ còn khoảng 3 tháng - mốc thời gian yêu cầu theo Nghị quyết 18 đến 30/6/2023 phải bàn giao 100% mặt bằng sạch, trong khi các công việc còn lại rất nhiều, có nguy cơ không đảm bảo tiến độ”, đại diện Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho hay.
Do đó, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đề nghị các UBND huyện đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ để sớm bàn giao mặt bằng còn lại, ưu tiên các đoạn tuyến, các cầu mà Ban đã cùng địa phương đi kiểm tra hiện trường để GPMB sớm...
Bên cạnh đó, đề nghị UBND các huyện xem xét sau khi lập dự án có thể cho người dân bốc thăm vị trí lô đất TĐC của mình, đồng thời hỗ trợ thuê nhà trong khi chờ xây dựng khu TĐC để có thể bàn giao mặt bằng cho dự án...