Gặp nhiều khó khăn
Quốc lộ (QL) 14E có chiều dài gần 90km, nối từ đường ven biển Quảng Nam (tại Thăng Bình) đến giáp đường Hồ Chí Minh (qua Phước Sơn). Cung đường nằm trong quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 1/9/2021.
QL14E là một trong những trục ngang rất quan trọng phục vụ đi lại, vận chuyển hàng hóa từ các dự án đầu tư trên địa bàn Khu kinh tế mở Chu Lai và Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) đến nước bạn Lào thông qua Cửa khẩu quốc tế Nam Giang và ngược lại. Đây cũng là tuyến kết nối trực tiếp với đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi để đáp ứng nhu cầu liên kết vùng động lực kinh tế miền Trung.
Những năm qua, Quảng Nam đã ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư cải tạo, nâng cấp được 15,27km đoạn từ đường ven biển đến xã Bình Quý (Thăng Bình) với quy mô đường cấp 3 đồng bằng. Như vậy, đoạn còn lại khoảng 70,69km chưa được đầu tư.
Gần đây, nhu cầu vận chuyển tăng cao trên QL14E dẫn đến nguy cơ ùn tắc và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Nhiều vụ tai nạn giao thông, sạt lở gây ách tắc dài ngày đã xảy ra trên tuyến huyết mạch này.
Chính vì vậy, việc Bộ GTVT vừa qua đã khởi công cải tạo, nâng cấp đoạn còn lại của tuyến QL14E để nâng cao năng lực thông hành, đảm bảo an toàn giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng.
Tuy nhiên, để công trình về đích thành công, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) phải đi trước một bước. Với chiều dài lên tới hơn 70km, số hộ dân bị ảnh hưởng liên quan đến GPMB là rất lớn.
Hơn nữa, việc lấn chiếm hành lang an toàn giao thông diễn ra nhiều năm qua, cùng với quản lý hiện trạng chưa được quan tâm đúng mức sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ GPMB. Công trình liên quan đến đất rừng, rừng cần có thời gian để xin chủ trương giải quyết. Việc bố trí tái định cư cho những hộ bị giải tỏa nhà ở cũng là bài toán khó...
Chính quyền tỉnh và chủ đầu tư xác định, công tác bồi thường, GPMB là yếu tố then chốt để thúc đẩy tiến độ thi công, hoàn thành công trình. Muốn vậy, ngoài tháo gỡ vướng mắc mặt bằng từ các hộ dân bị ảnh hưởng, công tác di dời công trình hạ tầng dọc tuyến (điện, cấp nước, viễn thông…) sẽ khó nhanh chóng nếu các đơn vị quản lý thiếu trách nhiệm. Đặc biệt, nguồn cung khoáng sản làm vật liệu thông thường phục vụ dự án đang đặt ra nhiều thách thức, nhất là đất nguyên liệu.
Chủ động tháo gỡ
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đưa dự án vào danh mục các dự án do Ban Chỉ đạo bồi thường, GPMB các dự án trọng điểm của tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.
Lãnh đạo tỉnh đề nghị UBND các huyện Thăng Bình, Hiệp Đức, Phước Sơn báo cáo ban thường vụ huyện ủy đưa dự án này vào diện theo dõi, chỉ đạo của ban chỉ đạo bồi thường, GPMB các công trình trọng điểm của các huyện; thành lập các tổ công tác do đồng chí thường trực huyện ủy làm tổ trưởng để tập trung chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, đơn vị, địa phương liên quan để phối hợp, thực hiện hoàn thành bồi thường, GPMB, tái định cư nhằm kịp thời bàn giao mặt bằng thi công công trình.
Trước tính cấp thiết của GPMB, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu các huyện vùng dự án rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất liên quan đến dự án và các khu vực dự kiến bố trí tái định cư để đảm bảo căn cứ triển khai thực hiện các hồ sơ, thủ tục liên quan đến đất đai. Rà soát các khu dân cư để ưu tiên quỹ đất bố trí tái định cư cho dự án; rà soát các địa điểm, quỹ đất nhỏ lẻ để bố trí tái định cư xen ghép cho hộ dân tại khu vực nhu cầu tái định cư ít.
Vận động người dân tự tìm đất sau khi nhận tiền bồi thường, hỗ trợ để sớm bàn giao mặt bằng. Nhưng trước hết, các huyện phải quản lý hiện trạng chặt chẽ; khẩn trương đo đạc giải thửa, xác nhận nguồn gốc đất, lập phương án bồi thường, GPMB, tái định cư để triển khai nhanh những bước tiếp theo.
Liên quan đến rừng, đất rừng, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN-MT theo dõi, hướng dẫn đơn vị quản lý dự án, các địa phương làm các hồ sơ, thủ tục đúng quy định. Đối với hạ tầng kỹ thuật dọc tuyến, các sở, ngành liên quan khẩn trương làm việc với đơn vị quản lý để tổ chức di dời, bàn giao mặt bằng.
Lãnh đạo tỉnh đề nghị Ban Quản lý dự án 4 (Cục Đường bộ Việt Nam) rà soát nhu cầu đất nguyên liệu để làm việc với địa phương làm quy hoạch, thống nhất địa điểm khai thác đảm bảo phục vụ dự án; đồng thời có trách nhiệm lựa chọn địa điểm, làm việc với địa phương, hay tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện thủ tục mượn hoặc thuê đất trạm trộn bê tông nhựa phục vụ thi công.
Dự án cải tạo, nâng cấp QL14E đoạn km15+270-km89+700 đã được khởi công vào ngày 7/3 vừa qua. Công trình do Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư; quản lý dự án là Ban Quản lý dự án 4. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 1.848,2 tỷ đồng (bồi thường, GPMB chiếm hơn 260 tỷ đồng), sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.