Cụ thể, theo ông Lê Thanh Tùng, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, chỉ tiêu được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; Ban hành kịp thời, đầy đủ các chương trình, kế hoạch phát triển CPĐT, CĐS và bảo đảm an toàn thông tin mạng của Bộ GTVT; Thực hiện hiệu quả các hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Bước đầu hình thành dữ liệu số ngành GTVT phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và kết nối, chia sẻ với bộ, ngành, địa phương theo kế hoạch Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, năm 2023, Bộ GTVT cần hoàn thành 06 chỉ tiêu, 25 nhiệm vụ về xây dựng CPĐT và chuyển đổi số. Kết quả thực hiện đến hết tháng 6/2023, Bộ đã hoàn thành 05/06 chỉ tiêu, 14/25 nhiệm vụ, đang thực hiện 11/25 nhiệm vụ.
Giám đốc Trung tâm CNTT Bộ GTVT Lê Thanh Tùng
báo cáo về công tác triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Chuyển đổi số và Đề án 06
“Công tác chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử tiếp tục được lãnh đạo bộ quan tâm. Trong 6 tháng đầu năm, đồng chí Bộ trưởng và các đ/c Thứ trưởng đã chủ trì 08 cuộc họp chuyên đề để thúc đẩy triển khai xây dựng CPĐT và các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06”, ông Lê Thanh Tùng cho biết.
Về kết quả thực hiện, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin Bộ GTVT báo cáo, về công tác ứng dụng nội bộ, Bộ đã hoàn thành xây dựng hệ thống và số hoá hồ sơ của của hơn 10.700 cán bộ, công chức viên chức thuộc thẩm quyền quản lý, đồng bộ với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức. Cục Quản lý đầu tư xây dựng cũng đã đưa vào sử dụng hệ thống thông tin quản lý các dự án công trình giao thông và triển khai đến các Cục, Ban QLDA thuộc Bộ.
Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến: tiếp tục duy trì cung cấp 291 dịch vụ công trực tuyến trong tổng số 404 thủ tục hành chính (tỷ lệ 72%); Trong 6 tháng đầu năm 2023, hệ thống tiếp nhận và xử lý 114.629 hồ sơ (tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 80,2%), với hơn 103 nghìn tài khoản sử dụng. So với 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến tăng khoảng 8,6%.
Về nhiệm vụ triển khai dịch vụ công trực tuyến đổi giấy phép lái xe do ngành GTVT cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, theo ông Lê Thanh Tùng, đây là một trong 25 dịch vụ công thiết yếu, ưu tiên triển khai theo Đề án 06. Cục ĐBVN đã mở rộng triển khai mở rộng trên phạm vi toàn quốc từ ngày 14/11/2022. Từ tháng 3/2023, Bộ đã phối hợp với Bộ Công an kết nối dữ liệu xử lý vi phạm giao thông; phối hợp với Bộ Y tế kết nối 1.334 cơ sở y tế, cung cấp hơn 624 nghìn giấy khám sức khoẻ điện tử; Và trong 6 tháng qua, các Sở GTVT đã xử lý, trả gần 11.000 GPLX thông qua DVC trực tuyến. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn 5/63 Sở GTVT chưa phát sinh hồ sơ trực tuyến.
“Báo cáo thêm với hội nghị, dịch vụ công cấp, đổi GPLX là một trong các dịch vụ công được Liên hợp quốc chọn đánh giá khi xếp hạng chỉ số Chính phủ điện tử của các quốc gia. Vì vậy, việc ngành GTVT thực hiện tốt dịch vụ công trực tuyến này ngoài việc tạo thuận lợi cho người dân, còn giúp phần nâng cao chỉ số CPĐT của Việt Nam”, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin Lê Thanh Tùng nhấn mạnh.
Nguời dân dễ dàng với thủ tục đăng ký cấp đổi GPLX qua mạng
Về nhiệm vụ triển khai các nhiệm vụ tại Đề án 06, theo ông Lê Thanh Tùng, đây là nhóm nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng CPĐT của Bộ GTVT và năm 2023 Bộ được giao thực hiện 20 nhiệm vụ. Đến hết tháng 6/2023, Bộ đã đã hoàn thành 7/20 nhiệm vụ. Ngoài các nhiệm vụ chung về hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh tái cấu trúc nghiệp vụ để sử dụng CSDL về dân cư thay thế cho các giấy tờ liên quan đến công dân. Bộ đang tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như Phối hợp với Bộ Công an đẩy mạnh việc xác thực, hiển thị Giấy phép lái xe trên VneID. Về nhiệm vụ này, Cục ĐBVN đã hoàn thành kết nối CSDL GPLX với CSDL quốc gia về dân cư, đã thực hiện đối soát khoảng 35 triệu GPLX, trong đó đã đối soát trùng khớp 31,3 triệu (đạt tỷ lệ 90,24%), đang tiếp tục phối hợp với C06 để đối soát 3,6 triệu GPLX còn lại.
Theo nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ GTVT đang phối hợp với Bộ CA triển khai thí điểm sử dụng sử dụng thông tin bằng lái xe hiển thị trên VNeID thay cho GPLX bản cứng tại Bình Dương.
Về triển khai tài khoản định danh điện tử mức độ 2; ứng dụng sinh trắc học cho công dân khi làm thủ tục đi tàu bay, đảm bảo toàn trình tự động tránh ùn tắc.
Bên cạnh đó, theo ông Lê Thanh Tùng, để tạo điều kiện cho người dân khi sử dụng dữ liệu về dân cư trong các hoạt động của ngành GTVT. Bộ đang chỉ đạo Cục HKVN và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam thí điểm triển khai 02 nội dung là thí điểm tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cho khách đi tàu bay: Nội dung này được triển khai từ ngày 01/6/2023 cho khách đi tàu bay nội địa tại tất cả sân bay trên toàn quốc. Theo đó người dân có thể sử dụng thông tin Căn cước công dân hiển thị trên ứng dụng VNeID thay cho thẻ căn cước công dân. Thứ hai là ứng dụng sinh trắc học cho khách đi tàu bay: Hiện nay đang thí điểm tại Cát Bi, Nội Bài và Phú Bài. Theo đó khách hàng chỉ xuất trình thẻ căn cước công dân 1 lần tại quầy checkin, tại đây khách hàng mất khoảng 5-7s để xác thực thông tin sinh trắc học của mình với thông tin sinh trắc học được lưu trong căn cước công dân. Sau đó tại các bước kiểm tra an ninh, lên tàu bay, khách hàng sẽ được xác định tự động và mở cửa mà không phải xuất trình bất cứ thông tin gì.
“Việc triển khai mạnh mẽ ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động của ngành GTVT đã thể hiện quyết tâm của Lãnh đạo Bộ về chuyển đổi quản lý, điều hành ngành GTVT dựa trên dữ liệu số, để phục vụ người dân và doanh nghiệp””, Giám đốc Trung tâm CNTT Bộ Giao thông khẳng định. Tuy nhiên, ông Lê Thanh Tùng cũng cho biết, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này, mặc dù các đơn vị đã tập trung, nỗ lực triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng CPĐT được giao, tuy nhiên nhiệm vụ về triển khai xây dựng các CSDL dùng chung về: kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, người điều khiển phương tiện trong lĩnh vực giao thông vận tải còn chậm. Cần sự quyết tâm, chỉ đạo quyết liệt của các đồng chí thủ trưởng các cơ quan liên quan.
Ông Lê Thanh Tùng cũng cho biết, trong 6 tháng cuối năm, Bộ sẽ tập trung hoàn thành các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao về xây dựng CPĐT, CĐS, trong đó phấn đấu cố gắng hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 cũng như đẩy mạnh việc xây dựng CSDL dùng chung về kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, người điều khiển phương tiện, hướng tới quản lý, điều hành dựa trên dữ liệu số.
Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ phê duyệt các Đề án và kế hoạch để đẩy mạnh ứng dụng trong hoạt động của lĩnh vực đường bộ và đăng kiểm. Hướng tới việc quản lý, giám sát các hoạt động này thông qua hệ thống CNTT, thúc đẩy hoạt động vận tải và đảm bảo an toàn giao thông.
“Nội dung các Đề án, kế hoạch đã được Bộ GTVT gửi các Sở GTVT góp ý kiến, trên cơ sở đó đề nghị các Sở căn cứ các nhiệm vụ được giao xây dựng Kế hoạch phát triển Chính phủ điện tử chuyển đổi số của đơn vị mình đáp ứng yêu cầu”, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin Bộ GTVT Lê Thanh Tùng đề nghị.
H.L