Theo Công văn số 3917/VPCP-QHĐP ngày 30/5/2023 của Văn phòng Chính phủ chuyển tới Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về việc trả lời ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tại Hội trường ngày 26/5/2023, trong đó Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi có ý kiến như sau:
“Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước có ý kiến chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc và Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sớm đầu tư thực hiện hoàn thành nút giao giữa đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với tuyến đường Trì Bình - Dung Quất tại huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi để kết nối lưu thông hàng hóa, phát huy hiệu quả đầu tư Khu kinh tế Dung Quất và khai thác hiệu quả tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi”.
Trước tiên Bộ GTVT trân trọng cảm ơn đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân. Đối với nội dung chất vấn của Đại biểu nêu trên, Bộ GTVT xin trả lời như sau:
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (Dự án) đã được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 2656/QĐ-BGTVT ngày 10/9/2010, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB), vốn vay của Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng của Việt Nam. Dự án có chiều dài 131,5km, quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100 km/h. Dự án đã thông xe, đưa vào khai thác từ tháng 8/2017 đối với đoạn sử dụng vốn vay JICA và tháng 9/2018 đối với đoạn sử dụng vốn vay WB. Nút giao giữa đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với tuyến đường Trì Bình - Dung Quất tại huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi là hạng mục nằm trong đoạn tuyến sử dụng vốn vay WB (nút giao Dung Quất). Phần tuyến chính trong phạm vi nút giao đã thi công hoàn thành và đưa vào khai thác cùng với tuyến cao tốc từ tháng 9/2018.
Trong quá trình triển khai thực hiện, do công tác bàn giao mặt bằng chậm (đến cuối năm 2018, địa phương mới bàn giao cho Dự án đầy đủ mặt bằng phạm vi nút giao) trong khi theo yêu cầu kỹ thuật thì phương án xử lý nền đất yếu bằng giếng cát và phải gia tải chờ cố kết trong thời gian 12 tháng (kết thúc thời gian gia tải vào tháng 12/2019) nên đến thời điểm kết thúc hiệp định vay vốn WB vào ngày 29/4/2019 nút giao Dung Quất chưa thể hoàn thành phần nhánh nối của nút giao (mới hoàn thành một số hạng mục: mố trụ, bản mặt cầu của các cầu; phần nền mặt đường đang thi công dở dang; còn một số công tác như đắp nền đường, các cống thoát nước, các lớp móng mặt đường, hệ thống ATGT, nhà điều hành và trạm thu phí chưa được thi công hoàn thành). Trong các năm 2020, 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Việt Nam phải thực hiện dãn cách xã hội trong thời gian dài, nên lãnh đạo các nhà thầu nước ngoài không thể sang Việt Nam để chỉ đạo thực hiện các khối lượng còn lại của nút giao.
Đồng thời, từ năm 2019, một số cơ chế chính sách có sự điều chỉnh, dẫn đến VEC không thể huy động vốn để tiếp tục đầu tư Dự án (vốn nước ngoài không được phân bổ theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 ngày 12/11/2018 của Quốc hội và Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 15/7/2019 của Chính phủ; hiệp định vay vốn WB kết thúc vào ngày 29/4/2019 không được gia hạn thêm; sau khi VEC chuyển về trực thuộc Ủy ban QLVNN tại doanh nghiệp, trách nhiệm bố trí vốn đối ứng là của doanh nghiệp nên Chính phủ không tiếp tục bố trí vốn đối ứng theo quy định tại Nghị định 94/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018).
Sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành cấp phát NSNN cho các Dự án của VEC tại Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội, từ tháng 10/2022, thủ tục bố trí vốn nước ngoài (phần vốn vay JICA) mới được nối lại. Như vậy, để tiếp tục triển khai Dự án cần tiếp tục bố trí vốn để thay thế vốn vay WB đã hết hạn Hiệp định và vốn đối ứng thuộc trách nhiệm của VEC nhằm mục tiêu hoàn thành các hạng mục còn lại của Dự án.
Để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn vốn đầu tư các dự án của VEC, hiện Ủy Ban Quản lý vốn nhà nước, Bộ GTVT đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép VEC tự cân đối từ các nguồn vốn hợp pháp để tiếp tục triển khai Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành (dự kiến phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư trong tháng 7/2023). Sau khi cơ chế bố trí vốn nêu trên được chấp thuận tại Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, VEC sẽ tiếp tục rà soát, cân đối các nguồn vốn hợp pháp còn lại để trình cấp có thẩm quyền phương án bố trí vốn cho dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Để có thể sớm triển khai thi công các hạng mục còn lại của Dự án, VEC đang tích cực rà soát, lập hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư và chuẩn bị các thủ tục liên quan để có thể trình cấp có thẩm quyền ngay sau khi cân đối, bố trí được nguồn vốn, với mục tiêu phấn đấu hoàn thành các hạng mục còn lại trong năm 2025.