Khái niệm dân chủ được tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau xuyên suốt qua chiều dài lịch sử phát triển của xã hội loài người, phụ thuộc vào mức độ phát triển kinh tế - xã hội của từng quốc gia, từng giai đoạn lịch sử cụ thể, vào chế độ chính trị, các yếu tố như vị trí địa lý của quốc gia, văn hóa, truyền thống, bản sắc dân tộc.
1. Vai trò của người dân, xã hội trong kiểm soát quyền lực nhà nước - nhìn từ góc độ lý thuyết về dân chủ.
Dân chủ hay là dân làm chủ hay quyền lực thuộc về nhân dân đang ngày càng trở thành vấn đề cơ bản và cấp thiết cho sự ổn định và phát triển của mỗi quốc gia. Khái niệm dân chủ được tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau xuyên suốt qua chiều dài lịch sử phát triển của xã hội loài người, phụ thuộc vào mức độ phát triển kinh tế - xã hội của từng quốc gia, từng giai đoạn lịch sử cụ thể, vào chế độ chính trị, các yếu tố như vị trí địa lý của quốc gia, văn hóa, truyền thống, bản sắc dân tộc.
Ở Phương đông, trong bầu không khí phát triển mạnh mẽ của tư tưởng Nho giáo của Khổng Tử cùng triết lý trị nước nặng về “nhân trị”, “lễ trị” và sau này là “pháp trị” của Hàn Phi Tử, vẫn le lói quan điểm “lấy dân làm gốc”. Đó là Mạnh Tử - một tư tưởng gia theo trường phái Khổng Tử - người được mệnh danh là “Á thánh Mạnh Tử” (chỉ đứng sau Khổng Tử). Lý thuyết trị nước của Mạnh Tử là “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (Dân quý nhất; cung điện, miếu, đền thờ đứng thứ 2; Vua đứng thứ 3). Ông cho rằng vua vâng mệnh Trời để trị dân, nhưng mệnh Trời phải hợp lòng dân, vai trò chủ chốt là của dân và sự phụ thuộc của nhà cầm quyền vào nhân dân[1].
Tư tưởng chính trị phương Tây đã phát triển mạnh mẽ từ thời cổ đại mà trung tâm là nền văn minh Hy Lạp - La Mã - nơi được coi là cái nôi khai sinh tư tưởng dân chủ có vị trí quan trọng trong lịch sử chính trị của nhân loại - với những đại diện tiêu biểu như Democritos, Aristotle. Democritos (460-370 TCN) cho rằng “nghèo trong một nước dân chủ còn hơn là giàu có trong một nước độc tài, vì tự do tốt hơn nô lệ”[2]. Đối với ông, hạnh phúc nằm ở việc được tận hưởng một bầu không khí chính trị dân chủ chứ không nằm ở sự giàu có hay nghèo khổ.
Aristotle (384-322 TCN) quan niệm rằng, mục đích tối hậu của mọi chế độ là tạo dựng và bảo vệ đời sống tốt đẹp cho mọi người. Chế độ nào đạt được mục đích này là chế độ đúng đắn; ngược lại, chế độ nào chỉ phục vụ cho quyền lợi của giới cầm quyền là chế độ bất công, vì quốc gia là sự kết hợp của những con người tự do và bình đẳng. Ông lập luận rằng “nhà nước, hay cộng đồng chính trị là cái tốt cao nhất” và lý do để nhà nước hiện hữu là để giúp cho công dân sống một đời sống “tốt”[3].
Thời kỳ cận đại, tư tưởng chính trị phương Tây phát triển nở rộ mạnh mẽ với điển hình là Montesquieu và Rousseau. Montesquieu (1689-1755) được coi là đại diện tiếp nối và phát triển học thuyết phân chia quyền lực đã có từ giai đoạn trước đó lên tầm cao nhất. Với chủ trương phân chia quyền lực, ông khẳng định và cổ vũ cho việc công khai hóa bầu cử và cho rằng việc người dân được thực hiện quyền bầu cử của mình một cách công khai là điều cơ bản cho sự tồn tại của nền dân chủ.
Triết lý dân chủ của Jean Jacques Rousseau (1712-1778) nhấn mạnh nguyên tắc quyền tối thượng thuộc về người dân, rằng tất cả quyền lực khác đều phụ thuộc vào quyền tối thượng ấy. Ông cho rằng Nhà nước được hình thành trên nền tảng của một khế ước xã hội có mục tiêu đảm bảo an sinh cho công dân, do vậy chủ quyền tồn tại nhằm mục đích bảo vệ cho mỗi cá nhân trong quốc gia. Khế ước xã hội được xác lập trên nguyên tắc cơ bản là: Quyền tối thượng thuộc về dân chúng. Chính phủ chỉ là người đại diện của quần chúng, hoạt động và thực thi ý nguyện chung. Chính phủ chẳng bao giờ đạt được quyền thống trị tối thượng và tối hậu. “Bàn về khế ước xã hội” (1762) là kiệt tác kinh điển của triết học chính trị phương Tây. Kế thừa tư tưởng của những triết gia vĩ đại thời kỳ khai sáng, triết gia Jean-Jacques Rousseau đã phát triển học thuyết “Khế ước xã hội” theo hướng đúc rút những nguyên tắc liên kết mối quan hệ giữa các cá nhân, nhà nước, chính phủ để tạo thành xã hội vận hành theo ý chí nguyện vọng toàn dân. “Bàn về khế ước xã hội” coi là bản họa đồ nhằm xây dựng một thể chế dân chủ - cộng hòa, ngày nay hiểu là một chính quyền của dân, do dân và vì dân[4]. Cho đến nay, “Bàn về khế ước xã hội” vẫn là tác phẩm được khảo cứu, vận dụng tại nhiều quốc gia cũng như các tổ chức toàn cầu nhằm tìm kiếm giá trị và chuẩn mực công dân toàn cầu khao khát hiện thực hóa để nhân loại chung sống hòa bình, tương trợ lẫn nhau.
Như vậy, tinh thần dân chủ trong các học thuyết chính trị nhìn nhận rằng, từ khi nhà nước xuất hiện thì nhu cầu kiểm soát quyền lực nhà nước cũng bắt đầu nảy sinh bởi quyền lực nhà nước luôn có xu hướng bị tha hoá, bị lạm quyền, bị đứng trước nguy cơ vi phạm vì lợi ích cá nhân. Quyền lực nhà nước được thực thi thông qua con người cụ thể và khi những con người cụ thể sử dụng quyền lực nhà nước vì lợi ích cá nhân thì đó là tham nhũng. Như vậy, khi trong xã hội có giai cấp, nhà nước xuất hiện thì khi đó bắt đầu xuất hiện tham nhũng. Nói cách khác, tham nhũng là một điển hình rõ ràng nhất, cụ thể nhất và sinh động nhất của sự tha hoá quyền lực nhà nước.
Vì vậy, sự kiểm soát quyền lực nhà nước từ phía xã hội có vai trò sau:
Một là, sự kiểm soát quyền lực nhà nước từ phía xã hội là một đảm bảo nhằm hạn chế tối đa sự lạm dụng quyền lực nhà nước vì mục đích cá nhân - một biểu hiện chủ yếu của tham nhũng. Theo giáo lý nhà Phật về bản ngã nhân sinh, thì con người có bản tính tham sân si. Mà một trong những biểu hiện của nó là tham lam, đam mê quyền lực. Điều này dẫn đến khó kiểm soát, gây lên tổn thất cho người khác và cho xã hội[5]. Do đó, việc tổ chức quyền lực và sử dụng quyền lực nếu không có những rào chắn, sự kiểm soát thì rất dễ bị thao túng. Sự kiểm soát quyền lực luôn được đặt ra ở bất kỳ nhà nước nào từ khi nhà nước xuất hiện nhưng chỉ được giải quyết một cách triệt để và bài bản hơn vì mục đích của sự bảo đảm nhân quyền trong cách mạng tư sản. Càng ngày, sự kiểm soát, giới hạn quyền lực nhà nước càng gắn bó mật thiết dân chủ và việc xây dựng một xã hội dân chủ. Trong một xã hội dân chủ, sự kiểm soát nhà nước từ phía xã hội được mở rộng nhất và khi đó, mọi hoạt động của nhà nước đều phải công khai và nằm trong tầm kiểm soát của xã hội và khi đó, mọi sự lạm quyền hay tuỳ tiện của nhà nước thông qua hành vi của công chức nhà nước sẽ ít có cơ hội diễn ra và do đó, tham nhũng khó nảy sinh. Từ góc độ này có thể thấy rằng, sự kiểm soát nhà nước từ phía xã hội là đương nhiên, là tất yếu xuất phát từ chính nguồn gốc ra đời của nhà nước.
Hai là, sự kiểm soát quyền lực nhà nước từ phía xã hội là một bảo đảm đề quyền con người được thực hiện, để nhà nước thực thi tốt chức năng xã hội của mình - một điều kiện phòng ngừa tham nhũng từ xa.
Một trong những quyền thiêng liêng nhất của con người đó là quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Các quyền đó được hiện thực hoá bằng nhu cầu thiết yếu hàng ngày mà trước hết là nhu cầu về ăn mặc, ở, đi lại, học tập, giải trí… Cùng với sự phát triển của xã hội những nhu cầu tinh thần và vật chất của con người không ngừng lớn hơn, cao hơn và do đó, con người tìm nhiều cách thức để đạt được những mục đích này. Cách tốt nhất, hiệu quả nhất và nhanh nhất để thực hiện một cách tốt nhất, tối đa nhất các lợi ích kinh tế của cá nhân là tham nhũng. Do vậy, việc thực hiện lợi ích này luôn có xu hướng sẽ làm phương hại đến lợi ích của cá nhân khác, của tập thể hay xã hội. Nói cách khác, việc thực hiện quyền của một cá nhân có địa vị luôn có xu hướng lạm dụng quyền lực nhà nước nên luôn có xu hướng làm phương hại đến quyền của cá nhân, chủ thể khác trong xã hội. Nếu việc thực hiện quyền lực nhà nước của chủ thể nhân danh quyền lực ấy bị đặt dưới một cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ và chịu sự giám sát của xã hội thì khả năng quyền lực nhà nước được thực thi nghiêm minh, công bằng sẽ cao hơn. Khi quyền lực nhà nước được thực hiện nghiêm minh thì cơ hội cho mọi chủ thể trong xã hội là ngang bằng nhau, đồng nghĩa với việc quyền con người được đảm bảo thực thi đối với mọi cá nhân bởi khi đó, cơ hội cho tham nhũng nảy sinh là rất ít và cơ hội để vạch trần tham nhũng là rất cao. Ở khía cạnh này, vai trò giám sát hoạt động nhà nước của xã hội đóng vai trò là nhân tố đảm bảo sự vận hành của bộ máy nhà nước sẽ trong một khuôn khổ công bằng, dân chủ đã được định sẵn - một khuôn khổ có rất ít cơ hội cho tham nhũng nảy sinh. Và do vậy, vai trò giám sát của xã hội là rất cần thiết, đảm bảo cho các yếu tố dân chủ của nhà nước được thực thi có hiệu quả trên thực tế.
2. Vai trò của người dân, xã hội trong kiểm soát quyền lực nhà nước nhằm phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam
Đối với Việt Nam, vai trò của xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng không chỉ xuất phát từ lý thuyết về sự kiểm soát quyền lực nhà nước từ phía xã hội mà còn xuất phát từ bản chất của nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân như Hiến pháp đã ghi nhận. Lợi ích của Nhà nước, của Đảng là lợi ích của nhân dân, tham nhũng làm tổn hại đến lợi ích của nhà nước, của xã hội cũng là làm tổn hại lợi ích của nhân dân. Do vậy, tham nhũng là kẻ thù của Nhà nước, của Đảng và của xã hội, của toàn thể nhân dân Việt Nam, chống tham nhũng không chỉ là nhiệm vụ của Nhà nước, của Đảng mà là nhiệm vụ của toàn xã hội. Trong các Nghị quyết, văn kiện của Đảng, vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng nói chung và trong công tác phòng, chống tham nhũng nói riêng luôn được đề cao. Nghị quyết Trung ương 3 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã khẳng định: “Tăng cường công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức quần chúng; chú trọng kiểm tra, thanh tra, giám sát việc sử sụng các quỹ từ thiện, nhân đạo. Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nâng cao hiệu quả thanh tra nhân dân, khắc phục bệnh hình thức”.
Thực tế cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong những năm qua cho thấy rất nhiều các vụ tham nhũng lớn được vạch trần bắt đầu từ sự phát hiện của báo chí và các cơ quan truyền thông tấn và thông qua phát giác của quần chúng nhân dân. Đây là những lực lượng hùng hậu mà chúng ta phải tận dụng triệt để nhằm tấn công vào tham nhũng. Thông qua việc tuyên truyền, giáo dục người dân tham gia đấu tranh chống tham nhũng, vạch mặt và lên án những hành vi tham nhũng, cũng như phát hiện tình hình tham nhũng ở các địa phương, bộ, ngành để thủ trưởng các ngành, các cấp nêu cao trách nhiệm của mình trong cuộc đấu tranh đầy khó khăn này. Thực tế cho thấy việc mở rộng dân chủ, thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” là biện pháp phòng ngừa tham nhũng trên thực tế mang lại hiệu quả to lớn. Cơ chế giám sát dân chủ, giám sát trực tiếp của nhân dân là một trong các kênh giám sát đối với cán bộ, công chức bên cạnh các kênh giám sát thông qua thực thi pháp luật, sự kiểm tra của tổ chức Đảng.
Từ vị trí của mình trong hệ thống chính trị, ảnh hưởng trong đời sống xã hội, hoạt động của Mặt trận tổ quốc, doanh nghiệp và các hiệp hội ngành nghề, báo chí và các đoàn thể nhân dân có vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, đặc biệt là trong công tác phòng ngừa tham nhũng. Cụ thể vai trò của từng chủ thể như sau:
a) Vai trò của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong kiểm soát quyền lực nhà nước nhằm phòng, chống tham nhũng
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một bộ phận cấu thành hệ thống chính trị của nước ta hiện nay. Vai trò của Mặt trận tổ quốc trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội đã được khẳng định và chứng minh trong suốt quá trình lịch sử giành chính quyền và xây dựng đất nước từ khi Đảng Cộng sản ra đời. Có thể nói vai trò của Mặt trận tổ quốc trong đời sống chính trị - xã hội của nước ta là vấn đề lịch sử, vấn đề truyền thống, vai trò của Mặt trận là do chính nhân dân, chính lịch sử thừa nhận. Trải qua quá trình lịch sử Mặt trận Tổ quốc Việt nam thực sự là một bộ phận không thể thiếu được của hệ thống chính trị nước ta. “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể thành viên có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...” Đó là củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo nên sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân, thắt chặt mật thiết giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới.
Vai trò của Mặt trận tổ quốc Việt nam đã được ghi nhận trong Hiếp pháp: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[6].
Với mạng lưới rộng khắp, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã quy tụ và tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân; tuyên truyền, động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật; thực hiện việc giám sát mang tính nhân dân, hỗ trợ cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước, nhằm góp phần xây dựng và bảo vệ Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Thực tế lịch sử đã chứng minh, với hệ thống các tổ chức thành viên rộng khắp, Mặt trận tổ quốc có những điều kiện và cơ sở để thực hiện có hiệu quả vai trò của mình trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và các chương trình phát triển xã hội phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của Nhà nước. Đây chính là cơ sở thực tiễn vững chắc để chúng ta tin rằng, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên sẽ phát huy tốt vai trò của mình trong công tác phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cũng như phối hợp trong công tác giám sát tại cơ sở, khuyến khích tinh thần chủ động, tích cực đấu tranh chống tham nhũng trong nhân dân.
Trên tinh thần đó, trong các chủ trương, giải pháp phòng, chống tham nhũng mà Đảng ta đề ra đã nhấn mạnh cần huy động sự tham gia của toàn xã hội trong công tác này, trong đó nhấn mạnh vai trò của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên cần “tăng cường công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức quần chúng; chú trọng kiểm tra, thanh tra, giám sát việc sử dụng các quỹ từ thiện, nhân đạo. Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nâng cao hiệu quả thanh tra nhân dân, khắc phục bệnh hình thức”. Để khẳng định quan điểm của Đảng về phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc trong phòng, chống tham nhũng, Bộ Chính trị (khóa XI) đã ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội và Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013, Ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Để tiếp tục cụ thể hóa nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15/6/2017 về các hình thức giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới, vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày càng cao. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Đổi mới tổ chức, bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội theo phương châm hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư, thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân, làm cầu nối quan trọng giữa Đảng và nhân dân. Củng cố, tăng cường lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”. Pháp luật về phòng, chống tham nhũng cũng đã có những quy định rất cụ thể nhằm phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên trong phòng, chống tham nhũng.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các thành viên của Mặt trận thực hiện giám sát và phản biện mang tính xã hội, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Thông qua hoạt động hiệp thương bầu cử, Mặt trận Tổ quốc sàng lọc, lựa chọn những thành viên ưu tú, đảm bảo lựa chọn những cán bộ ưu tú, đạo đức cách mạng trong sáng để đại diện cho quyền lợi của Nhân dân. Mặt trận Tổ chức và các tổ chức thành viên còn thực hiện quyền giám sát thông qua việc giám sát, phản biện xã hội, đảm bảo pháp luật được thực hiện nghiêm minh, thống nhất.
b) Vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề trong kiểm soát quyền lực nhà nước nhằm phòng, chống tham nhũng
Các doanh nghiệp và doanh nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc Nhà nước quyết định lấy ngày 09 tháng 02 là ngày doanh nhân Việt Nam và các cuộc gặp hàng năm của Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp thể hiện rõ thái độ trân trọng của xã hội đối với sự đóng góp của các doanh nghiệp góp phần chấn hưng nước nhà đồng thời cũng thể hiện thái độ cầu thị của các cơ quan nhà nước trong việc lắng nghe ý kiến phản ánh từ các doanh nghiệp đối với hoạt động quản lý và cơ chế quản lý để có biện pháp khắc phục kịp thời những khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật và thuận lợi trong việc phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa tham nhũng. Bởi lẽ, đây là nhóm chủ thể quyết định đến “sức khoẻ” của nền kinh tế và là đối tượng sử dụng dịch vụ công nhiều nhất. Do vậy, họ cũng là nhóm đối tượng mà hành vi tham nhũng hướng tới nhiều nhất, bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hành vi tham nhũng. Doanh nghiệp luôn được coi là “đối tác” với các quan chức, người có thẩm quyền trong khu vực công trong “mối quan hệ tham nhũng”, nếu “nguồn cung” quan trọng này của tham nhũng bị hạn chế và mất đi, tham nhũng sẽ giảm đáng kể. Thực tế những năm qua, các doanh nghiệp là nạn nhân của tệ tham nhũng cửa quyền sách nhiễu từ những người có chức vụ quyền. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp nhằm đạt được những mục đích kinh doanh hay lợi nhuận của mình thường tìm mọi cách để lót tay, đưa hối lộ với cán bộ, công chức nhằm đạt được những lợi thế trong kinh doanh. Bên cạnh đó, trong bản thân các doanh nghiệp cũng luôn tiềm ẩn các nguy cơ phát sinh tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để trục lợi, làm thất thoát tài sản của doanh nghiệp và ảnh hưởng đến các quan hệ kinh tế lành mạnh trong doanh nghiệp và thị trường. Điều đó làm ảnh hưởng đến những doanh nghiệp làm ăn lành mạnh, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, làm xấu đi môi trường kinh doanh cũng như tạo ra sự bất bình đẳng trong xã hội.
Hậu quả và mối liên hệ giữa tham nhũng với khu vực doanh nghiệp đã được xác định, do vậy, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay đã được pháp luật thể chế hóa và được tiến hành ở cả khu vực công và một phần khu vực doanh nghiệp (khu vực tư). Bên cạnh Công ước phòng, chống tham nhũng của Liên hợp quốc thì các tổ chức phi chính phủ trên thế giới cũng có các Hiệp ước quy định về phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư như Công ước Chống hối lộ công chức nước ngoài trong các giao dịch kinh doanh quốc tế của OECD… Điều đó cho thấy doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề có vai trò vô cùng quan trọng đối với cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở mọi nơi trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Ở Việt Nam, doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề luôn được xác định là một trong những chủ thể đóng vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh này. Phát huy vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng luôn được gắn với việc xây dựng đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp, xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Vì vậy, tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng vừa là trách nhiệm vừa là đòi hỏi tất yếu của doanh nghiệp và những người hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
c) Vai trò của báo chí và các phương tiện truyền thông trong kiểm soát quyền lực nhà nước nhằm phòng, chống tham nhũng
Khi bàn về vai trò của báo chí đối với công tác phòng, chống tham ô, lãng phí Bác Hồ đã từng nói: "Các báo chí phân biệt: có thứ trộm cắp xấu xa, kín đáo, có thứ trộm cắp "đường hoàng". Báo chí phải "gây nên một phong trào quần chúng gớm ghét, bao vây lũ giặc ấy", "gây nên một cuộc vận động trong công nông chống trộm cắp; làm cho lũ trộm cắp "đường hoàng" cũng như trộm cắp kín đáo - Không sống còn được"[7]. Đây là một công việc khó khăn, phức tạp, hiểm nghèo, nhưng nhà báo không được phép lùi bước, phải làm thật tốt để đáp ứng đòi hỏi chính đáng của đông đảo quần chúng nhân dân, góp phần thực hiện công bằng xã hội, khôi phục trật tự kỷ cương trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Báo chí tham gia và tham gia đắc lực chống tham nhũng, làm sáng tỏ, đưa ra công khai, phơi bày trước dư luận xã hội những sự thật để nhân dân phán xét. Chính từ sự phán xét của đông đảo quần chúng nhân dân mà dư luận xã hội có sức mạnh. Sức mạnh đó cũng chính là nguồn tiếp sức cho báo chí nâng cao tính chiến đấu của mình. Và ngược lại, nhờ sức mạnh của công luận mà quần chúng nhân dân được cổ vũ, tạo thêm quyết tâm và dũng khí đấu tranh.
Trong quá trình đổi mới, phát triển đất nước, các phương tiện thông tin đại chúng nói chung, báo chí nói riêng đã có những đóng góp xứng đáng vào việc phát hiện, nhân rộng lối sống mới, đạo đức mới, các gương người tốt, việc tốt, các nhân tố và điển hình tiên tiến. Có thể nói, không một lĩnh vực nào có quan hệ đến cuộc sống người dân và vận mệnh đất nước mà báo chí không đề cập. Sức chiến đấu của báo chí cũng vì thế, ngày càng được nâng cao và được nhân dân tin cậy. Với việc đổi mới về nội dung và hình thức thông tin, báo chí ngày càng làm tốt chức năng là diễn đàn của nhân dân, góp phần kiến tạo bầu không khí dân chủ trong đời sống xã hội. Thông qua báo chí, nhân dân có thể trực tiếp đóng góp vào việc hình thành đường lối, chính sách của Đảng, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và giám sát việc thực hiện pháp luật. Có những sự kiện pháp lý quan trọng của đất nước, như việc góp ý, phản biện trong xây dựng chính sách, pháp luật, Nhân dân đã đóng góp hàng triệu ý kiến thiết thực giúp các cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu tiếp thụ. Cũng thông qua báo chí mà Hiến pháp, các luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước được phổ biến, giáo dục trong nhân dân và phát huy tác dụng trong cuộc sống. Mặt khác, thông qua báo chí, nhân dân thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình theo quy định của pháp luật, đồng thời giám sát quá trình thực thi pháp luật của các cơ quan nhà nước, phát hiện, tố cáo nhiều vụ tiêu cực và tham nhũng trong bộ máy Nhà nước, trong xã hội.
Một trong những giải pháp quan trọng mang tính trụ cột để phòng ngừa tham nhũng tại Việt Nam đã được xác định là công khai, minh bạch. Càng công khai, càng minh bạch thì càng khó tham nhũng. Mọi hoạt động đều bị kiểm soát, trong đó có sự giám sát của công chúng, của giới truyền thông, thì ít bị lợi dụng, lạm dụng để vụ lợi. Báo chí đã, đang phát huy lợi thế của mình để góp phần tăng tính công khai, minh bạch trong hoạt động công quyền và qua đó, loại trừ tham nhũng. Báo chí cũng là một trong những kênh thông tin quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, là công cụ hữu hiệu thúc đẩy xem xét, xử lý hành vi tham nhũng nhanh nhạy, chính xác, khách quan và đúng pháp luật, là phương tiện góp phần bảo đảm hiệu quả trong hoạt động phòng ngừa tham nhũng. Trên thực tế, khi báo chí đã lên tiếng về những vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, với những tài liệu, hồ sơ mà các phóng viên thu thập được, với những bình luận sắc sảo của những cây viết chuyên nghiệp thì các cơ quan có thẩm quyền thường vào cuộc nhanh hơn và sớm đưa ra kết luận. Có thể nói sự giám sát của báo chí giúp cho các vụ tham nhũng nằm trong kiểm soát của công chúng, và do đó, đảm bảo các cơ quan chức năng phải hành động.
Thực tế cho thấy, trong nhiều vụ án tham nhũng, việc xử lý những kẻ phạm tội có chức vụ, quyền hạn là rất khó khăn. Đôi lúc, các cơ quan tiến hành tố tụng không dám mạnh tay, vì “sợ” ô dù của chúng. Nhưng nếu báo chí vào cuộc, phanh phui trước công luận thì sự can thiệp của “ô dù” cũng không dám lộ liễu, công khai, trắng trợn. Do đó, báo chí thật sự là bạn đồng hành của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong đấu tranh chống tham nhũng. Mặt khác, đối với nhiều hành vi tham nhũng xảy ra ở cơ quan, đơn vị bị phát hiện, nhưng vì nể nang, né tránh, sợ mất uy tín cán bộ, cơ quan, do đó đã ỉm đi hoặc xử lý nội bộ, khi báo chí vào cuộc phanh phui trước công luận, thì không thể không xử lý.
Có thể nói, trong nhiều năm qua, báo chí nước ta đã đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới nói chung và cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói riêng. Ngày nay, báo chí đã trở thành một lực lượng quan trọng tham gia quản lý đất nước, quản lý xã hội, một nguồn thông tin và sinh hoạt văn hoá không thể thiếu trong đời sống xã hội. Ghi nhận, tạo điều kiện để báo chí phát huy hơn nữa vai trò của mình trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một nhân tố quan trọng quyết định đến hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay.
d) Vai trò của Nhân dân trong kiểm soát quyền lực nhà nước nhằm phòng, chống tham nhũng.
Nhân dân là cơ sở chính trị quan trọng của nhà nước, là chủ thể của quyền lực nhà nước, thực hiện việc giám sát các mặt của đời sống xã hội, trong đó có thực hiện quyền lực nhà nước.
Trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, nổi bật lên là tư tưởng của Người về độc lập tự do, về xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Ngay trong những ngày đầu sau khi nước Việt Nam ra đời, Hồ Chí Minh vẫn luôn chú ý đến quan niệm “dân là gốc” (dân vi bản) truyền thống. Không những vậy, theo đánh giá của nhà nghiên cứu Vũ Đình Hoè thì “Hồ Chí Minh đã xây dựng nước Việt Nam dân chủ cộng hoà theo những nguyên tắc “dân chủ đặc sắc” chưa từng thấy ở đâu, đó là “Đảng toàn dân, Nhà nước toàn quyền, Pháp quyền toàn dân”. Tư tưởng Hồ Chí Minh về nước lấy dân làm gốc còn là sự kế thừa phát triển nững tư tưởng tiến bộ trong học thuyết chính trị phương Đông truyền thống. Trong xã hội Việt Nam, “dĩ dân vi bản” đã được người xưa nhắc tới như một chân lý trong quản trị và điều hành đất nước. Lấy dân làm gốc là kế sách trị quốc của những bậc anh minh chí tôn. Hơn 4000 năm trước đây, từ sự suy vong của các triều đại thời Hạ, Thương, Chu, trong tư duy chính trị đã nảy sinh khái niệm “dân là gốc” (dân vi bản). “Dân là gốc” trở thành bài học quan trọng bậc nhất đối với sự còn mất của chính quyền. Bài học này sau được Khổng Tử đúc kết như sau: “Đạo đức chính là ở chỗ chính sự được giải quyết một cách thoả đáng, còn vấn đề cơ bản của chính sự lại ở chỗ lo cái ăn, cái mặc, lo dạy dỗ cho dân”; “...Dân mới chính là gốc của Nhà nước, gốc có vững thì nước nhà mới yên ổn...”. Tuân Tử cho rằng “Vua là thuyền, dân là nước, nước có thể chở thuyền, nước cũng có thể lật thuyền”. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói "Vận mệnh quốc gia trong tay nhân dân", “Bao nhiêu quyền hạn đều là của dân”… Đánh giá cao vai trò của nhân dân, Bác viết “Dân chúng rất khôn khéo, rất hăng hái và rất anh hùng… Dân chúng đồng lòng việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, làm việc gì cũng không nên”. Ngày nay, vai trò của người dân ngày càng được khẳng định. Hiến pháp 2013 ghi nhận “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”, “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân” đã thể hiện bản chất của Nhà nước ta, đó là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Trên cơ sở này, vai trò của người dân trong xây dựng và bảo vệ đất nước nói chung và trong từng lĩnh vưc, nội dung hoạt động cụ thể đã được thể chế hóa trong các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Khuyến khích sự tham gia và phát huy vai trò của người dân trong kiểm soát quyền lực nhà nước luôn được coi là một trong những biện pháp cơ bản, hiệu quả nhằm đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đấu tranh chống tham nhũng cần lấy người dân và xã hội dân sự làm trung tâm, phát huy sức mạnh cộng đồng trong phản biện, giám sát tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Làm cho người dân nhận thức được đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí là trách nhiệm công dân của mình. Nhận thức được điều này, vai trò và trách nhiệm của người dân trong phòng, chống tham nhũng đã được thể chế hóa trong các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Nhân dân thực hiện quyền giám sát quyền lực nhà nước thông qua giám sát cán bộ, công chức nhà nước, góp ý xây dựng chính sách pháp luật, giám sát việc thực thi công vụ của cơ quan nhà nước. “Chế tài” quan trọng nhất đối với kiểm soát quyền lực nhà nước là lòng tin của nhân dân. Đảng ta nhận thức rằng mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng sẽ dẫn đến nguy cơ mất vai trò lãnh đạo và sẽ mất quyền lãnh đạo của Đảng, dù quyền đó có thể được chế định bằng những hình thức pháp lý.
Bên cạnh đó, Nhân dân còn thực hiện kiểm soát quyền lực Nhà nước bằng việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đối với việc thực thi công vụ của cơ quan nhà nước, tổ chức cá nhân được nhà nước trao quyền, với các tổ chức đảng các cấp và mỗi đảng viên trong cơ quan của Đảng, cơ quan nhà nước.
TS. Phạm Thị Huệ
Trưởng phòng, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra
[1] PGS.TS. Hoàng Thị Kim Quế, “Tư tưởng Đông, Tây về nhà nước và pháp luật - Những nhân tố Nhà nước pháp quyền” http://www.lapphap.vn
[2] Theo N.M. Voskresenskaia, N. B. Davletshina, Chế độ dân chủ - nhà nước và xã hội, Phạm Nguyên Trường dịch, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2009, tr.5.
[3] https://thegioiluat.vn Truy cập ngày 23/2/2023.
[4] Bàn về khế ước xã hội: Kiệt tác triết học chính trị thế giới. https://thanhnien.vn
[5] Theo “Sự hạn chế quyền lực Nhà nước” PGS.TS. Nguyễn Đăng Dung, Nxb. Đại học quốc gia Hà nội, 2005.
[6] Khoản 1, Điều 9, Hiến pháp 2013.
[7] Sđd, tập 6, tr.500-501