Toàn cảnh buổi làm việc của lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương
với các cơ quan báo chí.
Các đồng chí Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương: Đặng Văn Dũng và Nguyễn Văn Yên chủ trì buổi làm việc. Tham dự có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương và phóng viên của 20 cơ quan báo chí.
Đồng chí Đặng Văn Dũng thông tin về một số nội dung quan trọng của Phiên họp thứ 24 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực diễn ra sáng cùng ngày; phân tích sâu thêm ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo, chủ trì Phiên họp.
Đồng chí Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, 6 tháng đầu năm 2023 và nhìn lại từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, hoạt động của Ban Chỉ đạo tiếp tục có nhiều đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động, hiệu quả và uy tín ngày càng cao. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, đạt nhiều kết quả toàn diện, có bước đột phá mới cả ở Trung ương và địa phương; được dư luận, nhân dân ngày càng tin tưởng, đồng tình, ủng hộ, các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Nổi bật là, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có nhiều cách làm mới, quyết liệt, hiệu quả, tạo sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”. Công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán được đẩy mạnh; nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm bị kỷ luật nghiêm minh.
Các cơ quan chức năng đã chủ động, tích cực điều tra xử lý nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra trên diện rộng, trong các lĩnh vực chuyên môn sâu, khép kín, cả trong khu vực Nhà nước và khu vực ngoài nhà nước. Đặc biệt, các cơ quan chức năng đã điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt cả những đối tượng bỏ trốn; mở đường để xử lý nhiều đối tượng bỏ trốn ở một số vụ án khác; là cơ sở để dẫn độ tội phạm đã được Tòa án kết tội và nghiên cứu, ban hành án lệ, áp dụng thống nhất trên cả nước.
Điểm mới là kiên quyết xử lý trách nhiệm chính trị người đứng đầu trong việc để xảy ra vi phạm, khuyết điểm trong lĩnh vực được phân công quản lý, phụ trách; trên cơ sở đó, khuyến khích cán bộ tự giác nhận khuyết điểm, từ chức, xin thôi chức vụ, nghỉ công tác; kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín thấp.
Công tác thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực; công tác giám định, định giá tài sản; công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, xử lý nguồn tin về tội phạm tham nhũng, tiêu cực và một số khâu yếu trước đây nay đã được tập trung chỉ đạo, tạo bước chuyển biến tích cực. Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo trong 6 tháng đầu năm đã thu hồi hơn 2.000 tỷ đồng; từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã thu hồi hơn 53.000 tỷ đồng (tăng gấp 2,5 lần so tài sản đã thu hồi của cả nhiệm kỳ Đại hội XII).
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong chính các cơ quan, lực lượng chống tham nhũng được đẩy mạnh, tăng cường; từng bước siết chặt kỷ luật, kỷ cương; chủ động và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với các trường hợp cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan này.
Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh sau 1 năm thành lập và triển khai hoạt động từng bước đi vào nền nếp, hiệu quả, tạo sự đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.
Công tác thông tin, tuyên truyền có nhiều đổi mới; vai trò của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, báo chí và nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được phát huy tốt hơn.
Đồng chí Đặng Văn Dũng nhấn mạnh, ý kiến phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo là định hướng quan trọng đối với các cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới. Đồng chí Tổng Bí thư đã khẳng định, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực càng ngày càng có kinh nghiệm, càng ngày càng có hiệu quả, càng ngày càng được dư luận hoan nghênh, ủng hộ, đồng tình, đánh giá cao; làm đồng bộ, kiên quyết, có sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả cao. Phần lớn các vụ việc được phát hiện sớm, xử lý kiên quyết, nghiêm minh, kiên quyết nhưng có lý, có tình, có trốn chạy cũng không thoát được, trốn ra nước ngoài cũng bắt về hoặc xét xử vắng mặt không thể nào trốn.
Thời gian tới, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải kịp thời, quyết liệt, nhịp nhàng hơn nữa, kiên quyết, kiên trì, không nể nang, không chịu bất cứ sức ép nào… Công tác tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng nhiệm kỳ tới sắp đến, có rất nhiều việc phải làm, nhất là chuẩn bị nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV và nhân sự Đại hội Đảng các cấp, đòi hỏi chúng ta phải làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, dứt khoát không để lọt những người tham nhũng, tiêu cực vào cấp ủy khóa tới, nơi nào để xảy ra thì dứt khoát phải kỷ luật cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy nơi đó.
Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Đặng Văn Dũng cho biết, Ban Chỉ đạo yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng trong những tháng còn lại của năm 2023 và thời gian tới, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, phải làm quyết liệt, chặt chẽ, đồng bộ và hiệu quả hơn nữa, tập trung làm dứt điểm những việc đang dở dang, những khâu còn yếu, những địa bàn trọng điểm theo chương trình, kế hoạch của Ban Chỉ đạo đã đề ra. Phải tập trung xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm; phải phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn hơn nữa, quyết tâm truy bắt, dẫn độ bằng được những đối tượng bỏ trốn để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, nhất là các đối tượng đang bỏ trốn trong vụ án xảy ra tại Công ty AIC.
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Yên đã trao đổi, trả lời các câu hỏi của phóng viên về nội dung Phiên họp và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng chí đề nghị các cơ quan báo chí thông tin kịp thời, đầy đủ, toàn diện các nội dung đã được nêu trong thông báo kết quả Phiên họp Ban Chỉ đạo, đặc biệt là tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo.