Theo đó, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hoá do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 907/BDN ngày 29/7/2023, nội dung kiến nghị như sau:
- Cử tri huyện Hà Trung đề nghị Bộ Giao thông vận tải hỗ trợ lập dự án đầu tư xây dựng tuyến đường gom phía Tây đường sắt, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội khu vực phía Tây của huyện; đồng thời giảm số đường dân sinh cắt ngang đường sắt, giảm thiểu tai nạn giao thông đường sắt và trục QL.1 chạy qua địa phận huyện Hà Trung.
- Cử tri huyện Đông Sơn đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt có kế hoạch sửa chữa cống Vại tại Km180 có đường kính 80cm đã bị sập từ năm 2019 do tuyến đường sắt Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh chạy qua. Tuy nhiên, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã sửa chữa và đã bỏ đi 01 vòi bơm bằng sắt 1000m3 để khắc phục tạm thời đang làm ảnh hưởng đến việc tưới, tiêu của nhân dân.
Trước tiên, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân.
Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT xin trả lời như sau:
Về kiến nghị của cử tri huyện Hà Trung, hiện trạng tuyến đường sắt Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh đi qua huyện Hà Trung dài 8,975 km, bắt đầu từ Km144+290 – Km153+265, trong đó có 10 lối đi tự mở, 03 đường ngang có người gác, 04 đường ngang cảnh báo tự động có cần chắn tự động. Hàng rào, đường gom phía phải đường sắt hiện có 2090 m, bao gồm: Km145+550 - Km146+450 (900 m); Km150+050 - Km150+600 (750 m); Km151+150 – Km151+590 (440 m). Các đoạn đường gom trên được thực hiện theo Quyết định số 1856/QĐ-Tg ngày 27/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt.
Theo Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối tự mở qua đường sắt, việc xây dựng đường gom, hàng rào để xóa bỏ các lối đi tự mở thuộc trách nhiệm của UBND các tỉnh có đường sắt đi qua, sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách của địa phương hoặc ngân sách trung ương phân bổ cho địa phương theo từng dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thực hiện chỉ đạo nêu trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 118/KH-UBND ngày 02/6/2020 để thực hiện xoá bỏ lối đi tự mở trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá; theo đó, trên địa bàn huyện Hà Trung dự kiến xây dựng 2490 m hàng rào, đường gom để kết nối đến các đường ngang có người gác hiện hữu nhằm xóa bỏ các lối đi tự mở qua đường sắt.
Năm 2023, UBND huyện Hà Trung đã phê duyệt chủ trương xây dựng 02 đoạn hàng rào, đường gom với chiều dài khoảng 635 m (Km146+450 - Km146+890; Km149+205 – Km149+400) để xóa bỏ 02 lối đi tự mở tại Km146+890 và Km149+205 tuyến đường sắt Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh. Các đoạn đường gom còn lại sẽ được thực hiện đầu tư theo lộ trình đến năm 2025 để xóa bỏ toàn bộ các lối đi tự mở trên địa bàn huyện Hà Trung.
Đối với kiến nghị của cử tri huyện Hà Trung, Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp chặt chẽ với địa phương trong quá trình triển khai thực hiện nhằm đảm bảo lộ trình xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 65/2018/NĐCP ngày 12/5/2018 của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020.
Về đề nghị của cử tri huyện Đông Sơn: Hiện trạng cống Vại tại Km180+285 tuyến đường sắt Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh trên địa bàn xã Đông Văn, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa là cống tròn, đường kính D500mm. Năm 2019, do quá trình khai thác lâu năm nên đã bị sập đốt cống số 3; Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã thực hiện sửa chữa tạm thời bằng việc lắp đặt ống thép D300mm để phục vụ việc thoát nước và canh tác của nhân dân.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, Bộ GTVT đã giao Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện sửa chữa cống tại Km180+285 tuyến đường sắt Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh trong kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2023. Theo đó, năm 2023 bắt đầu thực hiện chuẩn bị đầu tư; dự kiến công trình hoàn thành đưa vào khai thác trong năm 2024.
Trên đây là trả lời của Bộ GTVT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hoá trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành Giao thông vận tải.