Tuy nhiên, để tiến tới mục tiêu dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030 thì thành phố cần tạo ưu tiên hơn nữa để phát triển giao thông công cộng, đặc biệt là xe buýt.
Xe buýt mini giúp tăng cường kết nối với những tuyến xe buýt lớn và đường sắt đô thị.
Lượng xe cá nhân vẫn tăng
Theo số liệu của Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội, đến tháng 11-2023 thành phố Hà Nội có hơn 8 triệu phương tiện tham gia giao thông, trong đó có 1,2 triệu xe ô tô, 0,2 triệu xe điện và 6,7 triệu xe máy. Trong giai đoạn từ năm 2019 - 2022 tốc độ tăng trưởng phương tiện giao thông bình quân trên 10%/năm đối với xe ô tô và 3% đối với xe máy, ngoài ra giao thông Thủ đô còn có sự tham gia của hàng triệu phương tiện đến từ các tỉnh, thành khác.
Cụ thể, mỗi năm thành phố Hà Nội tăng khoảng 390.0000 phương tiện giao thông, trong đó mỗi tháng tăng khoảng 32.750 phương tiện, mỗi ngày tăng 1.100 phương tiện các loại, chủ yếu là loại phương tiện sử dụng nhiên liệu khí đốt xả thải ra môi trường. Theo một số chuyên gia giao thông, với tổng số dân cư khoảng gần 10 triệu người như thành phố Hà Nội mà có tới 7,9 triệu phương tiện và tiếp tục gia tăng theo thời gian như hiện này thì tình hình ùn tắc giao thông diễn biến ngày càng phức tạp.
Về lĩnh vực môi trường, trong những năm gần đây tình hình ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng tăng và luôn ở mức báo động. Trong đó hoạt động giao thông của của xe máy và ô tô chiếm khoảng 70% nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí tại thành phố Hà Nội.
Những giải pháp căn cơ
Tại các nước phát triển trên thế giới, vận tải hành khách công cộng nói chung và hệ thống xe buýt nói trên đều được ưu tiên trong giao thông, được tạo điều kiện tối đa để phát triển. Bởi vì không những phục vụ số đông dân cư mà còn giúp giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Nếu chỉ xem xe buýt là một thành phần trong giao thông thì rất dễ bị các thành phần giao thông khác lấn át.
Hiện nay, với không ít người dân Thủ đô, xe buýt vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng như còn tốn nhiều thời gian, lộ trình chưa hợp lý, chất lượng dịch vụ chưa ổn định...
Để phát triển hạ tầng giao thông công cộng không chỉ tập trung mở rộng đường sá mà còn nên ưu tiên dành quỹ đất để xây dựng bãi gửi xe phương tiện cá nhân, không để hành khách loay hoay tìm chỗ gửi xe để đi xe buýt. Bên cạnh đó để phát triển xe buýt cần phải có đường ưu tiên hoặc quyền ưu tiên khi lưu thông trên đường. Đồng thời cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành xe buýt như vé điện tử, mở rộng các kênh tương tác với khách hàng để lắng nghe phản ánh.
Ngành Giao thông vận tải cần có biện pháp quyết liệt hơn hạn chế hoạt động xe máy trên các tuyến đường có nhiều tuyến buýt đi qua bằng cách lập dải phân cách cứng. Nghiên cứu chuyển đổi một số đường hai chiều sang đường một chiều để tăng tốc độ lưu hành và giảm ách tắc giao thông. Ngoài ra có thể áp dụng các biện pháp tài chính, thuế để hạn chế một phần sự gia tăng phương tiện cá nhân để người dân ưu tiên sử dụng xe buýt vì chi phí thấp.
Theo chuyên gia giao thông ông Đỗ Cao Phan, việc sắp xếp, tính toán hợp lý lộ trình cho xe buýt rất quan trọng không chỉ tập trung riêng vào mở mới tuyến hay kéo dài tuyến. Tính toán lộ trình, tần suất, cỡ xe hợp lý sẽ giúp tiết kiệm chi phí, phục vụ hành khách tốt hơn, giảm áp lực cho lái xe và nhân viên bán vé từ đó làm việc sẽ hiệu quả, chuyên nghiệp hơn.
Trên thực tế, hiện nay có một số tuyến buýt chưa có được lượng khách như kỳ vọng vì lộ trình chưa phù hợp như tuyến buýt 44 Trần Khánh Dư - Bến xe Mỹ Đình, tuyến 18 Đại học Kinh tế Quốc Dân - Đại học Kinh tế Quốc Dân hoặc như khổ xe chưa phù hợp với diện tích đường đi như tuyến 12 Công viên Nghĩa Đô - Khánh Hà (Thường Tín). Tin rằng nếu được sắp xếp lại, các tuyến buýt trên sẽ thu hút đông hành khách hơn nữa.
Theo ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách công cộng Hà Nội (HAPTA): Theo tính toán, xe buýt có thể đáp ứng được trên 34% nhu cầu đi lại của người dân ở Hà Nội. Việc xóa “vùng trắng” xe buýt trên địa bàn Thủ đô đến nay đã được hoàn thành. Nhưng hiện nay vận tải hành khách công cộng mới đạt được 18% vì không có đường dành riêng, tốc độ di chuyển chậm hơn xe máy, vì người dân tiếp cận với xe buýt chưa thuận tiện và một số chỗ còn chưa an toàn. Xe buýt tốc độ khai thác trung bình mới đạt 14 - 15km/giờ còn xe máy đạt tốc độ trung bình nhanh hơn từ 17 - 18km/giờ.
Điều cần thực hiện bây giờ là các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp vận hành, khai thác xe buýt cần nhận định rõ khó khăn, thách thức trong tình hình mới, có giải pháp cụ thể cho từng vấn đề để người dân sử dụng xe buýt được an toàn và nhanh hơn. Lúc đó, vận tải hành khách công cộng nói chung và xe buýt nói riêng mới thực sự thuận tiện, lúc đó người dân mới tự giác sử dụng phương tiện công cộng thay vì phương tiện cá nhân.
Trong văn bản số 20/CV-HAPTA của Hiệp hội vận tải hành khách công cộng thành phố Hà Nội ngày 13-7-2023 gửi Bộ Giao thông vận tải, UBND thành phố Hà Nội và Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội có nêu kiến nghị về hạ tầng và ứng dụng công nghệ cho vận tải hành khách công cộng. Cụ thể, HAPTA kiến nghị phát triển đường ưu tiên, đường dành riêng cho vận tải hành khách công cộng nói chung và xe buýt nói riêng nhằm kiểm soát sự gia tăng phương tiện cá nhân. Đồng thời tổ chức giao thông tiếp cận để người sử dụng phương tiện công cộng được thuận tiện, an toàn. Kiểm tra, giám sát và xử lý mọi hành vi chiếm dụng làn đường dành riêng cho các tuyến vận tải công cộng, chiếm dụng nhà chờ, điểm dừng, vỉa hè gây cản trở cho người bộ hành tiếp cận với hệ thống vận tải công cộng.
Trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ, HAPTA cũng kiến nghị phổ biến hướng dẫn hành khách cập nhật, sử dụng hệ thống vận tải hành khách công cộng thông qua các ứng dụng phần mềm để phát huy tính tiện lợi của vận tải công cộng. Nghiên cứu và sớm triển khai vé điện tử liên thông đa phương thức cho toàn mạng lưới vận tải hành khách công cộng./.