Hà Nội huy động tổng lực đưa các dự án giao thông trọng điểm "về đích"

Thứ năm, 30/11/2023 14:17

Vượt qua những vướng mắc về giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư và các nhà thầu một số dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội đang tập trung huy động nhân lực, phương tiện thi công. Tất cả nhằm mục tiêu đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa dự án “về đích”, bảo đảm chất lượng…

Thi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội,

đoạn qua huyện Hoài Đức.

Chạy đua với thời gian

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, hiện tại Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, các địa phương đã phê duyệt phương án và thu hồi 726,61/791,40ha đất, đạt 91,81%. Ban đã tiếp nhận hơn 654/726,61ha mặt bằng, đạt 90,02%. Các nhà thầu thi công huy động cả nghìn công nhân triển khai đồng loạt trên 29 mũi, bao gồm 21 mũi thi công đường và 8 mũi thi công cầu.

Chỉ huy trưởng gói thầu số 9 Nguyễn Hoàng Hải cho biết: “Gói thầu số 9 có tổng chiều dài 23km, đi qua địa phận huyện Đan Phượng và huyện Hoài Đức. Hiện tại, nhà thầu đang triển khai 5 mũi thi công đường và 3 mũi thi công cầu. Về tiến độ phần đường, nhà thầu đã thử xong phạm vi nền đất yếu và đắp cát trên công trường ở một vài vị trí. Đối với cầu, chúng tôi đang thi công cọc khoan nhồi của 3 vị trí trên tuyến”.

Tại dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 (đoạn Ba La - Xuân Mai), tổng diện tích đất phải thu hồi thực hiện dự án là 111,46ha (gồm huyện Chương Mỹ và quận Hà Đông). Hiện nhiều đoạn tuyến đang phải thi công “xôi đỗ”. Trong đó, riêng gói thầu số 3/QL6-XL (Km22+220 - Km25+030), nhà thầu mới nhận bàn giao mặt bằng 1,52km/2,81km để thi công.

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Đức cho hay, chủ đầu tư đang tích cực phối hợp với UBND quận Hà Đông và huyện Chương Mỹ đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, gỡ vướng trong giải phóng mặt bằng. Dự kiến, với đoạn qua địa bàn xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), nhà thầu thảm bê tông nhựa hạt thô vào cuối tháng 12/2023.

Sau hơn một năm khởi công, dự án hầm chui nút giao Giải Phóng - Kim Đồng đã thực hiện được 35% giá trị hợp đồng, cơ bản đáp ứng tiến độ kế hoạch. Hàng trăm kỹ sư, công nhân đang ép cọc ván thép hai đốt cuối hầm hở U8, U9 và dự kiến đến cuối tháng 12/2023 sẽ hoàn thành phạm vi hầm hở phía bên Đầm Hồng. Đốt hầm kín H10A và các đốt hầm hở từ U6 đến hầm kín đã được nhà thầu cơ bản hoàn thiện phần kết cấu. Theo kế hoạch, dự án có thời gian xây dựng trong 3 năm (2022-2025).

Cam kết trách nhiệm

Khẳng định quyết tâm bảo đảm tiến độ, chất lượng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, ngay từ đầu năm 2023, Ban đã phân bổ, giao kế hoạch vốn cho các phòng quản lý dự án để chủ động thực hiện; đồng thời xây dựng kế hoạch tiến độ cụ thể đối với từng dự án. Riêng tiến độ giải ngân vốn được xây dựng kế hoạch theo từng tháng để chỉ đạo. Ban cũng phân công nhiệm vụ rõ người, rõ việc, có mốc tiến độ cụ thể và là cơ sở để đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện.

"Trong năm 2024, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội sẽ tập trung triển khai dự án trọng điểm quốc gia đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô cũng như các dự án trong chương trình chỉnh trang, phát triển đô thị giai đoạn 2021-2025", ông Nguyễn Chí Cường nêu.

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 272/KH-UBND về tiến độ triển khai các công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2021-2025. Theo kế hoạch, tổng số dự án, công trình trọng điểm giai đoạn 2021-2025 sau điều chỉnh gồm 42 dự án thuộc 11 lĩnh vực, trong đó có 15 dự án thuộc lĩnh vực giao thông. Trong số này, mới chỉ có dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 và tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần đi bằng đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) đã hoàn thành.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, các công trình trọng điểm luôn được ưu tiên bố trí đủ vốn theo tiến độ dự án và khả năng hấp thụ. Bên cạnh đó, thành phố luôn quan tâm chỉ đạo, điều hành, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Tuy nhiên, việc triển khai các công trình còn chậm cả về thủ tục đầu tư, thi công thực địa và giải ngân vốn đầu tư. Để đẩy nhanh tiến độ, UBND thành phố yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ngành để hoàn thiện các thủ tục đầu tư; đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công; lập kế hoạch giải ngân cụ thể và cam kết và chịu trách nhiệm toàn diện với thành phố về kết quả giải ngân. Thành phố cũng đẩy mạnh phân cấp, nâng cao tính chủ động trong phối hợp, xử lý các khó khăn, vướng mắc, nhất là trong giải phóng mặt bằng…

Cùng với đó, thành phố giao UBND các quận, huyện, thị xã cam kết và chịu trách nhiệm về tiến độ giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm. Tất cả đều nhằm mục tiêu sớm đưa các dự án “về đích”, bảo đảm chất lượng./.

Nguồn: Hà Nội mới

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:100432
Lượt truy cập: 176.230.142