Theo đó, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Cà Mau do Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến theo Công văn số 1611/BDN ngày 21/11/2023, với nội dung kiến nghị như sau:
Đầu tư sửa chữa, nâng cấp một số tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh Cà Mau: Địa bàn tỉnh Cà Mau có 05 tuyến quốc lộ đi qua gồm: Quốc lộ 1, Quốc lộ 63, Quốc lộ Quản lộ - Phụng Hiệp, Hành lang ven biển phía Nam, Đường Hồ Chí Minh với tổng chiều dài 214,94Km. Thời gian qua được sự quan tâm của Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam, một số tuyến quốc lộ đã được đầu tư sửa chữa nâng cấp như Quản lộ - Phụng Hiệp và sửa chữa định kỳ hàng năm một số đoạn tuyến trên các tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 63. Tuy nhiên, tỷ lệ bê tông nhựa hóa còn rất thấp, chiếm khoảng 21,8%, nhiều đoạn tuyến kết cấu mặt đường đá dăm láng nhựa đã lâu chưa được sửa chữa, nâng cấp nên khi vào mùa mưa thường xuyên phát sinh hư hỏng nặng gây mất an toàn giao thông, đặc biệt là Quốc lộ 1 (đoạn Cà Mau - Năm Căn), Đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 63. Một số đoạn tuyến bị ngập nước do triều cường và chưa đầu tư hệ thống thoát nước dọc. Các hư hỏng phát sinh mặt dù được đơn vị bảo trì quan tâm sửa chữa nhưng với kinh phí bảo trì thấp, mật độ hư hỏng nhiều, không tập trung, mặt đường xuống cấp nặng nề nên gặp nhiều khó khăn, không thể khắc phục triệt để hết được. Cụ thể tỷ lệ bê tông nhựa hóa trên các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh Cà Mau như sau:
- Quốc lộ 1: Điểm đầu Km2232+850 điểm cuối Km2301+610 dài 68,76km (kết cấu BTN 38,07km, kết cấu láng nhựa 30,69km), tỷ lệ BTN hóa 55,4%.
- Quốc lộ 63: Điểm đầu Km74+200 điểm cuối Km114+629 dài 40,43km (kết cấu BTN 4,42km, kết cấu láng nhựa 36,01km), tỷ lệ BTN hóa 10,9%.
- Quốc lộ Quản lộ - Phụng Hiệp: Điểm đầu Km107+400 điểm cuối Km111+740 dài 4,34km (kết cấu BTN 4,34km, kết cấu láng nhựa 0km), tỷ lệ BTN hóa 100%.
- Đường Hồ Chí Minh: Điểm đầu Km2377 điểm cuối Km2436 dài 59km (kết cấu BTN0km, kết cấu láng nhựa 59km), tỷ lệ BTN hóa 0%.
- Đường Hành lang ven biển phía Nam: Điểm đầu Km10 điểm cuối Km52+405 dài 42,41km (kết cấu BTN 0km, kết cấu láng nhựa 42,41km), tỷ lệ BTN hóa 0%.
Được biết, Bộ Giao thông vận tải đã có Quyết định số 1977/QĐ-BGTVT ngày 17/10/2019 giao Ban Quản lý dự án 7 lập hồ sơ nghiên cứu khả thi đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn từ Bạc Liêu đến thành phố Cà Mau (trong đó đoạn Km2232+850 - Km2239+770 Quốc lộ 1 tỉnh Cà Mau xây dựng tuyến tránh 2 Tắc Vân); Quyết định số 1475/QĐ-BGTVT ngày 09/11/2022 giao Ban Quản lý dự án Đường Hồ Chí Minh lập hồ sơ nghiên cứu khả thi đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn từ thành phố Cà Mau đến Năm Căn và nâng cấp, mở rộng Đường Hồ Chí Minh đoạn từ Năm Căn đến Đất Mũi; Quyết định số 1092/QĐBGTVT ngày 30/8/2023 giao Ban Quản lý dự án Đường Hồ Chí Minh lập hồ sơ nghiên cứu khả thi đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 63 đoạn từ Vĩnh Thuận (Kiên Giang) đến thành phố Cà Mau (Cà Mau); riêng tuyến Hành lang ven biển phía Nam chưa có dự án. Do các dự án chỉ đang ở bước lập hồ sơ nghiên cứu khả thi, thời gian triển khai thi công có thể kéo dài.
Đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét ưu tiên bố trí kính phí hàng năm để giải quyết thoát nước và bê tông nhựa hóa dần dần các tuyến quốc lộ có kết cấu láng nhựa trên địa bàn tỉnh Cà Mau nhằm đảm bảo an toàn giao thông, chống ngập nước, góp phần chỉnh trang đô thị, phát triển kinh tế xã hội địa phương.”
Trước tiên, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Cà Mau nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ GTVT ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân.
Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT xin trả lời như sau: Trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện có 04 tuyến quốc lộ chính yếu (Quốc lộ 1, Quốc lộ 63, Quốc lộ Quản lộ - Phụng Hiệp và Đường Hồ Chí Minh) và 01 tuyến quốc lộ thứ yếu là Đường Hành lang ven biển phía Nam. Hiện nay, các tuyến quốc lộ Quốc lộ 1, Quốc lộ 63 và Đường Hồ Chí Minh đang được lập hồ sơ dự án để nâng cấp, mở rộng bằng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản.
Về công tác quản lý bảo trì quốc lộ trên địa bàn tỉnh, Cục Đường bộ Việt Nam ngoài sửa chữa các hư hỏng phát sinh hiện đang tổ chức thực hiện thảm bê tông nhựa mặt đường trên từng tuyến để từng bước nâng cao an toàn giao thông qua khu vực. Trong các năm vừa qua, các quốc lộ trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã được bố trí kinh phí bảo trì, sửa chữa mặt đường như sau: Năm 2022 là 37,9 tỷ đồng, năm 2023 với kinh phí 62,1 tỷ đồng, năm 2024 đã phê duyệt lần đầu với kinh phí sửa chữa 14,1 tỷ.
Hiện nay, nguồn vốn sự nghiệp kinh tế đường bộ hàng năm cho công tác bảo trì được giao chỉ đáp ứng từ 30-40% nhu cầu sửa chữa quốc lộ trong cả nước. Trong thời gian tới trên cơ sở nguồn vốn bảo trì hằng năm, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Cục ĐBVN ưu tiên bố trí kính phí bảo trì để sửa chữa, từng bước tổ chức thảm bê tông nhựa các tuyến đường trên địa bàn tỉnh Cà Mau, để khai thác êm thuận, an toàn, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Đối với các tuyến quốc lộ đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án đầu tư nâng cấp cải tạo (Quốc lộ 1, Quốc lộ 63 và đường Hồ Chí Minh), Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục ĐBVN có phương án bảo trì phù hợp, tiết kiệm, tận dụng tối đa các hạng mục khi đầu tư nâng cấp, cải tạo, đồng thời tăng cường công tác bảo dưỡng thường xuyên, đảm bảo an toàn giao thông trong thời gian chờ nâng cấp cải tạo.
Trên đây là trả lời của Bộ GTVT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Cà Mau, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau để trả lời cử tri và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành Giao thông vận tải./.