Thi công san lắp mặt bằng tại công trình Dự án cảng cạn Tân Cảng Mộc Bài
Để sớm đưa dự án về đích đúng kế hoạch, từ khi khởi công vào tháng 11/2023, nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện với công đoạn san lấp mặt bằng trên khu đất có diện tích khoảng 6,5 ha.
Theo ông Hồ Quốc Phương, cán bộ Ban Quản lý dự án cảng cạn Tân Cảng Mộc Bài, đến cuối tháng 2/2024, phần san lấp nền với diện tích 6,5 ha cơ bản hoàn thành. Đầu tháng 3, công trình tiến hành các công đoạn như thi công nền, lắp đặt nhà xưởng, văn phòng… Nếu không có gì thay đổi, cuối quý II/2024, cảng cạn Tân Cảng - Mộc Bài đi vào hoạt động theo đúng kế hoạch đề ra.
Khi đi vào hoạt động (từ tháng 5/2024), cảng cạn Tân Cảng Mộc Bài (giai đoạn 1) sẽ trở thành địa điểm tập kết, kiểm tra hàng hoá tại khu vực cửa khẩu theo phương thức “Một cửa, một lần dừng” giữa Việt Nam và Campuchia trên khuôn khổ Hiệp định GMS - CBTA ngày 6/3/2006, giúp giảm ách tắc giao thông, giảm thời gian chờ đợi của phương tiện tại cửa khẩu, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra hàng hoá xuất nhập khẩu của ngành Hải quan, tạo thuận lợi cho giao thương giữa Việt Nam và Campuchia, cũng như mở rộng mạng lưới dịch vụ logistics Tân Cảng Sài Gòn đến các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Thi công san lắp mặt bằng công trình Dự án cảng cạn Tân Cảng Mộc Bài
Đặc biệt, cảng cạn Tân Cảng Mộc Bài được kết nối với hệ thống 27 cơ sở của Tân Cảng Sài Gòn, nổi bật là cảng Tân Cảng Cát Lái, 2 cảng nước sâu Tân Cảng Cái Mép và 3 cảng cạn quy mô lớn nhất nước tại Đồng Nai, Bình Dương (Tân Cảng Long Bình - 230 ha, Tân Cảng Nhơn Trạch - 27 ha, Tân Cảng Sóng Thần - 50 ha).
Qua đó, tạo thành một trục kết nối hoàn hảo giữa cụm cảng TP. Hồ Chí Minh, Cái Mép, sân bay Long Thành và Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, hình thành bộ 3 cửa khẩu, cảng "đường biển - đường hàng không - đường bộ" của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kết nối Vương quốc Campuchia và tiểu vùng sông Mê Kông, giúp giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và cả vùng Đông Nam Bộ.