Ninh Thuận: Đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông

Thứ năm, 09/05/2024 12:45

Nhằm đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng các dự án giao thông trên địa bàn tỉnh Nình Thuận, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh (gọi tắt là BQL dự án) đã tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh các giải pháp thực hiện để các dự án sớm hoàn thành, góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Có mặt trên công trường Dự án thành phần 2 đoạn từ xã Ma Nới đến ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng), chúng tôi ghi nhận các nhà thầu đang khẩn trương thi công, trong đó nhiều đoạn đã được thảm nhựa, hệ thống thoát nước, mái ta luy dọc tuyến đang được gia cố. Trên tuyến có hai cây cầu đã hoàn thành thi công kết cấu phần trên, thảm nhựa hoàn chỉnh. Đoạn giáp ranh huyện Đức Trọng sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đã được các nhà thầu cho triển khai thi công để sớm khớp nối toàn tuyến.

Anh Trần Trạch, Chỉ huy trưởng gói thầu số 22 thuộc Công ty Cổ phần Phúc Thành An cho biết, đơn vị đã thi công hoàn thiện phần nền đường, thảm nhựa hơn 4km. Từ đầu năm 2024 đến nay, đơn vị đang tập trung thiết bị máy móc, đẩy nhanh thi công phần đường và cầu trên tuyến chính. Hiện tiến độ gói thầu đạt gần 90% sản lượng, nhà thầu đang gấp rút thi công hoàn thiện hai cây cầu trong tháng 4. Sau khi được bàn giao diện tích mặt bằng tại các vị trí còn lại, đơn vị thi công phấn đấu hoàn thành gói thầu vượt tiến độ.

Tuyến đường vành đai phía Bắc kết nối Quốc lộ 1 ra đường ven biển
đang được các nhà thầu khẩn trương thi công

Theo BQL dự án, dự án đường liên vùng Tân Sơn (Ninh Thuận) - Đức Trọng (Lâm Đồng) gồm 2 dự án thành phần có chiều dài hơn 40km, có tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng được triển khai thi công đầu năm 2023. Đến nay, đoạn tuyến dài 22km (dự án thành phần 1) đã được thông xe để nối thông đến tỉnh Lâm Đồng, còn lại 18km (dự án thành phần 2) đường liên vùng Tân Sơn - Đức Trọng sau khi được tháo gỡ “nút thắt” về mặt bằng và thủ tục chuyển đổi đất rừng, BQL dự án đã chỉ đạo các nhà thầu tăng tốc thi công, đặt mục tiêu thông tuyến toàn dự án trong quý I/2025.

Trên tuyến đường vành đai phía Bắc kết nối Quốc lộ 1 ra đường ven biển dài hơn 10km cũng đang được các nhà thầu khẩn trương thi công để phấn đấu thông tuyến vào cuối năm 2024. Những ngày này, trên công trường xe chở vật liệu tấp nập ra vào. Đối với tuyến đường ven biển đoạn qua Đầm Nại, xã Nhơn Hải (Ninh Hải), nhà thầu đã thi công thảm nhựa được 2km. Đoạn qua các xã: Tri Hải, Phương Hải (Ninh Hải), nhiều vị trí còn vướng hạ tầng đường điện nên việc triển khai thi công còn gặp khó khăn. Kỹ sư Hà Huy Hoành, Chỉ huy trưởng thi công gói thầu 23 (thuộc Công ty Liên Minh) cho biết, hiện nhà thầu đang thi công nền đường, lu lèn lớp đá K95. Sau khi nhận được mặt bằng, đơn vị thi công đã nhanh chóng tập kết thiết bị, máy móc đẩy nhanh tiến độ. Sắp tới khi di dời xong đường điện, đường nước tại nút giao Quốc lộ 1 - Kiền Kiền (Thuận Bắc), nhà thầu sẽ gấp rút để hoàn thiện phần móng, nền đường trước mùa mưa đồng thời thi công đồng loạt trên toàn tuyến. Phấn đấu đến cuối năm 2024 sẽ thảm nhựa thông tuyến chính để hoàn thiện gói thầu. Theo BQL dự án, đường vành đai phía Bắc nối từ Quốc lộ 1 (đoạn gần di tích Ba Tháp, huyện Thuận Bắc) kết nối hai huyện Ninh Hải và Thuận Bắc, chiều dài khoảng 10,2km, tổng vốn hơn 487 tỷ đồng. Đến nay, BQL dự án đang phối hợp với chính quyền địa phương và ngành điện lực tập trung di dời đường điện, hạ tầng kỹ thuật trên phạm vi 6km cuối tuyến ở huyện Ninh Hải.

Thi công đường từ xã Ma Nới đến ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng

(tỉnh Lâm Đồng)

Ông Phạm Minh Tân, Giám đốc BQL dự án cho biết: Hiện đơn vị đang triển khai thực hiện 4 dự án gồm: Đường nối từ thị trấn Tân Sơn đi ngã tư Tà Năng; đường nối từ cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1 và cảng biển tổng hợp Cà Ná; đường Văn Lâm - Sơn Hải và đường từ đèo Khánh Nhơn đến Quốc lộ 1. Để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, BQL dự án đang phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương tập trung chỉ đạo triển khai các hạng mục theo đúng quy trình kỹ thuật gắn với bảo đảm an toàn lao động để về đích đúng tiến độ. Mặt khác, để giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công, BQL dự án đã cùng với các nhà thầu nghiên cứu, đưa ra các biện pháp, tổ chức thi công phù hợp, cụ thể cho từng dự án để vừa đảm bảo yêu cầu về chất lượng và tiến độ thực hiện. Ngoài ra, đơn vị cũng tổ chức các buổi làm việc, giao ban để lắng nghe, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, gắn công việc với trách nhiệm cụ thể với từng cá nhân; quá trình triển khai dự án, rà soát, kiên quyết điều chuyển nguồn vốn từ các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các dự án có khả năng hoàn thành, giải ngân cao, nhu cầu vốn lớn. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu, thường xuyên kiểm tra, yêu cầu các đơn vị thi công tập trung nhân lực, vật tư thi công đảm bảo tiến độ được giao. Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ về chất lượng, khối lượng công trình, tuân thủ theo đúng thiết kế. Riêng đối với những công trình đã có kế hoạch bố trí vốn tập trung hoàn thiện hồ sơ, thủ tục liên quan để triển khai trong thời gian sớm nhất.

Theo Sở Giao thông vận tải Ninh Thuận, sắp tới tỉnh tiếp tục triển khai tuyến đường vành đai phía Đông Nam để khớp nối với tuyến đường vành đai phía Bắc của tỉnh. Sau khi hoàn thành, các tuyến đường sẽ tăng tính kết nối, tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn, đảm bảo rút ngắn cự ly vận chuyển hàng hóa, các vùng nguyên liệu đến các khu công nghiệp trong tỉnh. Các dự án giao thông, không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân mà còn tạo nguồn thu từ quỹ đất dọc tuyến, thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế của các địa phương trong tỉnh.

Nguồn: Báo Ninh Thuận

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:242453
Lượt truy cập: 176.079.452