Đây có thể coi là một trong những biện pháp tích cực để nâng cao nhận thức của người dân trong chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông, góp phần xây dựng văn hóa giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông.
Thời gian qua, tỉnh Hà Giang đã triển khai “phạt nguội” ở thành phố Hà Giang thông qua hệ thống camera giám sát và mang lại hiệu quả rõ nét. Các camera thông minh cho phép cơ quan chức năng giám sát, phát hiện các vi phạm của người dân khi tham gia giao thông như vượt quá tốc độ, vượt đèn đỏ, chèn vạch, lấn làn… Sau hơn 1 năm triển khai “phạt nguội” đã phát hiện trên 2.000 trường hợp vi phạm TTATGT; việc “phạt nguội” đã góp phần chấn chỉnh, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của người dân. Trong thời đại số, khi người dân sở hữu nhiều phương tiện nghe nhìn, có thể giúp cho việc giám sát các hoạt động giao thông, an ninh, trật tự thì việc phát huy vai trò của người dân tham gia đảm bảo TTATGT là rất cần thiết. Để mỗi người dân trở thành một tuyên truyền viên, cộng tác viên trong giám sát, tuyên truyền bảo đảm TTATGT, sẽ đem đến một bước tiến mới trong việc đảm bảo TTATGT.
Trường Tiểu học Lê Lợi (thành phố Hà Giang) thực hiện
mô hình cổng trường an toàn đã giảm ùn tắc mỗi khi tan trường
Qua khảo sát, nhiều người dân, cán bộ, đảng viên bày tỏ sự đồng tình về việc người dân có thể cung cấp hình ảnh về vi phạm TTATGT cho cơ quan chức năng. Anh N.V.T, ở tổ 12, phường Nguyễn Trãi (thành phố Hà Giang) chia sẻ: “Mặc dù các lực lượng chức năng đã rất nỗ lực, nhưng khó có thể kiểm soát hết nên ở đâu đó, chúng ta vẫn bắt gặp một bộ phận người dân vẫn vi phạm TTATGT. Vì thế, việc phát huy tốt vai trò của người dân sẽ phát huy tính dân chủ, tự giác của cộng đồng; thông qua nhân dân để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm về TTATGT sẽ là một biện pháp răn đe mạnh. Đây cũng chính là việc thể hiện quan điểm dựa vào sức mạnh của nhân dân, phát huy vai trò nhân dân để phục vụ nhân dân. Từ đó sẽ mang lại hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT trong đời sống”.
Trên tinh thần đó, mới đây UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 130, ngày 4/5/2024 về phát động phong trào toàn dân tham gia phát hiện và cung cấp thông tin, hình ảnh, video phản ánh hành vi vi phạm TTATGT trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương nghiên cứu, xây dựng các phương án, tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân phương pháp nhận biết các hành vi vi phạm TTATGT, chủ động phát hiện, ghi nhận bằng hình ảnh, video để cung cấp thông tin, tài liệu phản ánh cho cơ quan chức năng các hành vi vi phạm TTATGT đảm bảo chính xác, khách quan, có cơ sở.
Để có thể làm tốt việc phát huy vai trò của người dân tham gia giám sát, phát hiện và cung cấp các tư liệu hình ảnh, clip vi phạm TTATGT, rất cần có sự quan tâm, vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, ngành chức năng trong tuyên truyền, vận động. Qua đó, đưa kế hoạch, chỉ đạo của tỉnh vào thực tiễn một cách hiệu quả. Đặc biệt là việc phát huy vai trò của người dân ở những điểm thường xuyên xảy ra các vấn đề về TTATGT. Việc phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm TTATGT cũng là việc nhạy cảm, do đó cần đặc biệt quan tâm đến những biện pháp đảm bảo bí mật, an toàn cho người dân cung cấp thông tin, hình ảnh cho cơ quan chức năng.
Ban An toàn giao thông tỉnh cũng như các ngành chức năng, các địa phương cần quan tâm, nghiên cứu cơ chế khen thưởng xứng đáng để kịp thời động viên, khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích tham gia phát hiện, cung cấp thông tin về TTATGT. Việc phát huy vai trò giám sát, phát hiện vi phạm TTATGT của người dân sẽ mang lại hiệu quả cao hơn khi các cơ quan chức năng tuyên truyền phổ biến công khai kết quả xử lý các vụ việc vi phạm trên các phương tiện truyền thông. Từ đó, sẽ góp phần thực hiện tốt Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 19.4.2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trong tình hình mới.
Nguồn: Báo Hà Giang