Sở GTVT TP.HCM cho biết, đã giao Trung tâm quản lý đường thủy triển khai áp dụng mô hình 3D đám mây điểm và mô hình 3D lưới vào khảo sát luồng đường thủy nội địa phục vụ công tác quản lý và công bố luồng.
Theo đó, Trung tâm đã hoàn thành mô hình số hóa hiện trạng toàn bộ 82 tuyến đường thủy của TP.HCM với tổng chiều dài hơn 522,8 km. Trong đó, tổng diện tích phần dưới nước hơn 5.557ha, tổng diện tích phần 2 bên bờ hơn 8.880 ha. Chi phí đầu tư hơn 11,3 tỷ đồng.
Cụ thể, thành phố đã áp dụng trong 223 công trình vượt sông, 146 cảng và bến thủy nội địa, thiết kế cảnh quan 2 bên bờ sông cho 82 tuyến cũng đã hoàn tất bằng công nghệ hiện đại nhất mà thế giới áp dụng BIM - GIS, 3D.
Kiểm tra vận tốc sóng âm.
Công nghệ trên, áp dụng đối với kết cấu hạ tầng đường thủy, kè hiện hữu, xác định được cao độ, tọa độ tim tuyến kè. Đối với công trình vượt sông xác định được tọa độ vị trí công trình (chiều rộng, khoảng cách nhịp, khoang thông thuyền, trụ chống va).
Riêng đối với công trình cầu xác định được cao độ dầm thấp nhất và khẩu độ nhỏ nhất để phục vụ đánh giá quy mô luồng tuyến theo cấp kỹ thuật theo thực tế. Các công trình bến, cảng trên các tuyến đường thủy nội địa địa phương cập nhật được vị trí, quy mô, kết cấu, tọa độ VN 2000 và lý trình trên tuyến.
Theo Sở GTVT, việc áp dụng công nghệ nhằm số hóa dữ liệu kết quả khảo sát và tích hợp vào hệ thống thông tin quản lý đường thủy nội địa của thành phố để phục vụ cung cấp thông tin và phục vụ quản lý, thông báo và khai thác luồng đường thủy nội địa phương trên địa bàn thành phố.
Cung cấp kết quả khảo sát phục vụ ban hành thông báo luồng để phục vụ quản lý và cung cấp thông tin, chỉ dẫn cho thuyền viên, người lái phương tiện và tổ chức, cá nhân liên quan nhằm bảo đảm ATGT.
Đồng thời làm cơ sở để xây dựng kế hoạch đầu tư, nâng cấp, bảo trì các công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa một cách hợp lý và đồng bộ.