Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó phát triển hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại, đồng bộ đáp ứng nhu cầu vận tải của toàn xã hội với chất lượng ngày càng cao; đảm ATGT, bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng và khai thác GTVT; kết hợp phát triển giao thông nội tỉnh với giao thông liên tỉnh của vùng và quốc gia.

Hạ tầng giao thông tỉnh Nam Định ngày càng được đầu tư hiện đại
Theo Quy hoạch, Nam Định sẽ tập trung nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 38B, Quốc lộ 37B, Quốc lộ 10, Quốc lộ 21; nghiên cứu nâng cấp, mở rộng các tuyến tỉnh lộ phù hợp với quy hoạch và khả năng cân đối nguồn lực trong từng giai đoạn; chú trọng phát triển giao thông nông thôn (GTNT). Liên kết với các địa phương trong vùng để xây dựng tuyến đường ven biển từ Thanh Hóa - Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh; đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh. Đồng thời, đầu tư, nâng cấp luồng trên các sông Đào, sông Hồng, sông Đáy, sông Ninh Cơ; chỉnh trị, nạo vét luồng lạch các cửa sông nhằm đảm bảo vận tải thông suốt.
Những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, các cấp lãnh đạo tỉnh, hệ thống GTVT tỉnh Nam Định đã có bước cải thiện rõ rệt, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho nhân dân, thúc đẩy giao thương hàng hóa, tạo một diện mạo mới cho địa phương. Tỉnh Nam Định đã quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng cả về mạng lưới, quy mô và chất lượng các tuyến đường, GTNT được cải thiện đáng kể. Nhiều công trình có tính chiến lược như đường đến các trung tâm kinh tế - xã hội của các vùng và nhiều công trình quan trọng được đầu tư góp phần vào sự phát triển của tỉnh.

Đường giao thông huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định
Tỉnh Nam Định đã phối hợp tốt với các cơ quan chức năng của Bộ GTVT để triển khai các dự án như: Dự án thay thế các cầu yếu (Cầu Ngăm, cầu Bất Di vốn JICA), dự án GTNT3 (vốn WB3), Dự án phát triển GTVT khu vực đồng bằng Bắc Bộ, dự án xây dựng cầu Thịnh Long (vốn ODA Hàn Quốc), đang phối hợp với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng để xúc tiến đầu tư các tuyến đường tỉnh bằng nguồn vốn ADB… Bên cạnh đó, Tỉnh đã phối hợp tốt với Bộ GTVT để xây dựng, bảo trì các dự án luôn đạt chất lượng và hiệu quả.
Nhiệm vụ của ngành GTVT Nam Định từ nay đến năm 2020 là hoàn thiện cơ bản hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách; đáp ứng yêu cầu thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy thu hút đầu tư. Kết hợp phát triển hạ tầng giao thông đường bộ với phát triển một số lĩnh vực khác như thủy lợi, ứng phó với biến đổi khí hậu; kết hợp giữa phát triển GTNT với xây dựng nông thôn mới.
X.N