Ngày 28/10/2014, Bộ GTVT đã có Văn bản số 13668/BGTVT-KHĐT "Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau" về dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn – Đất Mũi và mức giá vận chuyển hành khách bằng đường hàng không.
Theo đó, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã nhận được Văn bản số 10/PC-CVKH8 ngày 24/10/2014 của Văn phòng Quốc hội cùng với nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIII, với nội dung như sau:
“1. Thưa Bộ trưởng!
Tại kỳ họp thứ bảy, tôi đã chất vấn Bộ trưởng về việc triển khai thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh đoạn từ Năm Căn – Đất Mũi 59 km; đã được Bộ trưởng trả lời. Tôi xin cảm ơn Bộ trưởng đồng thời tôi cũng ghi nhận sự quyết tâm chính trị và sự chuyển biến có hiệu quả của Bộ và đứng đầu là đồng chí Bộ trưởng trong đầu tư các dự án về giao thông.
Song trên đoạn đường từ Năm Căn đến Đất Mũi (Cà Mau):
- Từ Km0 đến Km3+920 theo quy mô đường cấp III đồng bằng, để thực hiện cho thuận lợi theo quy mô được duyệt, tỉnh đã chủ động phối hợp ứng vốn bồi hoàn giải phóng mặt bằng, nhà thầu đang thi công đào khuôn đường, đắp nền cát đang dở dang – Đoạn đường này nằm trong thị trấn Năm Căn, tỉnh đang đề nghị nâng cấp lên thị xã Năm Căn. Nhưng Bộ GTVT quyết định giảm quy mô tại quyết định số .../QĐ-BGTVT, điều này thật sự đã làm khó thêm cho địa phương, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sinh hoạt của nhân dân, các cơ quan, trường học, bệnh viện... tại khu vực này.
Đoạn từ Km 51 đến khu du lịch Đất Mũi là 7,4 km (trong tổng chiều dài đoạn Năm Căn – Đất Mũi là 59 km) nhưng chưa được đầu tư, đoạn này trước đây địa phương làm lộ chỉ là đường giao thông nông thôn loại A, chỉ mới đi loại tải trọng nhỏ được 5,4 km và chưa được phân khai vốn từ dự án đường Hồ Chí Minh.
Xin kính đề nghị Bộ trưởng các giải pháp để giúp tỉnh cực Nam của Tổ quốc, thông tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) cuối năm 2015, hoàn thành toàn tuyến năm 2016.
2. Thưa Bộ trưởng! Hiện nay giá vận chuyển hành khách bằng đường hàng không, những tuyến vận chuyển ngắn chưa hợp lý. Tôi điển hình từ Cà Mau đến Thành phố Hồ Chí Minh, nếu đi theo đường bộ tuyến đường Phụng Hiệp khoảng 300 km, đi theo Quốc lộ 1 khoảng 340 km, giá vé đường bộ bằng phương tiện công cộng khoảng 200.000 đồng; Trong khi đó giá vé bằng máy bay từ Cà Mau lên Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 1.670.000 đồng. Từ Nha Trang đến Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 500 km, nhưng giá cao hơn chuyến Cà Mau – Thành phố Hồ Chí Minh chỉ khoảng 5.000 đồng (là 1.675.000 đồng).
Kính đề nghị Bộ trưởng xem xét lại giá vé máy bay cho phù hợp.”
Về nội dung này, Bộ GTVT xin được trả lời như sau:
1. Về dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn – Đất Mũi
Tại Nghị quyết số 65/2013/QH13 ngày 28/11/2013, Quốc hội đã thông qua việc phát hành bổ sung và phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016, trong đó bố trí cho dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi là 2.676 tỷ đồng để hoàn thành thông tuyến theo Nghị quyết số 66/2013/QH13 của Quốc hội. Phần vốn được giao bổ sung nằm trong hạn mức tổng mức đầu tư của dự án đã được phê duyệt năm 2008, chưa tính đến trượt giá trong thời gian đình hoãn của dự án (khoảng 800 tỷ đồng).
Để đảm bảo mục tiêu thông tuyến theo Nghị quyết của Quốc hội, trong khuôn khổ nguồn vốn đã được bố trí (2.676 tỷ đồng), Bộ GTVT đã rà soát, điều chỉnh quy mô dự án, giải pháp thiết kế phù hợp với khả năng nguồn vốn đã bố trí và đã ban hành Quyết định số 3078/QĐ-BGTVT ngày 12/8/2014 phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi. Trong đó, ngoài việc điều chỉnh các giải pháp kỹ thuật để giảm kinh phí đầu tư, phải phân kỳ đầu tư đoạn qua nội đô thị trấn Năm Căn dài 3,92 km, trước mắt chỉ thi công đoạn này theo quy mô đường cấp III đồng bằng (Bn/Bm=12/11 m) trên cơ sở mở rộng mặt đường hiện hữu; đối với đoạn cuối tuyến từ Km51-Km58,7 phải tận dụng đường hiện hữu của địa phương để lưu thông đến Đất Mũi. Khi điều kiện nguồn lực cho phép, Bộ GTVT sẽ xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí nguồn vốn để mở rộng đoạn qua thị trấn Năm Căn và tiếp tục đầu tư hoàn thiện toàn tuyến đến Đất Mũi theo như đề nghị của đồng chí. Trường hợp đoạn cuối tuyến từ Km51-Km58,7 bị hư hỏng, xuống cấp, Bộ GTVT sẽ xem xét, bố trí nguồn vốn bảo trì để sửa chữa, đảm bảo giao thông đến Đất Mũi được an toàn, thuận lợi.
2. Về mức giá vận chuyển hành khách bằng đường hàng không
a) Cơ chế quản lý giá vận chuyển hàng không nội địa được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 103/2008/TTLT-BTC-BGTVT ngày 12/11/2008 của Bộ Tài chính và Bộ GTVT. Bộ Tài chính quy định mức trần khung giá cước vận chuyển hàng không nội địa theo đơn giá cước tính bằng đồng/hành khách.km (đ/hk.km). Do tính chất đặc thù của ngành vận tải, cự ly vận chuyển càng xa thì đơn giá cước đ/hk.km càng giảm. Từ năm 2012, để đảm bảo mức trần ở các cự ly trên 500 km không biến động nhiều so với giá cước theo cự ly hiện hành, Bộ Tài chính đã quy định mức trần khung giá cự ly dưới 500 km là 5.000 đ/hk.km, từ 501 km trở lên là 3.000 đ/hk.km (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).
b) Cự ly bay để tính toán chi phí của đường bay là tổng cự ly cất cánh theo phương thức cụ thể tại sân bay, bay lấy độ cao, bay vòng nhập vào đường hàng không, bay trên đường hàng không, giảm độ cao, bay vòng tiếp cận hạ cánh theo phương thức cụ thể tại sân bay. Theo cách tính này, cự ly bay của đường bay Thành phố Hồ Chí Minh - Cà Mau được xác định là 304 km, đã được các cơ quan của Bộ GTVT và Bộ Tài chính thẩm định. Hiện nay, Công ty bay Dịch vụ hàng không (VASCO - đơn vị thành viên của Tổng công ty Hàng không Việt Nam) là hãng hàng không duy nhất khai thác tới Cà Mau sau khi Air Mekong dừng khai thác; các hãng hàng không khác chưa có tàu bay phù hợp để khai thác sân bay Cà Mau.
Tổng công ty Hàng không Việt Nam, VASCO đã kê khai và thực hiện phương án giá hợp lý. Cụ thể, đã kê khai 7 mức giá (1 chiều) là: 1.450.000 đ, 1.200.000 đ, 1.000.000 đ, 900.000 đ, 700.000 đ, 600.000 đ, 500.000 đ (chưa bao gồm: thuế giá trị gia tăng - nộp ngân sách nhà nước; giá phục vụ hành khách; giá soi chiếu an ninh - thu hộ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam); trong đó, mức giá cao nhất là 1.450.000 đ/chiều, bằng 85% giá trần cao nhất theo quy định của Bộ Tài chính áp dụng cho nhóm đường bay dưới 500 km.
Trong 9 tháng đầu năm 2014, giá vé máy bay trung bình của VASCO là 1.372.000 đ, thấp hơn nhiều so với mức giá trần quy định. Ngoài ra, VASCO đã triển khai một số chính sách ưu đãi trên chặng bay này: giảm 15% từ giá phổ thông cho hành khách là người cao tuổi (60 tuổi trở lên), người khuyết tật; giảm giá (tương đương 50%) cho hành khách là thí sinh tham dự các kỳ thi đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiêp.
c) Đối với cảng hàng không quốc tế Cam Ranh (Nha Trang), do có thể tiếp nhận được tàu bay loại lớn nên hiện nay 3 hãng hàng không (VNA, VJA, BL) đều tham gia khai thác đến cảng hàng không này với số ghế cung ứng trên một chuyến bay từ 180 ghế trở lên. Trong khi bay đến Cà Mau, hãng hàng không chỉ sử dụng được tàu bay loại nhỏ (68 ghế cung ứng/chuyến). Chính vì vậy, chi phí tính theo km, cho một hành khách khi khai thác từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Cà Mau cao hơn đến Nha Trang.
d) Việc quy định khung giá đối với các nhóm đường bay khác nhau đã được các cơ quan liên quan của Bộ Tài chính và Bộ GTVT thẩm định cụ thể trên cơ sở chi phí hợp lý, phù hợp với chất lượng dịch vụ, tình hình cung cầu, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ và phù hợp với mức giá trung bình của cùng loại dịch vụ trong Khu vực ASEAN. Căn cứ khung giá, các hãng hàng không Việt Nam thực hiện việc kê khai giá; tự quy định giá theo chi phí thực tế và có lợi nhuận; chủ động xây dựng, thực hiện các phương án kinh doanh ngắn, trung và dài hạn; thực hiện đa dạng hóa giá vé theo chất lượng dịch vụ trên tất cả các đường bay nội địa; linh hoạt điều chỉnh một cách hợp lý khi có sự biến động của các yếu tố chi phí đầu vào nhằm mục đích bù đắp được chi phí, tăng doanh thu, tránh thua lỗ.
Như vậy, giá cước vận chuyển hàng không đối với hành khách nội địa hạng phổ thông tại Việt Nam đã được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước nhằm đảm bảo hiệu quả kinh doanh của các hãng hàng không; đồng thời tạo môi trường cạnh tranh về giá, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, tạo điều kiện cho các hãng hàng không tổ chức và mở rộng khai thác cả các đường bay ngắn (trước đây là đường bay thường xuyên bị thua lỗ và chủ yếu bay phục vụ mục đích chính trị - xã hội).
Để dịch vụ vận chuyển hàng không ngày càng thông dụng hơn đối với đông đảo người dân, với giá cả hợp lý, Bộ GTVT trong thời gian qua đã chỉ đạo thực hiện những giải pháp quyết liệt, cụ thể như sau:
- Thực hiện tự do hoá vận chuyển hàng không; đối xử bình đẳng đối với tất cả các hãng hàng không, không phân biệt thành phần kinh tế nhằm tạo môi trường cạnh tranh có lợi cho người tiêu dùng;
- Tạo các điều kiện thuận lợi, đơn giản hoá thủ tục hành chính đối với hoạt động vận chuyển hàng không, kiểm soát chặt chẽ giá dịch vụ hàng không; đồng thời yêu cầu các hãng hàng không rà soát, bảo đảm chi phí hợp lý nhằm giảm giá thành vận chuyển;
- Yêu cầu các hãng hàng không ban hành các mức giá hợp lý trên cơ sở giá trần nhằm mở rộng đối tượng người dân đi tàu bay.
Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát hệ thống giá vé đi tàu bay của các hãng hàng không, triển khai các giải pháp quản lý đồng bộ theo quy định nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng dịch vụ với giá cả hợp lý trên nguyên tắc cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước.
Bộ GTVT trân trọng cảm ơn ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng đối với ngành Giao thông vận tải và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý kiến của đại biểu Quốc hội trong thời gian tới./.