Thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được quy định cụ thể tại Mục I, Chương III của Luật Tố cáo. Về nguyên tắc, trách nhiệm giải quyết tố cáo cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính nhà nước thuộc về thủ trưởng. Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình tiếp nhận, xác minh và đề xuất hình thức xử lý thường được giao cho cơ quan thanh tra. Đây cũng là một trong những chức năng chủ yếu của cơ quan thanh tra nhà nước các cấp.
Những tố cáo đối với cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên còn có sự tham gia của một chủ thể khác đó là cơ quan kiểm tra của Đảng bởi theo quy định của Điều lệ Đảng, đảng viên vi phạm pháp luật của Nhà nước cũng chính là vi phạm kỷ luật Đảng. Trong trường hợp này, hoạt động thanh tra nhà nước và hoạt động kiểm tra của Đảng là hoạt động của hai chủ thể khác nhau nhưng có sự tương đồng về đối tượng và phạm vi, vẫn là cá nhân đó nhưng ở những vị trí khác nhau, nội dung kiểm tra, thanh tra đều là làm rõ hành vi vi phạm bị tố cáo. Tuy nhiên, về phương thức và hình thức xử lý trách nhiệm thì có những điểm khác biệt. Hoạt động thanh tra tuân theo các nguyên tắc về hành chính, nguyên tắc chủ đạo là mệnh lệnh - phục tùng và áp dụng các hình thức kỷ luật về hành chính, hoạt động kiểm tra của Đảng thì tuân theo các nguyên tắc công tác Đảng, chủ yếu dựa vào sự tự giác của đảng viên và áp dụng các hình thức kỷ luật Đảng.
Xử lý tố cáo đối với cán bộ, công chức là đảng viên là một trong những nội dung hoạt động cụ thể của cơ quan thanh tra và cơ quan kiểm tra của Đảng. Ở đây, xuất hiện yêu cầu tất yếu phải có sự phối hợp giữa hai hoạt động này nhằm tiết kiệm các nguồn lực đồng thời tận dụng thuận lợi của từng hoạt động, hướng đến mục tiêu cuối cùng là nâng cao hiệu quả phát hiện và xử lý sai phạm của cán bộ, công chức là đảng viên.
Hiện tại chưa có văn bản nào quy định quan hệ phối hợp trực tiếp giữa cơ quan kiểm tra đảng và cơ quan thanh tra nhà nước trong việc xử lý tố cáo cán bộ, công chức là đảng viên. Sự phối hợp này được thể hiện gián tiếp qua những văn bản quy định về quan hệ phối hợp giữa ủy ban kiểm tra đảng và cơ quan thanh tra. Ở cấp trung ương, đó là Quy chế phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra Trung ương với Ban cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng ban hành kèm theo Quyết định 150-QĐ/TW ngày 9 tháng 11 năm 2012 (sau đây gọi tắt là Quy chế phối hợp ở trung ương). Ở địa phương, là quy chế phối hợp giữa ủy ban kiểm tra đảng và cơ quan thanh tra (do đặc điểm cơ quan thanh tra địa phương không có ban cán sự đảng). Cụ thể là các quy chế phối hợp giữa Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy và Thanh tra tỉnh, giữa Ủy ban kiểm tra huyện ủy và Thanh tra huyện của từng tỉnh, huyện trên cả nước (sau đây gọi tắt là quy chế phối hợp ở địa phương). Thực tế hiện nay, việc phối hợp giữa cơ quan thanh tra và cơ quan kiểm tra của Đảng còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc ngay từ khâu tiếp nhận tố cáo cho đến khâu xác minh, kết luận và tiến hành xử lý vi phạm của cán bộ công chức là đảng viên. Có thể nêu ra một số khó khăn, vướng mắc như sau:
Thứ nhất, việc xử lý thông tin đầu vào, tiếp nhận tố cáo còn lúng túng. Theo các cơ quan có trách nhiệm thì khoảng 80% tố cáo hiện nay có liên quan đến tham nhũng. Thông thường các đơn thư tố cáo có thể được gửi đến một hay nhiều nơi. Với một sự việc muốn tố cáo liên quan đến cán bộ, đảng viên, người tố cáo thường gửi đến nhiều cơ quan Đảng và Nhà nước (Cơ quan phụ trách công tác tổ chức của đảng; Cơ quan kiểm tra đảng; Cơ quan phụ trách công tác tổ chức nơi người bị tố cáo làm việc; Thủ trưởng trực tiếp của người bị tố cáo; Cơ quan thanh tra; Cơ quan nội chính (nếu có)). Điều này dẫn đến việc xử lý thông tin đầu vào là hết sức vất vả. Tình trạng đơn thư tố cáo cùng một cá nhân cán bộ, công chức là đảng viên gửi đến cơ quan thanh tra và cơ quan kiểm tra của Đảng diễn ra thường xuyên gây mất thời gian và lãng phí nguồn lực cho việc xử lý thông tin đầu vào.
Thứ hai, quy định về tiếp nhận và xử lý tố cáo giữa uỷ ban kiểm tra đảng và cơ quan thanh tra còn có điểm khác biệt. Ví dụ, trong Đảng có quy định không xem xét đơn tố cáo do hai người trở lên cùng ký tên trong khi đó cơ quan nhà nước thì có xem xét đơn tố cáo do nhiều người cùng ký tên.
Thứ ba, trong nhiều vụ việc, khi cơ quan thanh tra nhà nước tiến hành thanh tra, kết luận, thông báo kết luận, kết quả thanh tra cho cơ quan kiểm tra của Đảng thì cơ quan kiểm tra của Đảng không sử dụng kết luận của cơ quan thanh tra nhà nước để xem xét, xử lý vi phạm của tổ chức đảng, cán bộ, công chức là đảng viên; mà cơ quan kiểm tra của Đảng chỉ coi kết luận thanh tra là căn cứ, cơ sở, điều kiện để tiến hành kiểm tra, tiếp tục thẩm tra, xác minh và xem xét, kết luận, xử lý theo quy trình kiểm tra của Đảng, gây mất thêm thời gian, công sức, tiền của... Cũng có trường hợp cơ quan thanh tra Nhà nước đã thanh tra, kết luận, nhưng cơ quan kiểm tra của Đảng vẫn kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tập thể tổ chức đảng và trách nhiệm cá nhân của cán bộ chủ chốt là đảng viên.
Thứ tư, Chưa có sự phối hợp tốt trong xử lý người vi phạm còn. Trong nhiều vụ việc, hình thức xử lý kỷ luật Đảng và xử lý kỷ luật về chính quyền chưa đồng bộ. Thậm chí, có những vụ việc, người vi phạm chỉ nhận hình thức kỷ luật về Đảng và vụ việc coi như đã giải quyết xong, không có sự chỉ đạo xử lý về mặt chính quyền. Hơn nữa, cũng chưa có quy định nào giải thích rõ như thế nào là “đồng bộ”. Có 4 hình thức kỷ luật Đảng gồm: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ. Có 4 hình thức kỷ luật cán bộ gồm: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm và 6 hình thức kỷ luật công chức gồm: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc. Vậy, các hình thức kỷ luật này đồng bộ với nhau như thế nào?
Theo chúng tôi, để sự phối hợp giữa cơ quan thanh tra và cơ quan kiểm tra của Đảng nói chung, trong xử lý tố cáo cán bộ, công chức là đảng viên có hiệu quả thì cần thiết phải tuân theo những nguyên tắc và nội dung phối hợp như sau :
Về nguyên tắc phối hợp, việc phối hợp giữa cơ quan thanh tra và cơ quan kiểm tra trong việc xử lý tố cáo đối với cán bộ, công chức là đảng viên cần phải bảo đảm các nguyên tắc: Thứ nhất, phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đồng thời bảo đảm các yêu cầu của việc xây dựng nhà nước pháp quyền; Thứ hai, phối hợp phải trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan; Thứ ba, phải bảo đảm nguyên tắc kỷ luật đảng không thay thế các biện pháp chế tài theo quy định của pháp luật.
Về nội dung phối hợp, sự phối hợp giữa cơ quan thanh tra và cơ quan kiểm tra của Đảng trong xử lý tố cáo cán bộ, công chức là đảng viên cần được thực hiện theo ba nội dung: (i) phối hợp trong tiếp nhận đơn tố cáo; (ii) phối hợp trong tiến hành xem xét nội dung tố cáo; (iii) phối hợp trong việc xử lý cán bộ, công chức có hành vi vi phạm.
Thứ nhất, về phối hợp trong tiếp nhận đơn tố cáo, nhìn từ phương diện pháp luật thì cơ quan nào cũng có trách nhiệm xử lý thông tin của người tố cáo gửi đến. Mặc dù theo quy định của pháp luật hiện nay thì thẩm quyền xác minh được giao cho cơ quan nào phụ thuộc vào ý chí của người có thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên, theo chúng tôi, trước hết cần tập trung đầu mối các tố cáo về hai cơ quan, kiểm tra đảng và thanh tra nhà nước vì hai cơ quan này là những cơ quan chuyên trách theo dõi việc giải quyết tố cáo. Các cơ quan này sẽ là nơi xử lý đầu vào của mọi tố cáo nhận được, từ đó tham mưu cho người có thẩm quyền hướng xử lý tố cáo đó. Đây cũng chính là nơi cần sự phối hợp giữa hai cơ quan thanh tra và kiểm tra trong việc xử lý tố cáo để bảo đảm vụ việc được xử lý theo đúng thẩm quyền, có hiệu quả và không bị chồng chéo giữa cơ quan đảng và cơ quan nhà nước.
Thứ hai, phối hợp trong việc xem xét nội dung tố cáo
Đối với những tố cáo gửi đến cơ quan kiểm tra đảng
Cơ quan kiểm tra đảng khi nhận được tố cáo về những vấn đề liên quan đến công chức là đảng viên với những nội dung chủ yếu liên quan đến phẩm chất đạo đức, đến những điều cấm đối với đảng viên, đến tư tưởng thái độ quan điểm chính trị thì kiến nghị với người có thẩm quyền giải quyết theo các quy định của Đảng. Trong trường hợp cần có sự hỗ trợ thì có thể yêu cầu cơ quan thanh tra phối hợp hoặc trực tiếp xác minh những nội dung cần thiết rồi thông báo kết quả xác minh cho cơ quan kiểm tra đảng.
Trong trường hợp tố cáo đảng viên vi phạm pháp luật thì về cơ bản có thể chuyển sang cơ quan thanh tra để giải quyết theo quy định của pháp luật. Kết quả giải quyết được thông báo cho cơ quan kiểm tra đảng để có hình thức kỷ luật về đảng (nếu người tố cáo có vi phạm). Trong trường hợp người bị tố cáo là đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo cơ quan nhà nước thuộc diện cấp ủy quản lý thì cơ quan kiểm tra đảng nên đứng ra chủ trì việc xem xét giải quyết, có sự tham gia của cơ quan thanh tra và các cơ quan có liên quan.
Đối với những tố cáo gửi đến cơ quan thanh tra nhà nước
Những tố cáo đối với cán bộ công chức không thuộc diện cấp ủy quản lý là đảng viên thì cơ quan thanh tra tiến hành giải quyết theo trình tự, thủ tục của pháp luật và thông báo cho cơ quan kiểm tra đảng (thông báo về việc thụ lý và tiến hành tra xác minh, thông báo kết quả thẩm tra xác minh và quyết định xử lý)
Những tố cáo đối với cán bộ, công chức thuộc diện cấp ủy quản lý thì báo cáo và đề nghị cơ quan kiểm tra đảng thụ lý và đứng ra chủ trì việc giải quyết. Trong trường hợp này, cơ quan kiểm tra đảng cũng có thể yêu cầu cơ quan thanh tra nhà nước tiếp tục giải quyết theo quy định của pháp luật và thông báo kết quả thẩm tra xác minh về những sai phạm của người bị tố cáo trong quá trình thực hiện quyền lãnh đạo, quản lý cơ quan, tổ chức, đơn vị mình, đặc biệt là về trách nhiệm của người bị tố cáo.
Thứ ba, phối hợp trong việc xử lý cán bộ, công chức là đảng viên có hành vi vi phạm. Như đã đề cập trong phần nguyên tắc, cán bộ, công chức là đảng viên có hành vi vi phạm phải chịu hình thức xử lý kỷ luật Đảng và hình thức chế tài của nhà nước (chế tài hành chính, chế tài hình sự). Đây là hai hình thức kỷ luật với một chủ thể với hai tư cách khác nhau nên không thể coi là vi phạm nguyên tắc một hành vi vi phạm chỉ chịu một hình thức xử phạt. Đồng thời cũng cần quán triệt nguyên tắc kỷ luật của Đảng không thay thế cho việc xử lý hình sự về mặt pháp luật.
Ngay trong quá trình tiến hành thẩm tra xác minh nếu đã có những dấu hiệu vi phạm thì cơ quan thanh tra có thể đề nghị cơ quan đảng tạm thời đình chỉ sinh hoạt đảng đối với người có dấu hiệu vi phạm để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thẩm tra xác minh.
Theo chúng tôi, khi hành vi vi phạm của cán bộ, công chức là đảng viên đã được làm rõ thì trước hết cần căn cứ vào các quy định của pháp luật để xem xét tính chất, mức độ vi phạm, hậu quả đã xảy ra và khả năng khắc phục, từ đó áp dụng các chế tài cho phù hợp. Đây chính là thể hiện sự tôn trọng và tuân thủ triệt để nguyên tắc xây dựng nhà nước pháp quyền, cũng là đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng. Trong nhà nước pháp quyền, pháp luật ở vị trí tối cao. Cũng xin được nhắc lại ở đây, pháp luật chính là những biểu hiện về mặt nhà nước của các chủ trương, đường lối của Đảng.
Sau khi hành vi vi phạm được làm rõ đồng thời chế tài của Nhà nước đã được xác định thì cơ quan uỷ ban kiểm của Đảng sẽ tiến hành xem xét mức độ vi phạm của cán bộ công chức theo tư cách đảng viên để từ đó quyết định hoặc đề nghị cấp ủy có thẩm quyền quyết định biện pháp xử lý kỷ luật Đảng cho phù hợp.
ThS. Lê Thị Thúy
Viện Khoa học Thanh tra