Ngành chức năng khẳng định, cần phải đặc biệt quan tâm đến
vấn đề ATGT của tuyến đường thủy nội địa Cửa Đại - Cù Lao Chàm.
Nhiều thành quả
Xác định tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật có liên quan là nhiệm vụ trọng tâm, đầu năm 2016, lễ phát động và ra quân thực hiện nhiệm vụ của cả năm cùng các hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) dịp Tết Bính Thân, các lễ hội xuân được tiến hành đồng loạt từ tỉnh đến cơ sở. Tháng 5 vừa qua, Ban ATGT tỉnh Quảng Nam phối hợp với Ủy ban ATGT quốc gia, Quỹ ATGT và phát triển cộng đồng tổ chức thành công chương trình “Kết nối cộng đồng vì ATGT” thu hút hơn 5.000 người tham gia. Cùng với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Tỉnh đoàn đẩy mạnh tuyên truyền trực tiếp ở khu dân cư, cơ quan, trường học; hơn 10.000 tờ rơi, tờ gấp, tài liệu đã được in và phát ra. “Phối hợp cùng Quỹ Phòng chống thương vong châu Á, chúng tôi tổ chức tập huấn cho hơn 100 giáo viên và đại diện phụ huynh của 10 trường tiểu học về cách nhận biết mũ bảo hiểm đạt chuẩn, các bước đội mũ đúng cách, chế tài xử phạt hành vi không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy, xe đạp điện. Việc vận động quần chúng chung tay đảm bảo trật tự ATGT mang ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần kiềm chế sự gia tăng của TNGT” - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Quảng Nam, ông Trương Khuê khẳng định.
Thống kê cho biết, TNGT trên địa bàn tỉnh Quảng Nam 6 tháng đầu năm nay xảy ra 129 vụ, làm chết 85 người và bị thương 98 người. So với cùng kỳ năm 2015, số vụ giảm 23 (giảm 15,1%), giảm 16 người chết (giảm 15,8%) và giảm 31 người bị thương (giảm 24,0%). Thành quả giảm cả 3 tiêu chí ngoài tác động của tuyên truyền, còn có giải pháp nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước.
Theo đó, quản lý hoạt động vận tải, đảm bảo an toàn kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ phía Sở Giao thông vận tải (GTVT) Quảng Nam tiếp tục biến chuyển. Phối hợp đảm bảo trật tự ATGT đường sắt, đường thủy nội địa, kiểm soát tải trọng xe, tuần tra xử lý vi phạm đạt nhiều kết quả quan trọng. Tiêu điểm, Ban ATGT tỉnh phối hợp với Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng, Công an tỉnh và địa phương tổng rà soát các điểm giao cắt đồng mức giữa đường sắt với hệ thống đường bộ. Từ đây, biện pháp cưỡng chế cấm ô tô và các phương tiện cơ giới qua lại tại 14 đường ngang dân sinh được thực hiện. Tổ liên ngành kiểm tra đường thủy nội địa tiếp tục kiểm tra, xử lý bến đò ngang, phương tiện, cá nhân vi phạm.
Trên đường bộ, Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động số 23 liên tục hiện diện ở Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh qua địa bàn Quảng Nam. Đặc biệt, Tổ kiểm tra liên ngành kiểm tra, xử lý hành vi tự ý thay đổi kích thước thùng xe, chở quá tải trọng quy định hoạt động tích cực (lập biên bản 112 trường hợp); tạo sự đồng thuận cao trong dư luận xã hội.
Chưa hết lo
Theo nhà chuyên môn, TNGT tuy đã giảm cả 3 tiêu chí, nhưng còn diễn biến hết sức phức tạp, chưa bền vững với nhiều nguy cơ tiềm ẩn đang “chờ dịp” bùng phát trở lại. Thực tế chứng tỏ, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa “lay chuyển” được ý thức một bộ phận người tham gia giao thông. Thiếu con người và trang thiết bị chuyên dụng, ngành công an và GTVT không đủ quân số để tuần tra khép kín địa bàn, nhất là trên các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ và đường liên xã, liên thôn.
Giám đốc Sở GTVT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh - ông Nguyễn Văn Nhân chỉ rõ, vận tải dù được phát triển nhưng còn nhỏ lẻ, chất lượng dịch vụ ì ạch, cạnh tranh không lành mạnh, thiếu quan tâm đời sống người lao động. Đơn vị kinh doanh “lười” đưa công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành hoạt động vận tải. Xe buýt chạy không đúng lịch trình, bỏ phiên chưa được kiểm tra, xử lý triệt để… Những tồn tại nêu trên dẫn đến TNGT trên đường bộ chiếm đến 121 vụ, làm chết 77 người và bị thương 94 người. ATGT đường sắt thì đang bị đe dọa nghiêm trọng, khi nhan nhản nhiều đường ngang dân sinh bất hợp pháp. Hệ quả, TNGT đường sắt xảy ra 8 vụ, làm chết 8 người, bị thương 4 người; tăng hơn gấp đôi so với cả năm 2015 (xảy ra 3 vụ, làm 3 người chết). Nguy cơ vấn nạn sẽ còn gia tăng khi hiển hiện 34 vị trí nguy hiểm. Đường thủy nội địa chưa xảy ra sự việc đáng tiếc, song khả năng dẫn đến thương vong nặng nề là có thật, nhất là chuyến đò ngang, tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm (TP.Hội An).
Nhằm chủ động đối phó, Ban ATGT tỉnh Quảng Nam đang xây dựng kế hoạch phát động mô hình “Bến đò văn hóa an toàn” tại bến Cửa Đại - Cù Lao Chàm. Tổ chức cho 52 chủ các bến đò ngang, hàng trăm người điều khiển phương tiện thủy ký cam kết tự giác thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật khi hoạt động trên sông nước. Ban ATGT tỉnh cũng đề nghị Sở GTVT tăng cường siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô. Ngành cần phối hợp đồng bộ với Công an tỉnh tiếp tục tuần tra, xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải trọng cầu đường bộ, quá tải trọng cho phép đối với ô tô vận chuyển hàng hóa. Khắc phục tồn tại của đường ngang dân sinh; cảnh báo TNGT tại các vị trí nguy hiểm, tổ chức phòng vệ, nâng mức cảnh báo các đường ngang bằng biển báo... Công an tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an địa phương phối hợp tuần lưu khép kín, chú trọng xử lý các đối tượng điều khiển mô tô, xe gắn máy coi thường pháp luật. “Chính quyền địa phương phải có biện pháp quản lý, đưa ra kiểm điểm trước dân những đối tượng cá biệt. Chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan thành viên đa dạng hóa công tác tuyên truyền bằng hình thức trực quan, trực tiếp những sự việc cụ thể, có chiều sâu, tác động mạnh đến ý thức tự giác chấp hành, đặc biệt là đối tượng thanh, thiếu niên ở địa bàn nông thôn” - ông Nguyễn Văn Nhân nhấn mạnh.