Nhức nhối tình trạng vi phạm hành lang ATGT đường bộ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

Thứ tư, 27/07/2016 16:08

Vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ (HLATGTĐB) trên địa bàn tỉnh TT-Huế diễn ra phức tạp từ tỉnh lộ đến quốc lộ. Đây là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2016, cơ quan chức năng cấp tỉnh đã lập biên bản vi phạm và đình chỉ thi công xây dựng khoảng 90 trường hợp hộ gia đình vi phạm lộ giới HLATGTĐB trên tuyến quốc lộ và tỉnh lộ... Ngoài ra, chính quyền xã, phường, thị trấn cũng đã lập hàng trăm biên bản xây dựng vi phạm lộ giới.

Xử phạt xong vẫn tiếp tục xây dựng

Dọc tuyến QL1A, QL49B và các Tỉnh lộ 4, 6, 11B, 10C... trên địa bàn tỉnh TT-Huế, nhiều lều quán dựng trái phép ven đường, các chủ hộ kinh doanh tận dụng tối đa vỉa hè để bày hàng, dựng bảng quảng cáo dày đặc... Điển hình, tại Tỉnh lộ 9, hộ gia đình ông Lê L. (thôn Lưu Hiền Hòa, xã Phong Mỹ, H. Phong Điền) xây dựng tường rào bằng vật liệu bờ-lô xi-măng và bê-tông cốt thép; tại QL49B, có rất nhiều hộ gia đình lấn chiếm đường để dựng lều quán, buôn bán kinh doanh, bất chấp nguy hiểm, như hộ gia đình ông Lê Công Đ. (xã Quảng Công, H. Quảng Điền) xây dựng quán trên HLATGTĐB với diện tích 54m2...

Đáng báo động là tình trạng vi phạm HLATGTĐB trên tuyến QL1A, đây chính là nỗi lo của người tham gia giao thông. Mới đây, UBND xã Lộc Tiến (H. Phú Lộc) phát hiện nhà bà Nguyễn Thị Mỹ H. (ở thôn Thủy Tụ) xây dựng nhà ở với diện tích hơn 300m2 trong đó một phần diện tích xây dựng trong phạm vi đất dành cho đường bộ nên khi công trình vừa xây xong móng, xây các trụ sắt thì chính quyền đã lập biên bản vi phạm. Sau đó, bà H. nộp phạt 2 triệu đồng về vi phạm hành chính xây dựng công trình trái phép nằm trong lộ giới và tiếp tục thi công. Tương tự, hộ Lê Nh. (trú Lộc Tiến), xây nhà nằm trong lộ giới QL1A với diện tích xây dựng vi phạm hơn 120m2 và sau khi bị xã lập biên bản xử phạt, công trình xây dựng nhà này vẫn tiếp diễn.

Ông Vương Đình Cẩm, Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến cho rằng: "Những hộ xây dựng vi phạm HLATGTĐB trên địa bàn xã, trước đây đã có nhà ở nhưng sau khi bị giải tỏa QL1A thì đất họ vẫn còn. Nếu họ không xây thì lấy chỗ đâu mà ở. Họ sai thì mình vẫn lập biên bản nhưng nhiều khi cũng thông cảm. Nếu họ ở đâu đến xây mới thì khác...". Tình trạng này cũng xảy ra tương tự ở một số địa phương khác dọc QL1A của H. Phú Lộc như ở xã Lộc Thủy và thị trấn Lăng Cô.

Một công trình nhà ở người dân tại xã Lộc Tiến vi phạm HLATGTĐB trên tuyến QL1A.

Khó giải quyết dứt điểm

Tại nhiều cuộc họp nói về việc vi phạm HLATGTĐB kéo dài dai dẳng, đại diện các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh TT-Huế đều cho rằng, công tác này thực sự khó quản lý, chưa thể giải quyết dứt điểm bởi tình trạng tái lấn chiếm thường xuyên tái diễn. Một lãnh đạo thị trấn Phong Điền (H. Phong Điền) cho biết: "Ban ATGT thị trấn đã xây dựng kế hoạch chi tiết, tuyên truyền vận động thường xuyên, các hộ kinh doanh cũng đã cam kết từ nhiều năm trước. Tuy nhiên cứ sáng chính quyền địa phương đi dẹp, chiều họ lại vi phạm, các lều quán dựng bằng khung di động, dễ lắp ráp. Khi lực lượng chức năng kiểm tra xử lý, các hộ kinh doanh sẵn sàng nộp phạt nhưng vẫn cứ vi phạm, thậm chí bỏ biển hiệu bị tịch thu, làm lại cái khác...".

Ông Nguyễn Đức Luyện, Phó tổng Giám đốc Cty CP Đường bộ I TT-Huế, cho biết: Trước mắt cũng như về lâu dài, Cty tăng cường công tác tuần tra, phát hiện những trường hợp vi phạm mới phát sinh để ngăn chặn ngay từ đầu. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật GTĐB, các nghị định của Chính phủ về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng GTĐB cũng như nghị định về xử phạt đối với hành vi lấn chiếm HLATGTĐB… Đối với các trường hợp vi phạm, Cty này sẽ phối hợp với thanh tra giao thông, thanh tra xây dựng, công an, chính quyền địa phương và các đoàn thể vận động tự giác chấp hành tháo dỡ. Nếu như các hộ vi phạm cố tình không tự nguyện chấp hành sẽ tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ, trả lại nguyên trạng ban đầu.

Một số ý kiến cho rằng, để ngăn chặn tình trạng vi phạm HLATGTĐB ngoài sự quyết liệt của ngành giao thông, cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, bởi UBND cấp huyện là cơ quan quyết định việc cưỡng chế vi phạm lấn chiếm HLATGTĐB. Chính vì vậy, cần phải có những giải pháp đồng bộ giữa các lực lượng chức năng và chính quyền sở tại trong việc tuyên truyền, rà soát, thống kê, phân loại, cưỡng chế, giải tỏa các vi phạm để lập lại HLATGTĐB tại các địa phương trong tỉnh.

Nguồn: Báo Công an Đà Nẵng

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:120359
Lượt truy cập: 176.235.232