Trình tự, thủ tục và các tình huống xử lý, đặc biệt đối với lực lượng thanh tra ngành GTVT trực tiếp thực thi công vụ (tiếp theo)

Thứ tư, 14/09/2016 16:25

Ban biên tập Website Thanh tra Bộ tiếp tục gửi đến đọc giả bài phỏng vấn ông Lê Thanh Hà - Chánh Thanh tra Bộ GTVT về các vấn đề liên quan đến triển khai thực hiện Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, trong đó đi sâu về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến chủ phương tiện xe cơ giới đường bộ. (Kỳ 4)

Ông Lê Thanh Hà – Chánh Thanh tra Bộ GTVT

PV: Khi người vi phạm (lái xe) chưa có giấy tờ chứng minh là chồng (vợ); hoặc được cho, được tặng, được thừa kế... thì có lập biên bản với chủ phương tiện không (người đứng tên trong Giấy đăng ký xe)? Hoặc không lập biên bản tại hiện trường sau đó về xử lý mới lập biên bản VPHC? Nếu đã lập biên bản rồi thì người vi phạm có giấy tờ chứng minh được thì xử lý như thế nào, ông có thể giải thích rõ trường hợp này?.

Ông Lê Thanh Hà: Khi phát hiện hành vi vi phạm, nếu lái xe chưa chứng minh được đồng thời là chủ phương tiện theo quy định tại Khoản 5 Điều 76 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, thì lập biên bản vi phạm hành chính đối với cả lái xe và chủ xe. Trường hợp chủ phương tiện không có mặt tại hiện trường thì lái xe ký vào biên bản với tư cách là người làm chứng theo quy định tại Khoản 2 Điều 76 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP. Người có thẩm quyền xử phạt tổ chức xác minh các tình tiết liên quan đến vụ việc vi phạm để áp dụng xử phạt đối với chủ phương tiện theo quy định. Việc xác minh phải được lập thành biên bản, nêu rõ lý do không ra quyết định xử phạt đối với chủ phương tiện, có hồ sơ, tài liệu kèm theo và được lưu trữ trong hồ sơ xử phạt. Trường hợp được cho, được tặng, được thừa kế... thì người vi phạm (lái xe) phải làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định;
Thời hạn ra quyết định xử phạt trong trường hợp này có thể được kéo dài theo quy định tại Khoản 1 Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 60 ngày theo quy định tại Khoản 6 Điều 76 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP.

PV: Khi cá nhân (thành viên hợp tác xã) tham gia hợp tác xã kinh doanh vận tải, nếu có vi phạm thì xử lý cá nhân hay hợp tác xã thưa ông?.

Ông Lê Thanh Hà: Tuỳ theo hành vi vi phạm, người có thẩm quyền tiến hành xử phạt đối với người điều khiển phương tiên, hợp tác xã như sau:
- Xử phạt người điều khiển phương tiện đối với các hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định số 46/2016/NĐ-CP phải xử phạt người điều khiển phương tiện;
- Xử phạt hợp tác xã đối với các vi phạm quy định về vận tải đường bộ, các vi phạm của chủ phương tiện theo quy định tại Điều 28, Điều 30 và Điểm d Khoản 5 Điều 76 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP.

PV:  Xin ông cho biết, nếu trường hợp xử phạt vi phạm đối với cả lái xe và chủ xe: Người có thẩm quyền lập 02 biên bản VPHC (đối với biển bản vi phạm của chủ xe thì lái xe ký ở người chứng kiến) và ra 02 quyết định xử phạt VPHC. Khi đến chấp hành quyết định thì lái xe chỉ chấp hành quyết định xử phạt đối với mình mà không chấp hành quyết định xử phạt thay cho chủ xe có được không? nếu đồng ý thì khó khăn cho việc chấp hành quyết định xử phạt đối với chủ xe?.

Ông Lê Thanh Hà: Trường hợp lái xe chỉ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm đối với lái xe, cơ quan thực hiện chức năng thanh tra GTVT cho lái xe chấp hành quyết định xử phạt, trả lại lái xe giấy phép lái xe bị tạm giữ (trường hợp có tạm giữ giấy phép lái xe và hành vi vi phạm không có hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe).
Cơ quan thực hiện chức năng thanh tra GTVT tạm giữ phương tiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 76, giấy tờ có liên quan đến phương tiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 78 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP để đảm bảo cho việc xử phạt, chấp hành quyết định xử phạt của chủ phương tiện.
Lưu ý: Trường hợp này, người có thẩm quyền trực tiếp lập biên bản phải giữ các giấy tờ liên quan đến lái xe và chủ xe để bảo đảm quyết định xử phạt theo quy định.

PV: Hiện nay công tác quản lý phương tiện còn hạn chế, trường hợp chủ phương tiện trên Giấy đăng ký xe là Doanh nghiệp tư nhân thì theo quy định xử phạt đối với cá nhân hay tổ chức, thưa ông?

Ông Lê Thanh Hà: Tại khoản 10 Điều 2 Luật Xử lý VPHC quy định: "Tổ chức là cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật".
Doanh nghiệp tư nhân là tổ chức được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Do đó, chủ phương tiện trên Giấy đăng ký xe là Doanh nghiệp tư nhân thì khi có vi phạm bị xử phạt theo quy định đối với tổ chức.

PV: Thưa ông có một thực tế lực lượng chức năng thường gặp, trường hợp lái xe là chủ phương tiện trên Giấy đăng ký xe thì khi phạt lái xe có xử phạt chủ phương tiện không (đối với trường hợp phạt cả lái xe và chủ phương tiện).

Ông Lê Thanh Hà: Trường hợp này, tuỳ hành vi vi phạm, các chủ thể sẽ bị xử phạt theo quy định tại Khoản 3 Điều 76 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP.

PV: Thưa ông, khi thi hành công vụ, có trường hợp Chủ phương tiện là tổ chức cho lái xe thuê phương tiện để kinh doanh vận tải (có hợp đồng thuê xe theo quy định). Trường hợp lái xe (bên thuê xe) chở quá tải trọng thì áp dụng xử phạt VPHC đối với chủ phương tiện là tổ chức (bên cho thuê xe) hay cá nhân lái xe (bên thuê xe)?

Ông Lê Thanh Hà: Trường hợp lái xe thuê phương tiện của tổ chức có chức năng cho thuê tài sản và lái xe đứng tên làm thủ tục để đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (Sở GTVT cấp giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu xe cho hộ gia đình của cá nhân lái xe) thì xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ phương tiện là cá nhân lái xe theo quy định tại Điều 30 và Điểm đ Khoản 5 Điều 76 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP.
Trường hợp chủ phương tiện là tổ chức cho thuê xe đứng tên làm thủ tục đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (Sở GTVT cấp giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu xe cho tổ chức) thì xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ phương tiện là tổ chức cho thuê xe theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP.

PV: Thưa ông, cá nhân, tổ chức kinh doanh vận tải quy định tải Điều 28 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP được hiểu như thế nào khi áp dụng xử phạt vi phạm hành chính?

Ông Lê Thanh Hà: Theo quy định tại Khoản 3 Nghị định số 86/2014/NĐ-CP: Cá nhân, tổ chức kinh doanh vận tải được hiểu là hộ gia đình (cá nhân), doanh nghiệp, hợp tác xã (tổ chức) kinh doanh vận tải, tức là có sử dụng xe ô tô vận tải hàng hoá, hành khách trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.
Quy định tại Điều 28 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP áp dụng để xử phạt VPHC đối với doanh nghiệp, hợp tác xã (tổ chức), hộ gia đình (cá nhân) kinh doanh vận tải có vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

(Còn tiếp)

Thực hiện: PV – BTV Nguyễn Minh Phương

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:264151
Lượt truy cập: 176.389.219