Trại nấm Thiện Giao nằm tại quận Đồ Sơn, cách trung tâm Thành phố Hải Phòng khoảng 20 km, là nơi đang chăm sóc, nuôi dưỡng và dạy nghề cho hơn 20 bạn trẻ, em nhỏ bị khuyết tật là nạn nhân chiến tranh bị nhiễm chất độc da cam Dioxin. Đây là lần thứ ba, Công đoàn, Đoàn thanh niên Công ty VISHIPEL trở lại nơi này để thăm hỏi, động viên các bạn trẻ tật nguyền và chị Trần Thị Thanh Hương, người trực tiếp chăm sóc nuôi dạy các em.
Công ty VISHIPEL thăm và tặng quà cho nạn nhân chất độc màu da cam tại Trại nấm Thiện Giao, Đồ Sơn, Hải Phòng
Cuộc đời nuôi con người khác đến với chị Hương như một cái duyên. Chị kể năm 1972, trên đường từ chiến trường miền Nam ra Bắc, Quảng Trị, chị Hương được một đồng đội trao cho 1 đứa bé nhờ nuôi hộ vì anh bị nhiễm chất độc da cam, gia đình không còn ai. Sau đó, tiếng đồn xa, các đồng đội của chị biết tin lại tìm đến chị để nhờ nuôi những đứa con không lành lặn của mình. Chiến tranh kết thúc, hành trang trở về với quê nhà của chị là đàn con không bình thường như những đứa trẻ khác. Nhìn những đứa trẻ ngây ngô, tật nguyền tội nghiệp, khao khát có gia đình riêng của chị đành gạt sang một bên. Chị dồn hết tâm sức nuôi dạy, chăm sóc các con và gây dựng Trại Nấm để tự chủ kinh tế lo cho các con. Có thời điểm, Trại Nấm nuôi hơn 100 các em nhỏ bệnh tật, đến nay nhiều em đã trưởng thành, học nghề, tái hòa nhập với cộng đồng.
Với mong muốn được đồng hành và chia sẻ bớt một phần khó khăn với các mảnh đời bất hạnh tại Trại Nấm, Công đoàn, Đoàn Thanh niên Công ty VISHIPEL đã trao tặng cho các bạn nhỏ nơi đây các phần quà thiết thực gồm gạo, mỳ tôm, đường, dầu ăn được quyên góp từ người lao động Công ty. Chia tay Trại Nấm, đọng mãi trong chúng tôi những tiếng cười rất đỗi ngô nghê, trong trẻo của những bạn trẻ là những chứng tích sống của chiến tranh và nụ cười phúc hậu của người phụ nữ tần tảo tên Hương.
Công ty VISHIPEL chụp ảnh lưu niệm cùng các cháu nhỏ tại Trại nấm Thiện Giao
Phòng Khai thác