1. Khái niệm nguyên tắc tiếp công dân
Theo Từ điển Từ và Ngữ Việt Nam thì “nguyên tắc” (nguyên là gốc, tắc là phép tắc) là điều cơ bản đã được quy định, nhất thiết phải tuân theo, dùng làm cơ sở cho các mối quan hệ xã hội. Nguyên tắc còn là những điều cơ bản rút ra từ thực tế khách quan để chỉ đạo hành động[1]. Theo từ điển của Viện Ngôn ngữ học thì “nguyên tắc” là điều cơ bản định ra, nhất thiết phải tuân theo trong một loạt việc làm[2].
Theo Từ điển Luật học, nguyên tắc pháp luật gồm hai loại, những nguyên tắc chung mang tính chất chính trị - xã hội của pháp luật và những nguyên tắc pháp lý đặc thù. Các nguyên tắc chung của pháp luật luôn phản ánh một cách trực tiếp chế độ xã hội hiện hữu và được đặt ra nhằm xác định rõ những nguyên lý, tư tưởng chỉ đạo để giải đáp một vấn đề lớn là hệ thống pháp luật hiện hữu củng cố và bảo vệ chế độ nào. Các nguyên tắc pháp lý đặc thù thể hiện rõ bản chất và những đặc trưng của pháp luật nhằm giải đáp một số vấn đề có tính đặc thù là hệ thống pháp luật sẽ cũng cố và bảo vệ chế độ xã hội đó như thế nào[3].
Qua các tiếp cận trên cho thấy, “nguyên tắc” là những điều cơ bản đặt ra dựa trên những quan điểm, cách tiếp cận trong giải quyết một vấn đề nhất định, buộc các chủ thể phải tuân theo. Nguyên tắc định khung các hoạt động cụ thể, về phạm vi, về đối tượng, về trình tự, thủ tục thực hiện,… Việc xác định các nguyên tắc trong một hoạt động căn cứ vào vai trò, đặc điểm của hoạt động đó trên cơ sở các nguyên tắc chung về hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung và của nền hành chính nhà nước nói riêng. Trong hoạt động tiếp công dân, bên cạnh các quy định cụ thể, trực tiếp trong đón tiếp, lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh,… còn có những nội dung chưa được quy định cụ thể. Đây chính là nội dung cần được điều chỉnh bằng việc định ra các nguyên tắc trong hoạt động này.
Trên cơ sở quan niệm nêu trên, có thể khái quát quan niệm về nguyên tắc tiếp công dân như sau: “Nguyên tắc tiếp công dân là những tư tưởng, định hướng chủ đạo, đúng đắn, khách quan và khoa học, được quy định cụ thể trong pháp luật về tiếp công dân mà các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền phải tuân theo trong quá trình thực hiện việc tiếp công dân”.
2. Thực trạng việc thực hiện các nguyên tắc tiếp công dân
2.1. Kết quả đạt được
Điều 3 Luật Tiếp công dân năm 2013 quy định về nguyên tắc trong tiếp công dân:
“1. Việc tiếp công dân phải được tiến hành tại nơi tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
2. Việc tiếp công dân phải bảo đảm công khai, dân chủ, kịp thời; thủ tục đơn giản, thuận tiện; giữ bí mật và bảo đảm an toàn cho người tố cáo theo quy định của pháp luật; bảo đảm khách quan, bình đẳng, không phân biệt đối xử trong khi tiếp công dân.
3. Tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật”.
Theo đó, việc thực hiện các nguyên tắc tiếp công dân trong thực tiễn đạt được những kết quả sau:
Nguyên tắc tiếp công dân phải được tiến hành tại nơi tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị
Trong năm 2015, Trụ sở tiếp công dân Trung ương đã tiếp 27.834 lượt người, giảm 31,9% (27834/40876) so với năm 2014, (Hà Nội: 23.768 lượt, thành phố Hồ Chí Minh: 4.066 lượt), đến trình bày 7.645 vụ việc, giảm 9,5% (7645/8447), (Hà Nội: 6.473 việc, thành phố Hồ Chí Minh: 1.172 việc), trong đó khiếu nại 4.797 việc, tố cáo 1.740 việc, kiến nghị và phản ánh 1.108 việc; có 769 lượt đoàn đông người, tăng 18,5% (769/649), (Hà Nội: 645 lượt, thành phố Hồ Chí Minh: 124 lượt).
Trong số 7.645 vụ việc đã tiếp, Thanh tra Chính phủ tiếp 5.051 việc, Ban Dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp 1.539 việc, Văn phòng Chính phủ tiếp 791 việc, Ủy ban kiểm tra Trung ương tiếp 156 việc, Văn phòng Trung ương Đảng tiếp 25 việc, Ban Nội chính Trung ương tiếp 75 việc, Văn phòng Chủ tịch nước 03 việc, Mặt trận Tổ quốc 05 việc. Nội dung khiếu tố tập trung vào các lĩnh vực như: liên quan đến đất đai 4.158 việc (chiếm 54%); án tư pháp 1.257 việc; chính sách 416 việc.
Qua xem xét hồ sơ, có 2.667 việc (chiếm 34,9%) chưa được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết; 4.978 việc (chiếm 65,1%) đã được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Trong số 769 lượt đoàn đông người đã tiếp, có 49/63 địa phương xuất hiện đoàn đông người đến Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, trong đó có 31 địa phương có từ 05 đoàn trở lên[4] (Phụ lục II: Các đoàn đông người đáng lưu ý). Nội dung khiếu nại chủ yếu là: đòi lại đất cũ, khiếu nại về chính sách bồi thường, hỗ trợ, khu tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội của địa phương[5]…
Tại một số Bộ, ngành (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an…), Trụ sở tiếp công dân được bố trí thuận tiện cho công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; có phương tiện và trang thiết bị đầy đủ để phục vụ công tác tiếp công dân; niêm yết nội quy tiếp công dân, lịch tiếp công dân thường xuyên và lịch tiếp công dân của lãnh đạo Bộ; cử cán bộ, công chức có năng lực, kinh nghiệm và phẩm chất đạo đức thực hiện nhiệm vụ tiếp theo. Nhiều tỉnh, thành (thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Nghệ An...) đã xây dựng Trụ sở tiếp công dân khang trang, thuận tiện, đảm bảo về trang thiết bị, điều kiện làm việc cần thiết; xây dựng nội quy, bố trí cán bộ tiếp dân thường xuyên theo quy định. Một số tỉnh, lãnh đạo tỉnh đã quan tâm bổ sung cho các cơ quan tiếp công dân những cán bộ có năng lực, phẩm chất, có ý thức trách nhiệm, khách quan, công tâm, có tác phong gần gũi quần chúng; có kỹ năng công tác tiếp công dân; được đào tạo nghiệp vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (Hòa Bình, Nghệ An…). Một số địa phương đã quan tâm kiện toàn, bố trí, bổ sung cán bộ làm nhiệm vụ tiếp công dân ở cấp tỉnh (bố trí từ 5 - 8 người, có bộ máy lãnh đạo). Nhưng còn nhiều địa phương mới bố trí được 3 - 4 người làm nhiệm vụ, có nơi mới có 1 - 2 cán bộ chuyên trách và 1 - 2 cán bộ hợp đồng. Ở cấp huyện, hầu hết bố trí 01 cán bộ chuyên trách và phân công thêm một số cán bộ làm kiêm nhiệm để tiếp công dân[6].
Trên thực tế, đa số người dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đều được đón tiếp tại Trụ sở tiếp công dân. Cán bộ tiếp công dân thực hiện nhiệm vụ đón tiếp, lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân. Đây chính là quá trình giao tiếp giữa cán bộ tiếp công dân với người dân. Khi tiến hành giao tiếp, cán bộ tiếp công dân phải ở thế chủ động điều khiển cuộc đón tiếp theo ý muốn của mình, khi nào cần lắng nghe, khi nào cần hỏi, hỏi thông tin gì để phục vụ cho việc xử lý sau này.
Về cơ bản, khi tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân, cán bộ tiếp công dân tuân thủ tốt mục đích, yêu cầu của việc tiếp công dân. Đó là đón tiếp để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân. Ở đây, cán bộ tiếp công dân bằng các biện pháp nghiệp vụ của mình làm sao để người dân nói ra những ý kiến của mình, trình bày những vấn đề mà họ quan tâm, bổ sung thêm thông tin, tài liệu về nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Ở đây, cán bộ tiếp công dân có trách nhiệm phải lắng nghe (kể cả phải lắng nghe những bức xúc của công dân) khi đón tiếp. Chính vì thế cán bộ tiếp dân phải biết khuyến khích đối tượng giao tiếp với mình, bằng cách chú ý lắng nghe đối tượng trình bày ý kiến của họ. Cán bộ tiếp dân phải biết kết luận các ý kiến mà đối tượng đưa ra, thống nhất với họ quan điểm chính trên cơ sở tư duy khoa học, tư duy logic và tính quyết đoán của nhân cách.
Nguyên tắc tiếp công dân phải bảo đảm công khai, dân chủ, kịp thời; thủ tục đơn giản, thuận tiện; giữ bí mật và bảo đảm an toàn cho người tố cáo theo quy định của pháp luật
Trong quá trình tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân, nguyên tắc công khai, dân chủ, kịp thời luôn được cán bộ tiếp dân tuân thủ. Theo đó, việc đón tiếp được thực hiện tại Trụ sở tiếp công dân; khi tiếp công dân, cán bộ tiếp dân thường trao đổi kỹ với người dân về nội dung người dân trình bày, lắng nghe ý kiến của họ và trao đổi lại khi thấy ý kiến không phù hợp, thông tin, tài liệu được cung cấp chưa đầy đủ, chính xác. Bên cạnh đó, việc tuân thủ tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân cũng là một nội dung thể hiện sự công khai trong việc tiếp dân, mọi công việc đều được giải quyết một cách công khai, không có sự riêng tư trong quá tình tiếp công dân.
Tính kịp thời thể hiện mọi người dân đến Trụ sở tiếp công dân đều được đón tiếp (theo lịch đăng ký), Ban Tiếp công dân bố trí đầy đủ cán bộ để tiếp công dân. Trong trường hợp đột biến có nhiều người đến Trụ sở tiếp công dân, nhằm hạn chế việc người dân phải chờ đợi, Ban tiếp công dân sẽ tăng cường thêm cán bộ để tiếp công dân. Về cơ bản, người dân đến Trụ sở tiếp công dân đều được đón tiếp kịp thời, đúng trình tự, thủ tục. Ngoài ra, theo quy định của Luật tiếp công dân, cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm niêm yết công khai thông tin về việc tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình tại trụ sở cơ quan, tổ chức, đơn vị, tại địa điểm tiếp công dân và công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, đơn vị (nếu có). Nội dung thông tin cần công bố bao gồm: nơi tiếp công dân; thời gian tiếp công dân thường xuyên; lịch tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; thành phần tham dự và dự kiến nội dung tiếp công dân của các buổi tiếp công dân định kỳ; lịch tiếp công dân được niêm yết chậm nhất là 05 ngày làm việc, trước ngày tiếp công dân; trường hợp không thể thực hiện việc tiếp công dân theo lịch đã công bố do có lý do chính đáng thì có thể lùi lịch tiếp công dân sang thời gian khác và phải thông báo cụ thể thời gian dự kiến tiếp công dân tại nơi tiếp công dân. Nội dung này luôn được các cơ quan, tổ chức tuân thủ, nhiều cơ quan, đơn vị không chỉ niêm yết công khai lịch tiếp dân trước 5 ngày, mà còn niêm yết lịch tiếp dân của lãnh đạo trong cả Quý. Điều này giúp người dân có thể chủ động, kịp thời sắp xếp lịch để có thể được gặp lãnh đạo cơ quan, tổ chức khi tiếp dân định kỳ.
Trường hợp người tố cáo, trong quá trình, cán bộ tiếp công dân phải giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích người tố cáo trừ khi người tố cáo đồng ý công khai; không được tiết lộ những thông tin có hại cho người tố cáo; nếu thấy cần thiết hoặc khi người tố cáo yêu cầu thì người tiếp công dân áp dụng những biện pháp cần thiết hoặc kiến nghị áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ người tố cáo, người thân thích của người tố cáo. Về cơ bản, ở giai đoạn này thì việc giữ bí mật thông tin của người tố cáo được cán bộ tiếp dân thực hiện theo đúng quy trình đề ra, bởi vì trong giai đoạn này chưa phát sinh các biện pháp nghiệp vụ (xác minh nội dung tố cáo) nên việc giữ bí mật cho người tố cáo được tuân thủ theo đúng quy định.
Nguyên tắc tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật
Trong quá trình tiếp công dân, cán bộ khi tiếp công dân đã thực hiện nghiêm túc nguyên tắc này. Người dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đều được tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi khi thực hiện quyền của mình. Ví dụ, theo quy định của Luật Tiếp công dân thì cán bộ tiếp công dân có quyền từ chối tiếp trong trường hợp người khiếu nại, tố cáo về vụ việc đã giải quyết đúng chính sách, pháp luật, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, rà soát, thông báo bằng văn bản và đã được tiếp, giải thích, hướng dẫn nhưng vẫn cố tình khiếu nại, tố cáo kéo dài. Nhưng thực tế, rất nhiều trường hợp đã có thông báo chấm dứt giải quyết, nhưng đương sự vẫn liên tục đến khiếu nại gay gắt mà cán bộ tiếp dân không thể từ chối việc tiếp. Trong trường hợp này, cán bộ tiếp công dân vẫn phải lắng nghe, giải thích, hướng dẫn để người dân hiểu và thực hiện quyền của mình chứ không từ chối tiếp công dân. Bởi vì, xét ở khía cạnh nào đó việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền chưa làm hài lòng người dân, có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của họ nên người dân tiếp tục thực hiện quyền của mình được pháp luật quy định.
Nhằm đảm bảo hơn nữa việc giải thích, hướng dẫn cho công dân thực hiện khiếu nại, tố cáo kiến nghị, phản ánh thời gian qua, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Ban Thường trực Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam và Liên đoàn Luật sư Việt Nam thực hiện Chương trình phối hợp số 01-CTPH/MTTQ-TTCP-BTP-HLG-LĐLS ngày 11/11/2014 về giám sát nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở, theo đó, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Ban Thường trực Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Liên đoàn Luật sư Việt Nam triển khai công tác trợ giúp pháp lý của Luật sư tại Trụ sở tiếp dân Trung ương.
Về trình tự, thủ tục khi tiếp công dân: Theo quy định, khi người khiếu nại có đơn trình bày nội dung rõ ràng, đầy đủ ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại và yêu cầu của người khiếu nại. Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên thì người tiếp công dân cần xác định nội dung vụ việc, yêu cầu của người khiếu nại để xử lý cho phù hợp. Nếu nội dung đơn khiếu nại không rõ ràng, chưa đầy đủ thì người tiếp công dân đề nghị người khiếu nại viết lại đơn khiếu nại hoặc viết bổ sung vào đơn khiếu nại về những nội dung chưa rõ, còn thiếu. Trường hợp không có đơn khiếu nại thì người tiếp công dân hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại theo các nội dung quy định. Nếu công dân đến trình bày trực tiếp thì người tiếp công dân ghi chép đầy đủ, trung thực, chính xác nội dung khiếu nại do công dân trình bày; nội dung nào chưa rõ thì đề nghị người khiếu nại trình bày thêm, sau đó đọc lại cho người khiếu nại nghe và đề nghị họ ký tên hoặc điểm chỉ.
2.2. Tồn tại, hạn chế trong thực hiện nguyên tắc tiếp công dân
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện nguyên tắc tiếp công dân còn tồn tại một số hạn chế như sau:
Một là, việc thực hiện nguyên tắc tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân chưa được tuân thủ nghiêm túc.
Trên thực tế, tùy từng vùng miền, hoàn cảnh hoặc tính chất của vụ việc mà cán bộ có thẩm quyền tiếp công dân (nhận đơn khiếu nại, tố cáo) tại nhà riêng của mình (thường xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, nông thôn). Ngoài ra, trong quá trình đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp tiếp xúc cử tri tại nơi cư trú thì người dân cũng thường gửi đơn qua các đại biểu; đôi khi người dân gửi đơn, thư qua người quen, họ hàng thân thích làm việc tại các cơ quan nhà nước… Trong những trường hợp này thì người dân ít có cơ hội tiếp cận với cán bộ tiếp công dân để trình bày về nội dung vụ việc; bổ sung hồ sơ, tài liệu còn thiếu (nếu có); được nghe luật sự tư vấn miễn phí về quyền và nghĩa vụ của mình; được hướng dẫn gửi đơn đến đúng cơ quan có thẩm quyền… Điều này phần nào hạn chế quyền lợi của người dân, mặt khác dẫn đến nguy cơ phát sinh việc trồng chéo, trùng lắp khi tiếp nhận và giải quyết của các cơ quan chức năng.
Hai là, việc tuân thủ nguyên tắc giữ bí mật thông tin về người tố cáo trong quá trình tiếp công dân và giải quyết tố cáo của người dân nhiều khi không thực hiện được.
Trong quá trình thực hiện, các cơ quan sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc giữ bí mật thông tin về người tố cáo khi tiếp nhận, xử lý, xác minh, giải quyết, công khai kết luận nội dung tố cáo... Ví dụ, khi tiến hành xác minh, Đoàn xác minh, Tổ xác minh gửi công văn cho người tố cáo (qua cơ quan, đơn vị công tác) để làm việc, cung cấp thông tin, tài liệu… sẽ rất khó để giữ bí mật. Mặc dù, việc xác minh giải quyết tố cáo nhiều khi thuộc trách nhiệm của cơ quan, đơn vị khác, song với trách nhiệm của đơn vị tiếp nhận tố cáo của người dân thì bộ phận tiếp công dân cũng phải có trách nhiệm trong việc giữ gìn thông tin về người tố cáo.
Ba là, việc đảm bảo nguyên tắc kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tại nhiều nơi chưa đảm bảo.
Một số nơi chưa xây dựng và niêm yết công khai nội quy, quy chế tiếp công dân, lịch tiếp của Thủ trưởng đơn vị; việc đùn đẩy trách nhiệm; tình trạng hướng dẫn công dân khiếu nại, tố cáo không đúng nơi quy định vẫn xảy ra; việc tiếp công dân ở cấp xã vẫn còn nhiều bất cập về địa điểm, nội quy và lịch tiếp công dân; việc đầu tư, bố trí mua sắm trang thiết bị cho nơi tiếp công dân ở nhiều nơi thuộc cấp huyện, cấp xã còn khó khăn về kinh phí; chất lượng đội ngũ làm công tác tiếp công dân chưa được kiện toàn và củng cố đúng mức.
Bốn là, vẫn còn có công chức chưa thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, thiếu trách nhiệm, thiếu bản lĩnh; chất lượng tham mưu, đề xuất các vụ việc chuyển các cục, vụ thuộc Thanh tra Chính phủ chưa cao; phối hợp, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện chưa được thường xuyên, kết nối thông tin chưa đầy đủ, chưa đảm bảo nguyên tắc kịp thời trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư.
3. Một số giải pháp, kiến nghị nhằm thực hiện có hiệu quả các nguyên tắc tiếp công dân
3.1. Một số giải pháp
Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên trong thực hiện các nguyên tắc tiếp công dân cần phải triển khai đồng bộ một số giải pháp sau:
- Nâng cao nhận thức của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cán bộ thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của các nguyên tắc trong tiếp công dân.
- Nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp dân.
- Đổi mới cơ chế tiếp công dân nhằm gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong hoạt động tiếp công dân.
- Tăng cường sự giám sát, kiểm tra hoạt động tiếp công dân.
- Tổng kết thực tiễn việc tiếp công dân, việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân.
- Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, cán bộ phục vụ công tác tiếp công dân.
3.2. Một số kiến nghị
Đối với Chính phủ:
- Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm trong tiếp công dân, thể chế hóa một số nội dung vào nguyên tắc tiếp công dân.
- Xây dựng chế độ đãi ngộ thỏa đáng về lương, thưởng, cơ hội học tập, thăng tiến rõ ràng, minh bạch, tạo động lực làm việc, cống hiến và phấn đấu cho các cán bộ làm công tác tiếp dân.
- Xây dựng tiêu chuẩn đầu vào đối với đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân để lựa chọn những cá nhân có đủ năng lực, phẩm chất để thực hiện công tác tiếp công dân.
Đối với Thanh tra Chính phủ:
- Thường xuyên đẩy mạnh việc tuyên truyền pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo qua các kênh như báo chí, phát thanh truyền hình, các hội thảo, hội nghị, xuất bản ấn phẩm,... xây dựng các chuyên mục về tuyên truyền pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo trên Báo Thanh tra, Tạp chí Thanh tra, trên cổng thông tin điện tử của Thanh tra Chính phủ, trên Trang tin điện tử của Viện Khoa học Thanh tra, Báo Thanh tra, Trường Cán bộ Thanh tra.
- Trung tâm Thông tin và các đơn vị phối hợp sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu chung về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để đưa vào phục vụ công tác của ngành.
- Vụ Tổ chức cán bộ và Trường Cán bộ Thanh tra chuẩn hóa tài liệu giảng dạy cho các lớp nghiệp vụ tiếp công dân; xây dựng kế hoạch bồi dưỡng định kỳ các quy định của pháp luật về tiếp công dân; mở các lớp đào tạo một số kỹ năng cho cán bộ tiếp công dân.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm trong việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân nhằm đảm bảo các quy định pháp luật về tiếp công dân, các nguyên tắc trong tiếp công dân được tuân thủ, bảo đảm thực hiện.
Đối với Ban Tiếp công dân Trung ương và các cấp:
- Ban Tiếp công dân Trung ương và các cấp cần tổ chức tổng kết hoạt công tác tiếp công dân theo định kỳ 6 tháng và 1 năm, đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động tiếp công dân. Trên cơ sở đó, có các kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về tiếp công dân và các nguyên tắc trong hoạt động tiêp công dân.
- Đảm bảo trang thiết bị, cán bộ phục vụ công tác tiếp công dân.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân có đủ năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của hoạt động tiếp công dân./.
CN. Nguyễn Đăng Hạnh - Viện Khoa học Thanh tra
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
[1] Từ điển Từ và Ngữ Việt Nam, GS Nguyễn Lân, trang 1292
[2] Từ điển Tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, trang 894
[3] Từ điển Luật học, Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp, trang 568
[4] Hà Nội (233), Hà Nam (42), Hải Phòng (33), Bắc Giang (29), Hưng Yên (27), Tiền Giang (25), thành phố Hồ Chí Minh (23), Thái Bình (22), Nam Định (22), Vĩnh Phúc (21), Quảng Ninh (21), Hải Dương (20), Bắc Ninh (18), Long An (14), Thanh Hóa (13), Tây Ninh (13), Lào Cai (13), Phú Thọ (12), An Giang (12), Đồng Nai (11), Thái Nguyên (10), Ninh Bình (10), Bình Dương (09), Bến Tre (09), Bình Phước (08), Nghệ An (07), Lai Châu (07), Kiên Giang (07), Hà Tĩnh (07), Đắk Lắk (05), Bạc Liêu (05).
[5] Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2015 của Ban Tiếp công dân TW.
[6] Báo cáo của Thanh tra Chính phủ về công tác tiếp công dân