Tố cáo - một kênh quan trọng để phát hiện tham nhũng
Tố cáo là quyền cơ bản của công dân được ghi nhận tại Hiến pháp Việt Nam và là kênh đặc biệt quan trọng giúp cơ quan Nhà nước tiếp cận thông tin, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Khoản 1 Điều 30 Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân…”.
Pháp luật Việt Nam đã ghi nhận quyền của người tố cáo nói chung và người tố cáo tham nhũng nói riêng tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau, như: Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo năm 2011; Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2007 và 2012, Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành…
Việc ghi nhận, luật hóa và đảm bảo thực hiện quyền tố cáo của công dân thể hiện chế độ dân chủ của Nhà nước Việt Nam, thực hiện xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Với mục tiêu tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân và phương châm mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các vấn đề quốc kế dân sinh phải để cho dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Trong quá trình thực hiện quyền làm chủ của mình, công dân phát hiện ra những vi phạm, những hành vi trái pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào thì đều có quyền thông báo cho cơ quan, người có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm đó để có biện pháp xử lý, ngăn ngừa và khắc phục hậu quả xảy ra.
Để phòng, chống tham nhũng hiệu quả, ngoài việc vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng thì vai trò tố giác của người dân giữ một vị trí rất quan trọng. Luật Phòng, chống tham nhũng của Việt Nam ghi nhận tố cáo và giải quyết tố cáo là một trong ba nhóm biện pháp phát hiện tham nhũng (Mục 3, Chương 3, Luật Phòng, chống tham nhũng 2005, sửa đổi, bổ sung 2007, 2012).
Điều 64 quy định: “Công dân có quyền tố cáo hành vi tham nhũng với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Người tố cáo phải tố cáo trung thực, nêu rõ họ, tên, địa chỉ, cung cấp thông tin, tài liệu mà mình có và hợp tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo. Người tố cáo mà cố tình tố cáo sai sự thật phải bị xử lý nghiêm minh, nếu gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Sự cần thiết phải có cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng
Trong những năm qua, người dân đã biết phát huy quyền dân chủ trong đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật, nhân dân không còn thờ ơ với công việc của Nhà nước, ý thức được trách nhiệm của mình và biết đấu tranh góp phần ổn định trật tự xã hội, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Đặc biệt là trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã xuất hiện nhiều cá nhân tiêu biểu, đại diện cho đông đảo quần chúng nhân dân tích cực trong việc phản ánh, lên án, tố cáo các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nơi sinh sống, công tác và làm việc, góp phần to lớn vào việc ngăn ngừa và từng bước đẩy lùi tệ nạn tham nhũng ở nước ta.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn nhiều vấn đề đặt ra trong việc thực hiện quyền tố cáo đối với tham nhũng của công dân. Nhiều người tỏ ra e ngại việc tố cáo tham nhũng, bởi họ sợ gánh chịu hậu quả. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do thiếu cơ chế bảo vệ nên nhiều người tố cáo tham nhũng cảm thấy đơn độc và bị cô lập.
Thực tế phản ánh còn nhiều hiện tượng “mũ ni che tai”, không phản ánh, tố cáo những vi phạm pháp luật khi những vi phạm đó không ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của mình vì sợ liên lụy đến bản thân. Thậm chí, có nhiều vụ việc vi phạm pháp luật trực tiếp xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình nhưng công dân cũng không dám tố cáo vì đối tượng sử dụng các thủ đoạn che giấu hành vi vi phạm bằng cách mua chuộc, đe dọa và thực hiện các hành vi bạo lực khiến cho công dân hoang mang, lo sợ. Đặc biệt, đối với các hiện tượng tham nhũng thì tâm lý này có phần còn nặng nề hơn vì những đối tượng tham nhũng là những người có chức vụ, quyền hạn, địa vị và ảnh hưởng trong xã hội, thường ở “thế mạnh”, còn người “tố cáo” thì thường lại ở “thế yếu”.
Đến nay, dù chưa có cơ quan, đơn vị nào có báo cáo hoặc thống kê chính thức về tình hình đe dọa, xâm hại đối với người tố cáo nhưng qua nghiên cứu, tổng kết một số vụ việc xảy ra, có thể xác nhận những tác động của người vi phạm hoặc thân nhân của họ như mua chuộc, đe dọa, gây thiệt hại là có thật và là nguyên nhân dẫn đến một số vụ án hình sự không được làm rõ hoặc không được xử lý triệt để và dẫn đến các kết quả tiêu cực khác.
Từ những thực tế như trên cho thấy, muốn người dân tích cực, chủ động thực hiện quyền tố cáo thì người tố cáo, người thân của người tố cáo phải được bảo vệ khỏi những đe dọa, trù dập.
Ảnh minh họa (Internet)
Cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng hiện nay
Theo tinh thần tại Điều 33 Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) mà Việt Nam là thành viên thì để bảo vệ người tố giác tham nhũng, cần phải xác định được người tố giác và những mối nguy hiểm mà họ có thể gặp phải, bao gồm nguy cơ đe dọa về danh dự, nhân phẩm, kinh tế, sự nghiệp… và xác định khả năng đền bù hoặc bồi thường cho người tố giác. Vì vậy, các biện pháp nhằm hạn chế và xử lý những đe dọa, đối xử bất công đối với người tố giác cần phải đa dạng, tương xứng với mức độ nguy hiểm. Các văn bản quy phạm pháp luật cần xác lập một cơ chế hiệu quả để bảo vệ người tố cáo và đảm bảo khả năng thực thi.
Như vậy, bảo vệ người tố cáo tham nhũng là một yêu cầu quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Việt Nam là quốc gia thành viên của UNCAC đã và đang nỗ lực để hoàn thiện chế định này nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Nghị quyết số 04/NQ-TW ngày 21/8/2006 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định: “Bảo vệ, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí” và trong Văn kiện Đại hội Đảng XII đặt ra 1 trong 10 nhiệm vụ quan trọng là: “Xây dựng và thực hiện tốt cơ chế khuyến khích và bảo vệ tổ chức, cá nhân phát hiện tố cáo tham nhũng, lãng phí”, đã đánh dấu sự phát triển mới về bảo vệ người tố cáo tham nhũng phù hợp UNCAC.
Hiện nay, trong Hiến pháp Việt Nam, pháp luật về tố cáo, pháp luật hình sự cũng như pháp luật về phòng, chống tham nhũng đều có những quy định về bảo vệ người tố cáo nói chung và tố cáo tham nhũng nói riêng.
Khoản 3 Điều 30 Hiến pháp 2013 quy định: “Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác”.
Luật Tố cáo năm 2011 (từ Điều 34 đến Điều 39) đã quy định 14 hành vi bị nghiêm cấm xâm phạm đến quyền của người tố cáo. Nghị định số 76/2012/NĐ-CP ngày 3/10/2012 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật này. Tuy nhiên, pháp luật tố cáo chỉ đưa ra những quy định chung nhất về người tố cáo, người bị tố cáo, thẩm quyền giải quyết tố cáo, trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo… Còn các vấn đề cụ thể liên quan đến tố cáo và giải quyết tố cáo hành vi tham nhũng cần căn cứ vào Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn.
Khoản 2 Điều 65 Luật Phòng, chống tham nhũng 2005 (sửa đổi, bổ sung 2007, 2012) quy định: “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khi nhận được tố cáo hành vi tham nhũng phải xem xét và xử lý theo thẩm quyền; giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin khác theo yêu cầu của người tố cáo; áp dụng kịp thời các biện pháp cần thiết để bảo vệ người tố cáo khi có biểu hiện đe doạ, trả thù, trù dập người tố cáo hoặc khi người tố cáo yêu cầu; thông báo kết quả giải quyết tố cáo cho người tố cáo khi có yêu cầu”.
Nghị định số 59/2013/NĐ-CP ngày 17/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng tiếp tục bổ sung một quy định về bảo vệ người tố cáo: “Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm thực hiện các biện pháp để bảo vệ người tố cáo. Việc bảo vệ người tố cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo”.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã dành riêng một chương (Chương XXXIV) về bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, người bị hại và người tham gia tố tụng khác. Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm áp dụng biện pháp bảo vệ trong trường hợp cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng xác định được tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm hại do việc cung cấp chứng cứ, tài liệu, thông tin liên quan đến tội phạm.
Những nội dung bảo vệ người tố cáo, gồm:
- Đối tượng được bảo vệ, bao gồm: Người tố cáo và người thân thích của người tố cáo; việc bảo vệ người tố cáo được thực hiện tại tất cả những nơi có thể ảnh hưởng đến người tố cáo, bao gồm: Nơi cư trú, công tác, làm việc, học tập, nơi có tài sản của người cần được bảo vệ hoặc những nơi khác do cơ quan có thẩm quyền quyết định.
- Các biện pháp bảo vệ người tố cáo, có 3 nhóm biện pháp chính, bao gồm: Bảo vệ bí mật thông tin người tố cáo; bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các quyền nhân thân khác của người tố cáo và người thân thích của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm của người tố cáo, người thân thích của người tố cáo.
- Phương thức bảo vệ người tố cáo, có 4 phương thức bảo vệ người tố cáo chủ yếu như sau: Bảo vệ bí mật thông tin về người tố cáo, bảo vệ tại nơi công tác, làm việc là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan Nhà nước, bảo vệ người tố cáo tại nơi cư trú và bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người tố cáo.
- Cơ quan bảo vệ người tố cáo: UBND các cấp có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo đối với trường hợp bảo vệ người tố cáo tại nơi cư trú. Các cơ quan có chức năng bảo vệ người tố cáo bao gồm: Cơ quan có trách nhiệm giải quyết tố cáo; cơ quan công an nơi người tố cáo, người thân thích của người tố cáo cư trú, làm việc, học tập; cơ quan công an nơi có tài sản của người tố cáo hoặc người thân thích của người tố cáo; tổ chức công đoàn cơ sở, cơ quan quản lý lao động hoặc cơ quan có thẩm quyền khác ở địa phương. Pháp luật cũng quy định trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan này với nhau và với cơ quan, tổ chức hữu quan khác trong việc thực hiện các biện pháp bảo vệ người tố cáo.
Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi năm 2015 không có quy định cụ thể về cơ quan có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo, mà chỉ có quy định về cơ quan có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ đối với người được bảo vệ (người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác) là cơ quan điều tra của CAND và cơ quan điều tra trong QĐND. Ngoài ra, Viện KSND và TAND có thể đề nghị cơ quan điều tra trực tiếp thụ lý vụ án hình sự ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ khi cần thiết.
Luật Phòng, chống tham nhũng tuy là văn bản luật chuyên ngành nhưng hiện nay cũng chỉ quy định trách nhiệm của các cơ quan, người có thẩm quyền trong việc bảo vệ người tố cáo tham nhũng một cách chung chung.
Có thể nói, chính sách hoàn thiện pháp luật về bảo vệ người tố cáo ở nước ta rõ ràng đã có sự phát triển mới, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước trong việc xử lý những người có hành vi cản trở việc thực hiện quyền tố cáo cũng như trả thù người tố cáo tham nhũng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, có thể nói, Việt Nam chưa có một quy chế riêng bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Các quy định của pháp luật của Nhà nước về bảo vệ người tố cáo tham nhũng hiện nay được đánh giá mới chỉ là nguyên tắc, chưa cụ thể, phân tán nhiều văn bản pháp luật có hiệu lực khác nhau và thiếu tính thống nhất. Một số quy định về bảo vệ người tố cáo còn nhiều bất cập, khó thực hiện, chưa hiệu quả trên thực tế nên khó đi vào cuộc sống. Thiếu những văn bản quy định cụ thể cơ chế và các biện pháp bảo vệ người tố cáo hiệu quả trong trường hợp họ bị trả thù, trù dập. Do đó, trong thời gian tới, cần phải tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng đúng với quan điểm chính trị và các đạo luật phù hợp với yêu cầu của thời kỳ hội nhập sâu kinh tế quốc tế./.
Ths. Nguyễn Thị Lê Thu