Trong những ngày cuối tháng 11/2017, tại những điểm sạt lở trên tuyến tỉnh lộ 433 từ TP Hoà Bình đi Đà Bắc, các công nhân Đoạn Quản lý đường bộ I – Sở GTVT tỉnh Hòa Bình vẫn đang khẩn trương tiến hành sửa chữa các sự cố sạt lở do mưa lớn trong tháng 10 vừa qua gây ra.
Mặc dù tính đến nay đã hơn 1 tháng, nhưng những gì thiên tai gây ra đối với giao thông trên tuyến đường này đến nay vẫn chưa thể hồi phục như trước. Theo đồng chí Lê Tuấn Tuyến, Giám đốc Đoạn Quản lý đường bộ I, hiện nhiều đoạn tuyến trên tỉnh lộ 433 đã được khắc phục, đảm bảo cho các phương tiện tham gia giao thông an toàn. Tuy nhiên, để đảm bảo triệt để, với tiến độ thi công như hiện nay phải đến trung tuần tháng 12/2017 mới có thể cơ bản khắc phục đối với bước 1, tức là thu dọn toàn bộ đất đá tất cả các điểm đã bị sạt lở trên tuyến. Đối với bước 2, về lâu dài cần phải có kinh phí nhằm kè đá phần taluy âm, dương tại những điểm xung yếu hay bị sạt lở mới có thể yên tâm đối với giao thông trên tuyến.
Đoạn Quản lý đường bộ I – Sở GTVT tỉnh Hòa Bình khẩn trương khắc phục đất đát sạt lở
trên tuyến tỉnh lộ 433, đoạn km 55+500 xã Tân Pheo (Đà Bắc).
Thống kê trên toàn tỉnh, đợt mưa bão tháng 10 vừa qua, các tuyến đường giao thông trung ương uỷ thác cho Sở GTVT Hoà Bình quản lý gồm các tuyến đường quốc lộ bị hư hỏng nặng nề. Tổng số điểm sạt lở taluy dương, đất đá tràn ra đường lên đến 150 điểm với tổng khối lượng sạt lở khoảng 60.000m3, có 19 điểm tắc đường; 20 điểm taluy âm sạt lở, sạt lở trên 315m. Ngoài ra, hư hỏng, xói lở nền, mặt đường khoảng 2km; Trên các tuyến có đến 8 vị trí ngầm và 2 vị trí cầu bị hư hỏng... Kinh phí khắc phục nhằm đảm bảo giao thông lên đến trên 42 tỷ đồng
Trên các đường tỉnh do Sở GTVT Hòa Bình quản lý đối với các taluy dương có đến trên 600 điểm bị sat lở, đất đá tràn ra đường. Tổng số khối lượng sạt lở vào khoảng 390.000m3; có đến 300 điểm tắc đường, 76 điểm sạt lở taluy âm, khối lượng sạt lở trên 2.000m. Toàn các tuyến đường có 10 điểm đứt đường do sạt lở đất đá. Dự tính kinh phí khắc phục và sửa chữa các tuyến đường bị hư hỏng lên đến gần 240 tỷ đồng.
Còn theo thống kê các huyện, thành phố, tổng kinh phí để khắc phục hệ thống đường giao thông do UBND cấp huyện, xã quản lý lên đến 300 tỷ đồng.
Theo đồng chí Bùi Đức Hậu, Phó Giám đốc Sở GTVT Hòa Bình, cho biết, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Bộ GTVT, Sở GTVT Hòa Bình đã phối hợp với lực lượng chức năng như công an, bộ đội,các sở, ngành, địa phương cấp huyện, xã khẩn trương khắc phục tình hình. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ huy động tối đa thiết bị, máy móc, vật tư và nhân lực nhằm tiêu thông xe trong thời gian sớm nhất. Tính đến đết ngày 25/10, tuyến đường tỉnh còn tắc đường cuối cùng là đường tỉnh 432 đã tạm thông xe hoàn toàn. Theo đánh giá, các giải pháp xử lý đã được triển khai thực hiện nhằm khắc phục hậu quả lũ, bão, đảm bảo giao thông.
Bên cạnh đó, đơn vị chức năng đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại tất cả các vị trí có nguy cơ mất an toàn giao thông do sạt lở. Rào chắc tại các taluy âm sạt lở cũng được tăng cường, lắp đặt.
Đối với các vị trí hư hỏng nền, mặt đường cũng như công trình ngầm, cống trên tuyến, các đơn vị trong ngành đã huy động nhiều nhân lực, máy móc, vật tưm, phu tùng nhằm sửa chữa nhanh nhất có thể. Đặc biệt đối với nền đường, mặt đường, công trình thoát nước đảm bảo an toàn giao thông. Các vị trí ngầm bị xói hàm ếch đã được đơn vị chức năng dùng rọ thép đá hộc kè, chèn đảm bảo tạm thời thông xe.
Sở GTVT Hòa Bình đã đề xuất UBND tỉnh đề nghị Bộ GTVT hỗ trợ 3.000 rọ thép, 200m dầm bailey và 70 tỷ đồng phục vụ công tác khắc phục hậu quả thiên tai.
Để đảm bảo kinh phí cũng như đẩy nhanh công tác khắc phục hậu quả lũ bão trên các tuyến giao thông trong tỉnh bước 2, ngoài việc tập trung nhân lực, phương tiện..,Sở GTVT Hòa Bình đã kiến nghị Bộ GTVT và Quỹ bảo trì đường bộ tiếp tục hỗ trợ kinh phí lên đến cả trăm tỷ đồng nhằm có điều kiện khắc phục hậu quả lũ bão. Đồng thời, quan tâm đến kinh phí cải tạo, nâng cấp các tuyến vị trí ngầm trọng yếu thường xuyên bị ngập nước trên địa bàn.