
Sáng 27/5, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, QH tiếp tục thảo luận tại Hội trường về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2008; tình hình thực hiện kế hoạch KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2009 trong những tháng đầu năm.
Nội dung được nhiều ĐBQH nhấn mạnh là Chính phủ cần bổ sung căn cứ cho việc điều chỉnh chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, bội chi ngân sách của năm 2009. Theo ĐB Lò Văn Muôn (Điện Biên), những căn cứ được Chính phủ đưa ra chưa đủ cơ sở chắc chắn giúp ĐBQH tự tin biểu quyết. Trong đó, chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2009 ở mức 5% là một thách thức lớn trong điều kiện kinh tế thế giới biến động, có nhiều rủi ro. Điều chỉnh chỉ tiêu bội chi ngân sách từ 4,82% lên không quá 8% là quá cao, nếu không kiểm soát tốt việc sử dụng vốn đầu tư sẽ để lại nhiều hệ lụy. ĐB Phương Hữu Việt (Bắc Ninh) cho rằng, cần củng cố hệ thống nghiên cứu, phân tích thống kê để thực hiện công tác dự báo tốt hơn, hỗ trợ Chính phủ đưa ra các chỉ tiêu ổn định, để hạn chế việc phải điều chỉnh lại Nghị quyết của QH. Giải trình trước QH về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết: Trong bối cảnh kinh tế biến động cần thiết phải có những giải pháp tình thế đặc biệt để vượt qua khó khăn và chủ động, linh hoạt, kịp thời trong điều hành. Điều hành kinh tế theo các chỉ tiêu được Chính phủ đưa ra sẽ bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, việc tăng mức bội chi sẽ tạo nguồn chi cho cả ngân sách Trung ương, địa phương đã được QH, HĐND các địa phương quyết định.
Các ĐBQH cơ bản tán thành với việc Chính phủ đã nhanh chóng triển khai các giải pháp an sinh xã hội, dù điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn chế và phải ứng vốn để ngăn chặn suy giảm kinh tế. Tuy nhiên, theo ĐB Trịnh Thị Nga (Phú Yên), việc triển khai một số chính sách đã nảy sinh nhiều bất cập và chưa tạo chuyển biến rõ nét. Do vậy, phải tiến hành rà soát, kiểm tra việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội để khắc phục các bất cập, tăng hiệu quả, tạo sức lan tỏa cho các chính sách. ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) đề nghị: Chính phủ cần tăng cường các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, trước mắt, sẽ can thiệp chủ động cho thị trường lao động tích cực hơn như: phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, ngăn chặn thất nghiệp... Đồng thời, giảm thiểu rủi ro cho người lao động thông qua các loại hình bảo hiểm, bao gồm tăng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội và sớm thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân. Chính phủ cũng cần bảo đảm trợ giúp xã hội tích cực chủ động, coi đó như một “bà đỡ” cho người nghèo.
Các ĐBQH cũng cho rằng gói kích cầu sử dụng lượng vốn lớn từ ngân sách Nhà nước, là tiền đóng thuế của nhân dân. Cần rà soát đối tượng được thụ hưởng, để xác định đúng địa chỉ cần đầu tư, tránh tình trạng đầu tư dàn trải. ĐB Nguyễn Văn Ba (Khánh Hòa), Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị, QH và Chính phủ cần tăng cường giám sát, kiểm tra để vốn kích cầu thực hiện đúng mục tiêu. Bởi thực hiện gói kích cầu đã đưa một lượng tiền lớn vào lưu thông, nếu không kiểm soát chặt chẽ sẽ khiến lạm phát trở lại, phát sinh các tiêu cực như tham nhũng, thất thoát, xin - cho. Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cho rằng, sử dụng gói kích cầu cũng nên đặt trong quan hệ giữa yêu cầu trước mắt và yêu cầu sau suy giảm kinh tế, với tầm nhìn trung và dài hạn, cấu trúc lại nền kinh tế. Vốn kích cầu cần được sử dụng nhiều hơn cho yêu cầu phát triển nông thôn, nông nghiệp; Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, thủy lợi; Đầu tư cho cơ sở hạ tầng của ngành giáo dục, y tế; Phát triển những vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn.
Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, QH đã thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2007.
Theo Báo cáo thẩm tra về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2007 (do Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Năm, QH Khóa XII), một trong những tồn tại của công tác quản lý, điều hành ngân sách nhà nước năm 2007 là số kết dư ngân sách địa phương và số chi chuyển nguồn sang năm sau lớn, tiếp tục tăng cao trong khi bội chi ngân sách nhà nước và dư nợ của ngân sách cấp tỉnh lớn làm ảnh hưởng đến hiệu lực và hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước. Tại phiên thảo luận, ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh), ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên Huế), ĐB Bùi Thị Hòa (Đăk Nông), ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội)... nhất trí với nhận định này và cho rằng, đây là tồn tại đã được ĐBQH phản ánh nhiều lần trên nghị trường các Kỳ họp QH, nhưng chuyển biến chưa được nhiều. Đáng chú ý hơn là số chi chuyển nguồn năm sau có xu hướng cao hơn năm trước. Nếu năm 2005, số chi chuyển nguồn chiếm 16% so với tổng chi ngân sách nhà nước, thì năm 2006, con số này đã lên tới 20% và năm 2007 là 23,3%. Thực tế, năm 2007, trong điều kiện ngân sách nhà nước Trung ương thâm hụt phải đi vay để bù đắp bội chi, thì ngân sách địa phương lại có kết dư và chi chuyển nguồn lớn sang năm sau. Bên cạnh đó, hầu hết các địa phương thu không đủ chi, phải nhận bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương hoặc đi vay để bổ sung đầu tư, nhưng lại có kết dư ngân sách, chuyển nguồn lớn. Ví tồn tại này giống như việc có tiền trong túi, nhưng không thể lấy ra để tiêu mà phải mượn bạn bè, ĐB Đồng Hữu Mạo cho rằng, tình trạng này làm giảm hiệu lực, hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước và làm tăng nghĩa vụ trả nợ lãi của ngân sách nhà nước. Để xảy ra tình trạng này có trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương. Nhưng sâu xa hơn, phải chăng cũng bắt nguồn từ cơ chế, chính sách và quy định pháp luật về ngân sách nhà nước- ĐB Đồng Hữu Mạo băn khoăn- nếu liên quan đến quy định pháp luật, thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung thuộc về QH. ĐB Phạm Thị Loan đề nghị, cần xem xét lại quy định liên quan đến chi chuyển nguồn trong Luật Ngân sách nhà nước theo hướng không cho phép chi chuyển nguồn để bảo đảm hiệu quả hiệu lực, sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, trước khi QH ban hành Luật Ngân sách nhà nước theo hướng cho phép các địa phương chi chuyển nguồn sang năm sau, xảy ra hiện tượng, cuối năm, các địa phương tranh nhau “chạy chi” (tìm cách để chi hết tiền ngân sách đã được phân bổ). Tuy nhiên, sau khi Luật Ngân sách nhà nước ra đời, cho phép các địa phương được chi chuyển nguồn, các địa phương đã bớt hẳn hiện tượng chạy chi và số tiền năm trước không tiêu hết được chuyển nguồn sang năm sau để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT- XH ở địa phương. Theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, về lâu dài, cần nghiên cứu để có kế hoạch ngân sách nhà nước trung hạn (3- 5 năm). Có như thế việc điều hành ngân sách sẽ không bị cắt khúc như hiện nay.
ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên), ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội)... băn khoăn về hiệu quả quản lý và sử dụng vốn ngân sách nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. ĐB Đỗ Mạnh Hùng cho rằng, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, mặc dù được giao nắm giữ một lượng vốn nhà nước lớn, nhưng lại chưa thể hiện được vai trò, vị trí là lực lượng chủ đạo, trụ cột trong phát triển kinh tế của đất nước. Cụ thể là năm 2007, trong khi thu từ khu vực công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh vượt 12,7% so với dự toán; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư ngoài nước vượt 4% so với dự toán, thì thu từ doanh nghiệp nhà nước chỉ đạt 93% so với dự toán. Nếu không được nghiên cứu, xử lý, hiệu quả sử dụng vốn nhà nước thấp sẽ làm giảm vai trò và uy tín của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước. ĐB Đỗ Mạnh Hùng đề nghị: Trong thời gian tới, QH cần tăng cường giám sát việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và cần có kết luận rõ ràng cũng như các giải pháp nhằm tăng tính hiệu quả sử dụng vốn nhà nước của doanh nghiệp nhà nước, khẳng định được vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp này đối với nền kinh tế
Người đại biểu nhân dân