Với quan điểm là toàn bộ mạng lưới GTVT của tỉnh phải được gắn kết thành một hệ thống thống nhất, hình thành mạng lưới liên hoàn kết nối các vùng kinh tế động lực trong tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đảm bảo mối liên hệ với hệ thống GT của vùng, cả nước, đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh đến năm 2020 UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế (TTHuế) đã có Quyết định số 230/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch phát triển GTVT tỉnh đến năm 2020.
Đường sắt và Hàng không
Giai đoạn 1 đến 2010 giữ nguyên tuyến đường sắt hiện có, nâng cấp ga Huế và ga Lăng Cô thành ga trung tâm để phục vụ khách du lịch, dịch chuyển ga Hương Thủy về khu công nghiệp Phú Bài, dịch chuyển ga Phò Trạch về phía Nam để phục vụ KCN Phong Điền, dịch chuyển ga Thừa Lưu về phía Nam (gần khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô), xây dựng tuyến đường sắt vào khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô.
Giai đoạn 2 từ 2010 đến 2020 xây dựng thêm tuyến ĐS vành đai về phía Tây để các đoàn tàu không có tuyến Huế không cần phải đi qua TP, tuyến ĐS này không được đi gần các khu di tích lịch sử, văn hoá và không được phá vỡ cảnh quan đôi bờ sông Hương.
Sân bay Phú Bài
Tuyến ĐS cao tốc Bắc - Nam định hướng xây dựng dịch về phía Tây TP Huế tránh xa các di tích lịch sử, văn hoá. Sân bay Phú Bài giữ nguyên vị trí như hiện nay, đầu tư, nâng cấp, mở rộng đạt tiêu chuẩn sân bay quốc tế.
Đường bộ
Mạng lưới GTĐB trên địa bàn tỉnh TT-Huế gồm mạng lưới GT đối ngoại, đối nội và các công trình vượt sông Hương. UBND tỉnh cho biết, mạng lưới GT đối ngoại với tuyến QL1A hiện tại cơ bản giữ nguyên 2 làn xe, chỉ thực hiện cải tạo, sửa chữa. Đoạn La Sơn- Lăng Cô thực hiện xây mới, nâng cấp, cải tạo theo quy mô 4 làn xe và xây dựng 2 hầm đường bộ Phú Gia, Phước Tượng. Đường cao tốc Bắc - Nam thực hiện theo quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc VN.
Đường Hồ Chí Minh thực hiện theo quy hoạch tổng thể đường HCM đã được Chính phủ phê duyệt. QL 49A đến năm 2010 nâng cấp, mở rộng đoạn từ QL1A đến ngã ba Bốt Đỏ dài 78km thành đường cấp III; Giai đoạn 2010- 2020 nâng cấp, mở rộng đoạn từ ngã ba xã Hồng Vân đến cửa khẩu quốc tế S3 dài 9km trở thành đường cấp III.
QL 49B đến năm 2010 nâng cấp toàn tuyến (89km) đạt cấp IV, hoàn thành cầu Ca Cút qua phá Tam Giang; Giai đoạn 2010- 2020 nâng cấp đoạn từ cầu Thuận An đến cầu Tư Hiền trở thành đường cấp III, dọc theo tuyến QL 49B xây dựng hoàn chỉnh một tuyến mới đi sát biển phục vụ quốc phòng và kinh tế đạt tiêu chuẩn đường cấp III. QL 14 cũ đoạn từ A Đớt đến cửa khẩu quốc tế S10 dài 7,5km đến 2020 sẽ được mở rộng, nâng cấp thành đường cấp III.
Mạng lưới GT đối nội, các tuyến đường trong TP Huế thực hiện theo quy hoạch đô thị và lộ giới các tuyến đường trong TP được UBND tỉnh phê duyệt. Các tuyến đường tỉnh đến năm 2010 hoàn thành nhựa hoá hoặc bê tông hoá toàn bộ hệ thống đường tỉnh, cải tạo, nâng cấp đạt từ cấp V trở lên; Giai đoạn từ 2010 đến 2020 sẽ nâng cấp toàn bộ hệ thống đường tỉnh đạt từ cấp IV trở lên, tải trọng công trình trên tuyến tương đương H30- XB80.
Riêng đối với các tuyến đường QL, theo quy hoạch phát triển đô thị, trong đó ưu tiên chỉnh trang, nâng cấp các tuyến đường nội đô, xây dựng mới các trục đường hướng trung tâm TP có quy mô là đường trục chính đô thị với số làn xe từ 4- 6 làn, kết hợp xây dựng một số tuyến đường vành đai, đường ven đô.
Đối với hệ thống GT cấp huyện và xã quản lý đến năm 2020 hoàn thành bê tông hóa GTNT toàn tỉnh đạt tiêu chuẩn đường GTNT tối thiểu loại B, cấp tải trọng cho tuyến và công trình tối thiểu tương đương H8. Riêng về các công trình vượt sông Hương, ngoài các công trình cầu hiện có trên sông Hương như cầu Tuần, Bạch Hổ, Phú Xuân, Trường Tiền, Chợ Dinh, Thảo Long, quy hoạch thêm những vị trí mới như: công trình vượt sông trên đường vành đai 3, cầu đường bộ Bạch Hổ, cầu qua Cồn Hến…
Đường thủy
Theo Sở GTVT TT-Huế, sẽ hình thành tuyến vận tải cao tốc trên biển theo quy hoạch của Bộ GTVT. Các tuyến GT đường sông và đầm phá giữ nguyên như quy hoạch phát triển đường sông đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt, đầu tư xây dựng để 2 tuyến Phá Tam Giang- Đầm cầu Hai dài 74km và tuyến sông Hương từ cửa Thuận An đến ngã ba Tuần dài 34km thành trục GT chính.
Xây dựng Cảng Thuận An đến 2020 sẽ tiếp nhận tàu 5.000DWT, năng lực 1,5 triệu tấn/năm. Cảng Tư Hiền phát triển thành cảng cá chuyên dụng. Cảng Chân Mây đến 2020 sẽ nâng số cầu cảng lên 6 bến với tổng chiều dài bến đạt 1.350m, đảm bảo đón được tàu 50.000 DWT với lượng hàng thông qua đạt 6 triệu tấn/năm.
(Theo GTVT)