Sớm khắc phục bất cập trong tổ chức giao thông trên Quốc lộ 1A, đoạn Bắc Ninh

Thứ sáu, 29/05/2009 16:44
Quốc lộ 1A qua địa phận Bắc Ninh dài 20km (từ km132+ 200 đến km152+ 234) đã 6 năm đưa vào khai thác, sử dụng, song công tác tổ chức giao thông vẫn còn nhiều bất cập. Hệ thống biển báo hiệu đường bộ vừa thiếu vừa chưa đúng, khiến cả người tham gia giao thông và người thi hành công vụ khó phân định cụ thể việc chấp hành hay đã vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông xảy ra.
Quốc lộ 1A qua địa phận Bắc Ninh dài 20km (từ km132+ 200 đến km152+ 234) đã 6 năm đưa vào khai thác, sử dụng, song công tác tổ chức giao thông vẫn còn nhiều bất cập. Hệ thống biển báo hiệu đường bộ vừa thiếu vừa chưa đúng, khiến cả người tham gia giao thông và người thi hành công vụ khó phân định cụ thể việc chấp hành hay đã vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông xảy ra.
Quốc lộ 1A đoạn qua TP Bắc Ninh
Căn cứ Điều lệ báo hiệu đường bộ 22TCN- 237-01 thì, hệ thống biển báo hiệu đường bộ bắt buộc phải được cắm đầy đủ trên tất cả các tuyến đường, nhằm giúp người dân hiểu và thực hiện đúng Luật Giao thông đường bộ khi lưu thông trên đường. Mỗi tuyến đường sẽ áp dụng các loại biển báo khác nhau, sao cho phù hợp với mức độ khai thác cho phép. Luật là thế, nhưng với Quốc lộ 1A, đoạn Bắc Ninh, hệ thống biển báo rất bất cập. Phải chăng vì vậy mà có dư luận “CSGT Bắc Ninh hiểu nhầm biển báo”.
Bất cập ở đây thể hiện trong cắm biển báo, hiệu lực của biển và thiếu một số biển báo hiệu cần thiết khác… như Báo Bắc Ninh đã đưa trong bài “CSGT Bắc Ninh hiểu nhầm biển báo, phải chăng nguyên nhân từ nhiều phía!”.
Một sự bất cập nữa khiến người tham gia giao thông cũng như người thi hành công vụ lúng túng trong chấp hành và thực thi Luật. Đó là theo quy định của Luật Giao thông đường bộ: Trên đường có nhiều làn xe chạy thì biển báo hiệu phải được áp dụng cho từng làn xe, nhưng ở Quốc lộ 1A, đoạn Bắc Ninh lại cắm biển báo hiệu tốc độ chung chung cho tất cả các loại
phương tiện trong khi mặt đường có vạch kẻ quy định cho từng loại xe lưu thông.
Đối với xe ô tô con, xe du lịch có thể chạy tốc độ tối đa 80km/h. Còn các loại phương tiện thông thường, độ an toàn luôn thấp hơn như xe mô tô, ô tô sơ mi rơ-mooc, ô tô chuyên dùng… thì Quyết định số 05/2007/QĐ-BGTVT của Bộ trưởng Bộ GTVT về tốc độ của xe cơ giới tham gia giao thông trên đường bộ cũng đã quy định: Tốc độ tối đa cho phép 60km/h áp dụng cho đường ngoài khu vực đông dân cư. Qua đây, có thể thấy  biển báo hiệu tốc độ treo ở 2 đầu Quốc lộ 1A, đoạn Bắc Ninh là chưa chuẩn xác, gây ảnh hưởng không nhỏ tới người tham gia giao thông, cũng như công tác bảo đảm trật tự ATGT trên tuyến.
Anh Nguyễn Minh Thái chủ phương tiện ô tô BKS 20K-4413 thường xuyên lưu thông trên Quốc lộ 1A cho rằng: “Căn cứ theo Luật Giao thông đường bộ mà tôi đã học thì biển báo thông tin tốc độ như vậy là chưa hợp lý, bởi cả quãng đường dài hàng chục cây số với rất nhiều ngã rẽ mà không thấy có biển nhắc lại quy định tốc độ. Tôi cũng như nhiều lái xe khác, không biết chạy tốc độ bao nhiêu là đúng. Khi thì chạy theo quy định của biển báo ở đầu tuyến, khi lại chạy theo cảm nhận của lái xe trên đường”. 
Rõ ràng với tình trạng cắm biển báo hiệu như trên thì người tham gia giao thông “không biết đường nào mà lần”. Những người đi từ các ngã rẽ ra Quốc lộ sẽ phải căn cứ vào đâu để chấp hành tốc độ trên đường khi không có biển nhắc lại thông tin tốc độ? Đối với loại phương tiện tham gia giao thông kể cả mô tô dưới 70cm3, xe thô sơ… (vì không có biển cấm đi vào đường Quốc lộ ở một số ngã rẽ) sẽ phải làm thế nào để đạt tốc độ tối thiểu 60km/h, chưa nói đến tốc độ tối đa 80km? Một số người dân lưu thông bằng mô tô, xe gắn máy cũng khẳng định là không thể chạy với tốc độ cao như vậy, sẽ rất nguy hiểm, tai nạn giao thông ắt xảy ra. 
Để đối chứng với Quốc lộ 1A, đoạn Bắc Ninh, chúng tôi đã khảo sát  Quốc lộ 1A, đoạn Pháp Vân- Cầu Giẽ (Hà Nội) dài 30km. Cả đoạn có hệ thống biển báo hiệu đường bộ rất đầy đủ, quy định rõ đây là đường cao tốc với 4 đường nhánh nhập làn. Trên cả đoạn nói chung và các điểm nhập làn nói riêng đều lắp đặt đầy đủ hệ thống biển báo hiệu đường bộ như biển báo quy định tốc độ cho từng làn xe trên đường, biển ưu tiên, biển cấm đỗ… Các biển báo đó cùng với một số biển báo khác đều đựơc nhắc lại ở các ngã rẽ, giúp người tham gia giao thông hiểu và chấp hành. Tại sao với  Quốc lộ 1A, đoạn Bắc Ninh các đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức giao thông lại không làm được điều này?
Bố trí, hoàn thiện hệ thống biển báo hiệu đường bộ là góp phần đưa Luật vào cuộc sống, vừa bảo vệ tài sản, tính mạng cho người tham gia giao thông và bảo đảm trật tự ATGT, vừa phát huy tác dụng của con đường trong giao lưu, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Với Quốc lộ 1A, đoạn Bắc Ninh do bố trí không hợp lý, thiếu biển báo hiệu, biển báo không chính xác cũng là một trong những nguyên nhân gián tiếp dẫn đến tai nạn giao thông.
Theo thống kê chưa đầy đủ thì từ năm 2006 lại đây đã có 34 vụ tai nạn giao thông xảy ra trên Quốc lộ 1A, đoạn Bắc Ninh, làm chết 38 người. Trong đó, do lái xe chủ quan phóng nhanh, vượt ẩu, tự gây tai nạn 15 vụ, làm chết 17 người. Điển hình như vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại km138+H478, ngày 16-5-2009 làm 2 người chết vừa bị khởi tố. Nếu không sớm khắc phục những bất cập về hệ thống biển báo hiệu đường bộ để người dân, người thực thi công vụ biết, chấp hành thì nguy cơ tăng cao các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng như trên vẫn có thể tái diễn.
Đã đến lúc, các cơ quan quản lý Nhà nước về giao thông, các cơ quan hữu trách về cắm biển báo hiệu, phân luồng giao thông và cơ quan thực thi Luật phải thẳng thắn nhìn nhận lại trách nhiệm của mình để cùng vào cuộc đồng bộ và quyết liệt, nhằm từng bước hoàn thiện công tác tổ chức giao thông trên Quốc lộ 1A, đoạn Bắc Ninh.
Được biết các cơ quan chức năng ở địa phương cũng đã có kiến nghị nhiều lần về khắc phục bất cập biển báo hiệu đường bộ, nhưng đến nay mọi sự vẫn “án binh bất động”. Giải thích vấn đề này, đại diện của Công ty sửa chữa và quản lý đường bộ 240 cho rằng, do họ đã nhận bàn giao quản lý như vậy từ các đơn vị quản lý trước như Công ty sửa chữa và quản lý đường bộ 230, 236… Rõ ràng việc lý giải như trên là một sự né tránh và tắc trách của cơ quan chức năng trong quá trình tổ chức giao thông trên đường.
Không chỉ với Quốc lộ 1A, ngay cả một số tuyến Quốc lộ qua địa bàn Bắc Ninh cũng đang trong tình trạng thiếu hệ thống biển báo hiệu đường bộ. Điển hình là Quốc lộ 18 mới (Bắc Ninh- Nội Bài) vẫn chưa có một biển báo hiệu nào về thông tin tốc độ, khiến người tham gia giao thông cũng như người thực thi Luật không thể biết và thực hiện. Vì vậy đã có nhiều vụ tai nạn giao thông gây chết người xảy ra và nguyên nhân chủ yếu do lái xe tự gây. 
Đã đến lúc Cục Đường bộ Việt Nam phải nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị chức năng xiết chặt công tác tổ chức giao thông trên Quốc lộ 1A, đoạn Bắc Ninh nói riêng và các Quốc lộ khác qua tỉnh nói chung, để người dân cũng như người thực thi Luật biết, chấp hành, nhằm bảo đảm trật tự ATGT cho mỗi con đường, vì bình yên cuộc sống.
 (theo Báo Bắc Ninh)
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:75563
Lượt truy cập: 181.439.038