Nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về vấn đề tham nhũng trong kinh doanh - Thực trạng và một số vấn đề đặt ra

Thứ tư, 08/08/2018 09:10

Tại Việt Nam, những năm gần đây, vấn đề tham nhũng trong nội bộ doanh nghiệp cũng như giữa các doanh nghiệp ngoài nhà nước đã bắt đầu nhận được sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều báo cáo nghiên cứu đã chỉ ra thực trạng, nguyên nhân và giải pháp đẩy lùi tham nhũng trong kinh doanh. Tuy vậy, hiện tượng tham nhũng trong kinh doanh của khu vực ngoài nhà nước (giữa các doanh nghiệp ngoài nhà nước với nhau và trong nội bộ của doanh nghiệp ngoài nhà nước) chưa thực sự được nhận thức đầy đủ, được quan tâm thỏa đáng.

Báo cáo “Hiện trạng tham nhũng trong khu vực doanh nghiệp ở Việt Nam”[1] đã đánh giá hiện trạng tham nhũng (hình thức, cấp độ, quy mô) trong khối doanh nghiệp Việt Nam, đánh giá ảnh hưởng của tham nhũng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tới toàn bộ nền kinh tế - xã hội. Kết quả nghiên cứu cho thấy tham nhũng không chỉ có trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp với khu vực nhà nước mà còn xảy ra giữ doanh nghiệp với doanh nghiệp. Trong quan hệ giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp, các hình thức tham nhũng ít được nhận diện hơn, một phần vì bản thân các doanh nghiệp chưa tự nhận thức được vấn đề này, phần khác vì thực chất tham nhũng giữa các doanh nghiệp với nhau không phổ biến rộng rãi như trong mối quan hệ với cơ quan nhà nước. Theo Báo cáo này, hoạt động thường xảy ra tham nhũng là đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp. Hình thức tham nhũng phổ biến trong khối doanh nghiệp với nhau chủ yếu vẫn là tiền từ việc “lại quả” theo giá trị hợp đồng. Hình thức này cũng được ghi nhận nhiều như một thông lệ trong giao dịch, làm ăn, để giữ mối quan hệ hay thúc đẩy các hoạt động khác như thanh toán, giao nhận hàng hóa, dịch vụ, v.v… Chính sách ưu đãi đối với người phụ trách kinh doanh, đàm phán: các khoản lại quả dưới 5% giá trị hợp đồng. Báo cáo cũng phản ánh một số doanh nghiệp đã nhận diện được hiện tượng tham nhũng trong bản thân nội bộ một doanh nghiệp, xác định được các loại hình doanh nghiệp và các vị trí trong doanh nghiệp có nhiều khả năng xảy ra tham nhũng.

Theo Báo cáo: “Tham nhũng, hối lộ trong hoạt động của doanh nghiệp - Thực trạng và giải pháp” do Thanh tra Chính phủ thực hiện năm 2013 trong khuôn khổ Dự án GI - UNCAC đã đánh giá thực trạng, mức độ tác động của tham nhũng trong hoạt động của doanh nghiệp trong các mối quan hệ: (1) doanh nghiệp với cơ quan nhà nước, (2) doanh nghiệp với doanh nghiệp và (3) nội bộ doanh nghiệp. Báo cáo đưa ra các số liệu minh họa cho nạn tham nhũng trong kinh doanh đã trở nên đáng báo động ở các quốc gia Châu Á trong đó có Việt Nam. Báo cáo nhận định các hành vi gian lận, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong doanh nghiệp tư nhân để tư lợi thực sự là vấn đề mới nổi và ảnh hưởng lớn đến môi trường kinh doanh cũng như xã hội. Điều đáng lo ngại là hành vi đưa hối lộ có thể do doanh nghiệp chủ động thực hiện, việc chủ động liên kết giữa doanh nghiệp và quan chức để có lợi thế kinh doanh được cho là khá phổ biến. Trong mối quan hệ giữa các doanh nghiệp dân doanh, hiện tượng tham nhũng gồm có hối lộ thương mại, gian lận, gửi giá và hình thức tham nhũng phổ biến là nhận hoa hồng. Hiện tượng “gửi giá” trong đàm phán kinh doanh được khẳng định tồn tại tương đối phổ biến. Nhận thức của doanh nghiệp về bản chất của các hành vi này tương đối thống nhất với tỷ lệ 68,6% người được hỏi đồng ý cho rằng các hành vi như nhận hoa hồng, thỏa thuận gửi giá, lại quả đều là hành vi tham nhũng xảy ra ở doanh nghiệp có vốn của nhà nước hay ở doanh nghiệp dân doanh. Báo cáo cho rằng doanh nghiệp dân doanh phải đối phó với các hành vi giống tham nhũng cả bên trong các hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp. Những hành vi cụ thể được nhận diện là thiếu minh bạch và nhận hối lộ trong tuyển dụng lao động, sắp xếp, bổ nhiệm nhân sự, trong việc sử dụng tài sản, phương tiện của doanh nghiệp vào công việc riêng, gian lận trong các khoản mua sắm, chi tiêu của doanh nghiệp, xung đột lợi ích bên trong doanh nghiệp, gian lận trong chi trả và nhận các khoản “hoa hồng” trong quan hệ giữa các doanh nghiệp, báo cáo tài chính không minh bạch... và đều có những đặc điểm nổi bật về lạm dụng quyền hạn công (theo nghĩa quyền hạn của lãnh đạo Doanh nghiệp và cộng đồng cổ đông trao cho) cho lợi ích tư.

Gần đây nhất, trong khuôn khổ Sáng kiến “Xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phòng ngừa tham nhũng”[2], nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều tra nhanh các doanh nghiệp nhỏ và vừa để thu thập ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp về vấn đề tham nhũng nói chung và tham nhũng trong kinh doanh nói riêng. Hình thức điều tra là điều tra trực tuyến dựa trên bộ câu hỏi điều tra chuẩn của nhóm các nền kinh tế lớn (G20) (đã điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam). Sau một tuần phát động (7/2016), nhóm nghiên cứu đã nhận được phản hồi từ 55 doanh nghiệp từ nhiều nhóm ngành nghề kinh doanh khác nhau. Trong số các đối tượng thường hay đòi đưa hối lộ, cuộc điều tra lần này có đưa thêm đối tượng là các doanh nghiệp vào để hỏi. Có đến gần 2/3 số doanh nghiệp (67%) cho rằng họ thường xuyên nhận được gợi ý đưa hối lộ từ các doanh nghiệp đối tác và một tỉ lệ tương tự từ các ngân hàng và tổ chức tài chính, ngân hàng. Điều này một lần nữa khẳng định sự lan tràn ở phạm vi phổ biến của tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước. Nhất quán với các điều tra khác, có đến 75% số doanh nghiệp cho rằng tham nhũng là trở ngại nghiêm trọng đối với hoạt động kinh doanh của họ, bởi các lý do chính là (i) tham nhũng gây tốn kém tiền bạc; (ii) phi đạo đức; (iii) chứa đựng nhiều rủi ro; (iv) không bao giờ chấm dứt; (v) làm mất uy tín doanh nghiệp; và (vi) hủy hoại môi trường kinh doanh (đều có đến trên 85% số doanh nghiệp đồng ý).

Tuy nhiên, cuộc điều tra cũng cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam có rất ít kinh nghiệm xây dựng các biện pháp tự phòng vệ, khi có tới 33% số doanh nghiệp chưa bao giờ ban hành Bộ quy tắc ứng xử, và biện pháp được sử dụng thường xuyên nhất chỉ là xử lý vi phạm (41%, cao hơn nhiều so với tỉ lệ 33% doanh nghiệp sử dụng hình thức khen thưởng các hành vi chuẩn mực) và sử dụng kiểm toán bên ngoài (33%). Điều đáng lưu ý là khi được hỏi về hình thức đối phó với các hành vi đòi hối lộ, có đến 31% doanh nghiệp sẵn sàng đưa hối lộ, 47% doanh nghiệp đưa hối lộ nhưng sẽ thỏa thuận để có một dàn xếp có lợi hơn. Chỉ có trên dưới 1/3 số doanh nghiệp nghĩ đến việc sử dụng các cơ chế chính thức như tìm kiếm sự trợ giúp từ các cơ quan có thẩm quyền hay các hiệp hội, trong khi đa số các doanh nghiệp tìm cách tự giải quyết (54% doanh nghiệp không tham vấn bất cứ ai về cách phòng, chống tham nhũng). Đây cũng là một dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp chưa thực sự tin tưởng vào khả năng bảo vệ hoặc trợ giúp của hệ thống pháp luật, các cơ quan thi hành pháp luật và các hiệp hội kinh doanh trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, các báo cáo mang tính đại diện nêu trên đã đề cập tới kết quả nghiên cứu, khảo sát của nhiều báo cáo khác như: Báo cáo kết quả điều tra xã hội học “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức” do Ngân hàng Thế giới (WB) và Thanh tra Chính phủ thực hiện năm 2012; Báo cáo điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI 2011, CPI 2012); Báo cáo chỉ số hiệu quả quản trị công cấp tỉnh (PAPI 2011, 2012). Có thể thấy một điểm chung của các báo cáo này là sự phản ánh mức độ tham nhũng khá phổ biến và tương đối nguy hiểm của khối doanh nghiệp thuộc khu vực ngoài nhà nước.

Đồng thời, qua một số cuộc phỏng vấn sâu đại diện của các hiệp hội kinh doanh tại Việt Nam như Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính, Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, Eurocham cũng như đại diện của VCCI và đã nhận được ý kiến của đa số xác nhận sự tồn tại đáng lo ngại của loại hình tham nhũng trong kinh doanh ở khối doanh nghiệp ngoài nhà nước. Các hiệp hội kinh doanh này và VCCI đều nhận thấy thực tế chưa thực sự hiệu quả của những thiết chế tự điều chỉnh, tự kiểm soát thực thi trong doanh nghiệp.

Tóm lại, có thể xác định tham nhũng trong kinh doanh là loại hình tham nhũng xảy ra trong các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, do các chủ thể có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức này thực hiện vì tư lợi. Trên bình diện quốc tế, loại hình tham nhũng này được xác định bao gồm tham ô, biển thủ tài sản, hối lộ, gian lận tài chính, kinh doanh nội gián.

Thực tiễn Việt Nam cho thấy loại hình tham nhũng này đã xuất hiện những năm gần đây và đang dần gia tăng, trong đó nổi lên các hành vi có tính chất của tham ô tài sản và nhận hối lộ. Thực tiễn này đang gây ra những tổn thất cho lợi ích của nhà đầu tư, phá vỡ sự ổn định và tính liêm chính, minh bạch của môi trường kinh doanh và cuối cùng là ảnh hưởng tới lợi ích của người tiêu dùng. Nhận thức của doanh nghiệp nói riêng và xã hội nói chung về bản chất của các loại hành vi này thể hiện chúng đang được nhận diện đúng và đang nhận được sự quan ngại của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và của toàn xã hội.

Tuy nhiên, một dấu hiệu rất đáng quan ngại là trong hoàn cảnh hiện nay, đa phần các doanh nghiệp chấp nhận thỏa hiệp với tham nhũng, mặc dù họ nhận thức được tác hại của tham nhũng và thể hiện sự mệt mỏi và đơn độc trong việc ngăn ngừa các nguy cơ tham nhũng. Một trong những lý do của việc doanh nghiệp lựa chọn chiến lược “thỏa hiệp với tham nhũng” là do thiếu sự tin tưởng vào các cơ quan chức năng của nhà nước và các hiệp hội kinh doanh như là những đồng minh đáng tin cậy của họ trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng rất thiếu kiến thức và hiểu biết về các cơ chế và biện pháp phòng ngừa và đối phó với tham nhũng. Nói cách khác, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng trong kinh doanh thông qua các cơ chế tự điều chỉnh của doanh nghiệp ở Việt Nam còn thấp và đây chính là một lí do cho sự điều chỉnh của pháp luật đối với mảng quan hệ xã hội này.

Luật phòng, chống tham nhũng là đạo luật chủ chốt trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng. Cũng có thể nói đây là đạo luật chung về phòng, chống tham nhũng, là nơi quy định những vấn đề chung nhất và nền tảng nhất về hành vi, chủ thể tham nhũng và các biện pháp phòng, chống tham nhũng. Thời gian qua, Thanh tra Chính phủ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu xây dựng Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), trong đó Điều 1 Dự thảo quy định ngắn gọn và khái quát: “Luật này quy định về phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong phòng, chống tham nhũng”. Như vậy so với Luật cũ, dự thảo đã bỏ cụm từ “người có hành vi tham nhũng” nhằm mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật bao gồm cả việc xử lý người có hành vi tham nhũng, xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và xử lý tài sản, thu nhập không được giải trình một cách hợp lý. Đồng thời, người có chức vụ, quyền hạn ngoài những đối tượng theo quy định của Luật hiện hành, Dự thảo đã bổ sung thêm “Người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước”. Quy định này thể hiện tinh thần mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với tổ chức, doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Đây là đội ngũ tham gia vào quá trình ra quyết định hoặc thực hiện quyết định một cách độc lập và vì vậy khả năng thực hiện hành vi tham nhũng của các chủ thể này lớn hơn các chủ thể khác.

Thể hiện sự nhấn mạnh hơn nữa vai trò của doanh nghiệp trong phòng, chống tham nhũng, Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng bổ sung quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác trong việc xây dựng chính sách phòng, chống tham nhũng (từ Điều 110 - Điều 113). Việc xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng có vai trò hết sức quan trọng đối với cả khu vực nhà nước và ngoài nhà nước. Vì vậy, Dự thảo quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc xây dựng quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng trong doanh nghiệp mình (Điều 110); xác định trách nhiệm của doanh nghiệp trong phòng, chống tham nhũng (Điều 111); kiểm soát tài sản, thu nhập của người lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp (Điều 112).

Phòng, chống tham nhũng trong kinh doanh là trách nhiệm không chỉ của các doanh nghiệp mà còn của nhà nước. Với ý nghĩa là một trong những công cụ phòng, chống tham nhũng, vai trò của pháp luật với những định hướng của nhà nước sẽ củng cố thêm quyết tâm của các doanh nghiệp, đồng hành cùng với doanh nghiệp trong hoạt động của họ. 

Với định hướng bước đầu quy định điều chỉnh tham nhũng thuộc khu vực ngoài nhà nước trong đó có tham nhũng trong kinh doanh, Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng chỉ nên quy định giới hạn ở phạm vi các loại hình doanh nghiệp và các đối tượng có nguy cơ cao thực hiện hành vi tham nhũng và có khả năng gây tác hại lớn do hành vi tham nhũng của mình. Việc mở rộng phạm vi khái niệm tham nhũng trong luật cũng như mở rộng phạm vi chủ thể của tham nhũng cũng đồng nghĩa với việc cần có các quy định bảo đảm việc phòng ngừa và phát hiện tham nhũng trong kinh doanh. Mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với tham nhũng trong kinh doanh của doanh nghiệp ngoài nhà nước cần xuất phát từ đặc thù của loại tham nhũng này để có sự xác định mang tính chuyên biệt về hành vi, chủ thể, cơ chế phòng ngừa và cơ chế phát hiện.

Cũng cần xác định việc điều chỉnh bằng pháp luật đối với việc phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước là cần thiết nhưng cần quy định để tạo điều kiện chứ không cản trở sự phát triển của doanh nghiệp, tránh tình trạng hành chính hóa việc phòng, chống tham nhũng ở khu vực này, ảnh hưởng tới quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp./.     

Đậu Thị Hiền                     
Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
[1] thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển (DEPOCEN) năm 2012

[2] do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, với sự tài trợ của Đại sứ quán Anh tại Hà Nội từ Quỹ Thịnh vượng của Vương quốc Anh

Nguồn: Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:73163
Lượt truy cập: 176.223.214