1. Quy định pháp luật về đối thoại và ủy quyền đối thoại trong giải quyết khiếu nại hành chính
Ủy quyền đối thoại trong giải quyết khiếu nại hành chính là việc người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hành chính trao quyền cho người, cơ quan thuộc quyền quản lý của mình đứng ra tổ chức và trực tiếp đối thoại.
Trên thực tế, việc ủy quyền được thực hiện khi phát sinh vụ việc cụ thể cần đối thoại. Nghĩa là việc ủy quyền được tiến hành bằng văn bản và được thực hiện một lần, khi đối thoại được thực hiện trên thực tế thì việc ủy quyền cũng chấm dứt. Chủ thể được ủy quyền thực hiện quyền được ủy thác trong phạm vi vụ việc khiếu nại hành chính đang thuộc thẩm quyền giải quyết của người ủy quyền.
Để có căn cứ cho việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên trong quá trình giải quyết khiếu nại hành chính, Luật Khiếu nại quy định nghĩa vụ của các bên liên quan. Theo đó, tinh thần của Luật Khiếu nại 2011 là:
(i) Đối với giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau thì người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu và hướng giải quyết khiếu nại. Theo đó, trong thủ tục giải quyết khiếu nại lần đầu, việc tổ chức đối thoại không mang tính chất bắt buộc đối với mọi trường hợp. Hoạt động này chỉ phải thực hiện trong trường hợp yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau.
(ii) Đối với giải quyết khiếu nại lần hai, Luật Khiếu nại quy định người giải quyết khiếu nại bắt buộc phải đối thoại. Quy định này nhằm ràng buộc trách nhiệm của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong việc trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người khiếu nại, từ đó ra quyết định giải quyết khiếu nại chính xác, kịp thời.
Như vậy với các quy định hiện hành có thể hiểu rằng, đối thoại là trách nhiệm tùy nghi của người giải quyết khiếu nại lần đầu (chỉ thực hiện khi yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau) nhưng là trách nhiệm bắt buộc của người giải quyết khiếu nại lần hai.
Vấn đề ủy quyền được quy định trong Luật Khiếu nại với tư cách là một trong các nghĩa vụ của người bị khiếu nại “Tham gia đối thoại hoặc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp tham gia đối thoại” được quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 13 của Luật. Các chủ thể khác như người khiếu nại, người giải quyết khiếu nại (lần một và lần hai) không được quy định trong Luật về quyền “được ủy quyền đối thoại” trong quá trình giải quyết khiếu nại.
2. Thực tiễn thực hiện việc ủy quyền đối thoại trong giải quyết khiếu nại hành chính và giải pháp, kiến nghị
Quá trình thực hiện Luật Khiếu nại 2011 từ khi có hiệu lực đến nay, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác giải quyết khiếu nại hành chính, một trong những vấn đề được được đặt ra nhiều nhất là “ủy quyền đối thoại” trong quá trình giải quyết khiếu nại hành chính. Báo cáo kết quả công tác giải quyết khiếu nại hành chính hàng năm đều cho thấy, có nhiều vụ khiếu nại dai dẳng, kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ nhưng không được giải quyết dứt điểm. Trách nhiệm “tổ chức đối thoại” của người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại hành chính không được thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm và hiệu quả trên thực tế. Đánh giá chung là việc tổ chức đối thoại mặc dù được nhìn nhận là có vai trò quan trọng đối với công tác giải quyết khiếu nại hành chính đã không thực sự phát huy được hiệu quả trên thực tế[1].
Một số nguyên nhân của tình trạng này đó là: - Về quy định của pháp luật. Quy định hiện hành về “đối thoại” giữa các văn bản quy phạm pháp luật còn có những điểm bất cập, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, gây khó khăn trong thực tiễn áp dụng.
Một là, đối thoại trong giải quyết khiếu nại lần đầu.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 30, Luật Khiếu nại năm 2011 thì trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau thì người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại với người khiếu nại. Trong trường hợp người bị khiếu nại là người có quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính (theo quy định tại các Khoản 8, Khoản 9, Điều 2 của Luật khiếu nại năm 2011) bị khiếu nại thì họ là người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu. Như vậy, khi thực hiện trách nhiệm tổ chức đối thoại (theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 13 về quyền, nghĩa vụ của người bị khiếu nại) thì họ với tư cách là người bị khiếu nại có nghĩa vụ: “Tham gia đối thoại hoặc uỷ quyền cho người đại diện hợp pháp tham gia đối thoại”; nhưng theo quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 14 thì họ với tư cách là người giải quyết khiếu nại có nghĩa vụ: “Tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan”. Vậy trong trường hợp này thì cán bộ, công chức đóng hai vai vừa là người giải quyết khiếu nại lần đầu vừa là người bị khiếu nại, họ sẽ ủy quyền cho ai là người đại diện hợp pháp của mình tham gia đối thoại theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 13 Luật Khiếu nại? Quy định này đã làm người có quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính hay người được uỷ quyền đối thoại thường bị động và lúng túng khi thực hiện đối thoại... nhất là thực hiện thủ tục đối thoại và hướng giải quyết khiếu nại.
Hai là, đối thoại trong giải quyết khiếu nại lần hai.
Điều 39 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định về tổ chức “đối thoại” lần hai: “Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết khiếu nại tiến hành đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại, hướng giải quyết khiếu nại”. Thực tiễn thực hiện quy định về tổ chức đối thoại trong giải quyết khiếu nại lần hai theo Điều 39 Luật đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc nhất định. Bởi lẽ trên thực tế, người giải quyết khiếu nại lần hai chủ yếu là Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện và Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Những năm qua, đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai của chủ thể này là rất lớn[2] nếu thực hiện đối thoại theo Điều 39 của Luật Khiếu nại thì gặp không ít khó khăn, không khả thi trên thực tế. Để khắc phục những bất cập này, Thông tư 07/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 quy định quy trình giải quyết khiếu nại hành chính của Thanh tra Chính phủ đã quy định: “Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết khiếu nại hoặc người có trách nhiệm xác minh tổ chức đối thoại” (Điều 21). Trên cơ sở quy định này, thủ trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ xác minh khiếu nại có thể giúp người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai; đảm bảo tính kịp thời, tránh tồn động các vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là hai Thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy tình trạng lạm dụng quy định tại Điều 21 của Thông tư 07/2013/TT-TTCP hoặc vi phạm quy định về tổ chức đối thoại trong giải quyết khiếu nại hành chính để không tổ chức đối thoại hoặc để người có trách nhiệm xác minh tổ chức đối thoại diễn ra phổ biến. Hiện tượng “… nhiều vụ việc không tổ chức đối thoại với người khiếu kiện…“tự giải quyết” theo cách của mình dẫn đến vi phạm pháp luật” hoặc “Một số địa phương có lúc chưa chú trọng đến… việc tổ chức đối thoại, thương lượng, hòa giải với nhân dân…”[3] diễn ra nhiều trên thực tế.
Mặt khác, việc quy định “…người có trách nhiệm xác minh tổ chức đối thoại” tại Điều 21 Thông tư 07/2013/TT-TTCP là sự không thống nhất với nội dung tại Điểm c, Khoản 2, Điều 15 Luật Khiếu nại (quy định người giải quyết khiếu nại lần hai tổ chức đối thoại). Việc một văn bản dưới Luật có nội dung quy định không thống nhất với Luật sẽ là không khả thi trong quá trình thực hiện. Bởi vậy, Thông tư 02/2016/TT-TTCP ngày 20/10/2016 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 07/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình giải quyết khiếu nại của Thanh tra Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 05/12/2016) đã sửa đổi, bổ sung quy định này. Theo đó, người giải qụyết khiếu nại phải thực hiện đối thoại khi giải quyết khiếu nại lần hai. Tuy nhiên, có nhiều khó khăn trong việc thực hiện quy định này, trong đó chủ yếu là hạn chế về thời gian của người giải quyết khiếu nại; từ đó, sẽ làm chậm tiến độ giải quyết các vụ việc khiếu nại theo quy định của Luật. Trong khi đó, Luật Khiếu nại và Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 quy định chi tiết một số điều của Luật Khiếu nại của Chính phủ không quy định về việc ủy quyền đối thoại của người giải quyết khiếu nại lần hai nên gây rất nhiều khó khăn cho Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, ảnh hưởng đến hoạt động điều hành kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng.
3. Một số vấn đề đặt ra từ thực tiễn ủy quyền đối thoại và kiến nghị, giải pháp
Thực tế, số lượng các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, huyện là rất lớn. Đặc biệt, với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, số lượng đơn khiếu nại của toàn Thành phố trong một năm cao hơn rất nhiều các địa phương khác. Do vậy, nếu Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố chủ trì đối thoại tất cả các vụ việc thuộc thẩm quyền mình giải quyết thì sẽ mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến hoạt động điều hành kinh tế - xã hội và số lượng đơn từ khiếu nại tồn đọng sẽ tăng do không được giải quyết kịp thời[4].
Trước tình hình đó, Chủ tịch ủy ban nhân dân TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã đề nghị có cơ chế đặc thù riêng cho 02 địa phương này để “chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố sẽ ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao trách nhiệm xác minh nội dung khiếu nại, kiến nghị giải quyết khiếu nại (cơ quan tham mưu) thực hiện đối thoại. Riêng với các vụ việc phức tạp đã qua đối thoại với người đứng đầu cơ quan tham mưu nhưng người khiếu nại chưa đồng ý thì chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố sẽ xem xét, quyết định cho phó chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố tổ chức đối thoại theo quy định của Luật khiếu nại”[5]. Vấn đề đặt ra là:
(i) Có nên chấp nhận cơ chế “ủy quyền đối thoại” cho các địa phương hay không? Nếu cho phép cơ chế “Ủy quyền đối thoại” thì cho phép một số địa phương tùy theo tình hình khiếu nại, tố cáo hay tất cả các địa phương trên phạm vi cả nước? Vì tình hình khiếu nại, tố cáo ở các thời điểm khác nhau là khác nhau, dẫn đến cùng một địa phương thời điểm này có thể số lượng vụ việc khiếu nại, tố cáo ít nhưng thời điểm khác số lượng vụ việc tăng lên, số vụ gay gắt, phức tạp, đông người tăng mạnh?
(ii) Nếu được phép ủy quyền thì ủy quyền đến đâu? “ủy quyền cho chủ thể nào? “Ủy quyền đối thoại” một lần cho một chủ thể hay nhiều lần cho nhiều chủ thể khác nhau trong cùng một vụ việc (như trường hợp đề nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đối với Thủ tướng Chính phủ tại căn bản số 1298/UBND-PCNC ngày 18/3/2013)?
a) Một số vấn đề đặt ra từ thực tiễn ủy quyền đối thoại trong giải quyết khiếu nại hành chính:
Thứ nhất là, về mặt nhận thức. Nhận thức về vai trò, ý nghĩa của đối thoại nói riêng và pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung cũng như trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của các chủ thể có trách nhiệm, thẩm quyền trong giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế. Báo cáo của Ủy ban Pháp luật của Quốc Hội về kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính Nhà nước cho thấy, “nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết kịp thời…. nhiều vụ việc không tổ chức đối thoại với người khiếu kiện, “tự giải quyết” theo cách của mình dẫn đến vi phạm pháp luật”[6]. Hay “Một số địa phương có lúc chưa chú trọng đến… tổ chức đối thoại, thương lượng, hòa giải với nhân dân; chưa tập trung giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo từ cơ sở; chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo lần đầu chưa cao; chưa thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở”[7].. Còn có biểu hiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thủ trưởng cơ quan hành chính một số nơi chưa thực hiện hết trách nhiệm.., xem nhẹ việc tiếp dân và đối thoại. Hiện tượng phổ biến là khi có vụ việc khiếu nại khó khăn, phức tạp, cần đối thoại trong quá trình giải quyết thì Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện thường ủy quyền đối thoại cho cơ quan thanh tra hoặc cơ quan tham mưu, giúp việc để đối thoại. Về phía người ủy quyền thì tư duy “ủy quyền” là hết trách nhiệm và sẽ giải quyết theo hướng cơ quan, đơn vị “được ủy quyền” tham mưu. Với chủ thể “được ủy quyền” vì nhiều lý do khác nhau cả về năng lực, trình độ chuyên môn và ý thức trách nhiệm sẽ “đối thoại” cho có, đối thoại để theo đúng quy trình giải quyết; hoặc không đủ thẩm quyền để đưa ra những quyết sách nhằm giải quyết vụ việc trong quá trình đối thoại nên việc đối thoải chỉ mang tính hình thức. Tình trạng trên dẫn đến, việc đối thoại cứ đối thoại dưới sự ủy quyền của người có thẩm quyền giải quyết nhưng kết quả đối thoại không có nhiều giá trị và không có ý nghĩa quyết định đến kết quả giải quyết khiếu nại hành chính. Việc giải quyết khiếu nại thường là “giải quyết hết thẩm quyền, chưa tập trung giải quyết dứt điểm” vụ việc. Đây chính là một trong những nguyên nhân làm giảm vai trò, ý nghĩa của đối thoại trong giải quyết khiếu nại hành chính, đồng nghĩa với việc hiệu quả của giải quyết khiếu nại hành chính không cao, hiện tượng khiếu nại kéo dài, bức xúc, tồn đọng không được giải quyết triệt để.
Thứ hai là, về quy định pháp luật. Luật Khiếu nại và Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 của Chính phủ, Thông tư số 02/2016/TT-TTCP cũng không quy định và hướng dẫn rõ ràng về cơ chế “ủy quyền đối thoại”. Thực tiễn pháp lý là không cấm nên có thể được ủy quyền đối thoại nhưng không có sự giải thích luật rõ ràng nên vừa gây khó khăn, vướng mắc vừa tạo sự tùy tiện trong quá trình thực hiện.
Thứ ba là, về thực hiện trách nhiệm của chủ thể có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hành chính. Thực tế là, theo quy định hiện hành, chủ thể có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hành chính là chủ thể quản lý hành chính nhà nước. Do vậy, có nhiều công việc cần giải quyết trên nhiều lĩnh vực khác nhau tại địa phương. Đồng thời, bản thân công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo lại nhiều về số lượng vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết, quá trình giải quyết một vụ việc cần nhiều thời gian vật chất, sự đầu tư công sức, sự tham mưu của nhiều cơ quan chuyên môn.
b) Giải pháp, kiến nghị
Từ thực tế đó, để đảm bảo hiệu quả hoạt động đối thoại trong giải quyết khiếu nại hành chính, qua đó nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại hành chính, đặc biệt là giải quyết khiếu nại hành chính từ cơ sở, theo chúng tôi cần:
Một là: nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung về vai trò, tầm quan trọng của đối thoại trong giải quyết khiếu nại hành chính. Đối thoại được quy định trong các văn bản của Đảng và pháp luật của Nhà nước, là một thủ tục trong giải quyết khiếu nại. Đây là tiền đề cơ bản để nâng cao hiệu quả, chất lượng của giải quyết khiếu nại hành chính. Khi người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hành chính và cơ quan, cá nhân, đơn vị có chức năng tham mưu nhận thức đầy đủ vai trò, ý nghĩa của việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân họ sẽ quyết tâm giải quyết vụ việc đến cùng thay vì giải quyết cho hết thẩm quyền như nhiều vụ việc hiện nay. Thực tế đã cho thấy, khi người đứng đầu tại địa phương quyết tâm giải quyết vụ việc khiếu nại hành chính dứt điểm thì sẽ có sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt để đảm bảo giải quyết khách quan, hợp lý, hợp tình dù có ủy quyền đối thoại hay không. Nghĩa là, việc Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối thoại trực tiếp hay ủy quyền đối thoại không thực sự tác động nhiều đến hiệu quả, chất lượng giải quyết khiếu nại hành chính mà là quyết tâm giải quyết vụ việc đến cùng mới là yếu tố quan trọng - như phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại “Hội nghị về công tác giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài” ngày 19/5/2018 vừa qua tại Hà Nội. Từ đó để thấy rằng, việc ủy quyền đối thoại mặc dù có ảnh hưởng nhưng không có vai trò quyết định đến chất lượng, hiệu quả của giải quyết khiếu nại hành chính mà là quyết tâm của người đứng đầu, người có thẩm quyền giải quyết vụ việc khiếu nại hành chính mới là yếu tố quyết định. Vì vậy, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức có nhiệm vụ giải quyết khiếu nại hành chính nói chung và đặc biệt là ý thức trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước trong giải quyết khiếu nại hành chính là yếu tố then chốt quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại hành chính.
Hai là, hoàn thiện quy định pháp luật về đối thoại và ủy quyền đối thoại nhằm tạo cơ sở pháp lý cụ thể, rõ ràng cho việc thực thi chế định này.
- Về giải quyết khiếu nại lần đầu: Luật Khiếu nại nên quy định theo hướng người có quyết định hành chính và hành vi hành chính bị khiếu nại không được ủy quyền cho người đại diện hợp pháp tham gia đối thoại trong giải quyết khiếu nại lần đầu. Trong trường hợp Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước trực tiếp ra quyết định thành lập tổ xác minh hoặc đoàn xác minh nội dung khiếu nại thì Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước sẽ trực tiếp là người tiến hành đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
- Về giải quyết khiếu nại lần hai: Thực tế đặt ra yêu cầu cần có một quy định khung cho phép “ủy quyền đối thoại” về nguyên tắc cho Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong Luật Khiếu nại. Theo đó, Luật quy định về mặt nguyên tắc là đối với những vụ việc phức tạp, đông người, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, qua nhiều thời gian, người giải quyết khiếu nại lần hai phải trực tiếp đối thoại. Còn đối với những vụ việc khác, người giải quyết khiếu nại lần hai được phép “ủy quyền đối thoại” cho cấp phó hoặc người đứng đầu cơ quan chuyên môn được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại để tổ chức đối thoại. Việc ủy quyền được thực hiện bằng văn bản và chỉ được ủy quyền một lần. Nghĩa là nếu đã ủy quyền đối thoại nhưng vụ việc vẫn không tìm được sự đồng thuận, đồng tình từ phía người khiếu nại thì không được phép ủy quyền tiếp mà phải trực tiếp đối thoại để giải quyết vụ việc. Chủ thể được ủy quyền có thể là cơ quan tham mưu (thường là cơ quan thanh tra tỉnh) hoặc Phó Chủ trịch phụ trách. Bên cạnh đó, để ràng buộc trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại hành chính thì văn bản ủy quyền phải thể hiện rõ người ủy quyền phải là Chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp chứ không phải “thay mặt Ủy ban”.
Bên cạnh việc hoàn thiện quy định về đối thoại, ủy quyền đối thoại, cần nghiên cứu, quy định chế tài áp dụng đối với người đứng đầu, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hành chính khi không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm quy đinh về ủy quyền đối thoại nói chung và đối với tình trạng tồn đọng, kéo dài các vụ việc khiếu nại hành chính tại địa phương
TS. Phạm Thị Huệ
Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
[1] Xem Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo các năm từ 2012 đến nay và Báo cáo “Tình hình, giải pháp giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp” năm 2018 của Thanh tra Chính phủ
[2] Số lượng vụ việc KN thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội trung bình khoảng 400-500 vụ việc/năm. Tại thành phố Hồ Chí Minh, đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND TP là 1133 đơn/năm; tính bình quân một tháng phải giải quyết gần 100 vụ.
[3] Theo Báo cáo số 2804/BC-UBPL13 ngày 14/11/2014 của Ủ ban Pháp luật của Quốc hôi về “Kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước”
[4] Ví dụ: công tác giải quyết KNTC và đặc thù của Thủ đô, một năm, TP Hà Nội đối thoại trên dưới 1.000 vụ, cộng cả tiếp dân theo định kỳ và thường xuyên thì đó là một con số rất khổng lồ… Số lượng các vụ việc tương tự ở TP. Hồ Chí Minh trung bình là 100 vụ/tháng.
[5] Văn bản số 1298/UBND-PCNC ngày 18/3/2013 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về việc ủy quyền đối thoại trong giải quyết khiếu nại
[6] Báo cáo số 2804/BC-UBPL13 ngày 14/11/2014
[7] Báo cáo số 2804/BC-UBPL13 ngày 14/11/2014