Ảnh minh họa
Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Q. Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải VN cho biết, năm 2018, kết quả hoạt động kinh doanh khối cảng biển tiếp tục tăng trưởng ấn tượng. Tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 96,6 triệu tấn, tăng 10,7% so với năm 2017, doanh thu đạt hơn 5.000 tỷ đồng với lợi nhuận đạt hơn 1.000 tỷ đồng.
Chia sẻ về kế hoạch phát triển cảng biển của Tổng công ty dưới thương hiệu VIMC (tên viết tắt của Tổng công ty Hàng hải VN sau khi chuyển sang CTCP), theo ông Tĩnh, trong giai đoạn ngành vận tải biển còn nhiều khó khăn như hiện tại, cảng biển sẽ là một trong 2 thế chân kiềng chính (cùng lĩnh vực dịch vụ hàng hải) được VIMC chú trọng đầu tư thời gian tới, đặc biệt là các cảng cửa ngõ và cảng nước sâu.
"Đối với cảng Hải Phòng, Tổng công ty sẽ đẩy mạnh hoàn thiện thủ tục để đầu tư 2 bến cảng nước sâu có thể tiếp nhận được tàu container trọng tải đến 8.000 Teus tại khu vực Lạch Huyện. Tại đây, một hệ thống trung tâm logistics năng động cũng sẽ được hình thành, trở thành trạm trung chuyển quốc tế, đưa hàng hóa xuất khẩu của khu vực miền Bắc đi thẳng tới thị trường châu Âu, châu Mỹ. Đây sẽ là bước chuyển quan trọng đưa cảng Hải Phòng vươn ra biển lớn", ông Tĩnh nói và cho biết, tại khu vực phía Nam, VIMC cũng sẽ tận dụng lợi thế cảng Sài Gòn - Hiệp Phước đang có để phát triển hàng hóa XNK.
"Theo quy hoạch, cảng Nhà Rồng - Khánh Hội (thuộc Cảng Sài Gòn, đơn vị thành viên của VIMC) sẽ được di dời ra phía Hiệp Phước. Khu vực này nằm giữa vùng phía Nam của TP. Hồ Chí Minh và biển Đông. Đây sẽ là khu vực tập trung hàng hóa của ĐBSCL và các KCN phía Nam thành phố. Khu cảng Hiệp Phước có thể tận dụng lợi thế của luồng Soài Rạp thay cho luồng Lòng Tàu trước đây. Cảng Sài Gòn sẽ có lợi thế nhờ vị trí trung chuyển hàng hóa thuận lợi", ông Tĩnh phân tích.
Cũng theo ông Tĩnh, hiện tại, cầu cảng số 2 và 3 cảng Sài Gòn - Hiệp Phước đã đi vào khai thác với tổng chiều dài 500m. Còn lại cầu cảng số 1 (chiều dài 300m) dự kiến sẽ được CTCP cảng Sài Gòn - Hiệp Phước hoàn thành và đưa vào sử dụng trong quý 2/2019.
Tại miền Trung, cảng Đà Nẵng sau khi thực hiện cổ phần hóa (2014) cũng đã có sự bứt phá với tốc độ tăng trưởng đạt 12%/năm, lợi nhuận tăng gấp 5 lần so với thời điểm trước CPH.
Theo ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, ngoài việc tiếp tục phát huy thế mạnh mà cảng Đà Nẵng đang sở hữu là khai thác cảng và dịch vụ logistics ngoài cảng, về lâu dài, VIMC sẽ đề xuất đầu tư bến cảng số 1 và số 2 cho Dự án cảng Liên Chiểu với tổng mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng. Đề xuất này sẽ được Tổng công ty thực hiện thông qua CTCP cảng Đà Nẵng. “Nếu đề xuất được chấp nhận, trong tương lai, cảng Liên Chiểu sẽ đóng vai trò quan trọng cho việc san sẻ tàu hàng cho cảng Tiên Sa hiện hữu. Cảng Tiên Sa sẽ được nghiên cứu, đầu tư thành cảng tàu khách chuyên dụng ở khu vực miền Trung”, ông Tĩnh tiết lộ.
Còn tại khu vực ĐBSCL, trong bối cảnh hàng hóa khu vực này đang phụ thuộc quá nhiều vào đường bộ, ngay từ năm 2018, CTCP Cảng Cần Thơ (đơn vị thành viên của VIMC) đã chủ động thuê cảng Sóc Trăng đưa vào khai thác, tận dụng tiềm năng vận tải thủy ở ĐBSCL.
Ông Nguyễn Văn Phương, Tổng giám đốc CTCP Cảng Cần Thơ cho biết, việc đưa vào vận hành cảng Sóc Trăng không chỉ kết nối hàng hóa từ Sóc Trăng và các tỉnh khu vực hạ lưu sông Hậu với các cảng biển thuộc VIMC mà còn tạo điều kiện phát triển mở rộng các chuỗi dịch vụ vận tải thủy nội địa và logistics trọn gói do Tổng công ty Hàng hải VN đang cung cấp tại khu vực này.
“Theo quy hoạch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, cảng Sóc Trăng sẽ trở thành mắt xích quan trọng trong hệ thống vận tải thủy nội địa của vùng ĐBSCL, tạo động lực thu hút các nhà đầu tư tham gia vào cụm công nghiệp Sóc Trăng. Do đó, về lâu dài, cảng Sóc Trăng còn rất nhiều tiềm năng phát triển, khả năng tạo giá trị thặng dư, góp phần nâng cao năng lực chung của hệ thống cảng biển thuộc VIMC là rất lớn”, ông Phương nói.