Nhận diện “tham nhũng vặt” trong công tác đấu tranh PCTN ở Việt Nam hiện nay

Thứ năm, 06/06/2019 08:09

Với 93,2% đại biểu tán thành, ngày 20/11/2018, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 (Luật PCTN 2018). Có hiệu lực từ ngày 01/7/2019, Luật PCTN 2018 có khá nhiều điểm mới nhằm bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.

Cụ thể, Luật PCTN 2018 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với khu vực ngoài nhà nước (đối với các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của nhân nhân hoạt động từ thiện); quy định cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo hướng tăng cường một bước tính tập trung và phù hợp với thực tiễn tổ chức bộ máy nhà nước ta hiện nay, bảo đảm tính khả thi; quy định mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai đến tất cả cán bộ, công chức và một số nhóm giữ chức vụ, chức danh quản lý; đồng thời đổi mới căn bản phương thức kê khai để giảm bớt số đối tượng phải kê khai hàng năm và khắc phục tính hình thức trong thực hiện; bổ sung quy định kiểm tra hoạt động chống tham nhũng trong cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước, cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân; bổ sung quy định thẩm quyền của cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước trong thanh tra, kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng... Đồng thời, Luật PCTN 2018 đã làm rõ khái niệm cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước để việc đấu tranh chống tham nhũng được toàn diện, triệt để hơn.

Khái niệm về “tham nhũng” hiện nay vẫn còn rất nhiều quan điểm khác nhau nhưng xét trên phương diện lăng kính nào cũng có thể thấy một điểm chung, đó là: Tham nhũng gắn với quyền lực và sự tín nhiệm để đoạt lấy lợi ích bất chính. Có thể kể đến một số khái niệm cơ bản như sau:

Theo Điều 2, Công ước 1999 của Hội đồng châu Âu,“Tham nhũng là hành vi đòi hỏi, đề nghị, đưa hoặc nhận hối lộ hoặc một lợi ích khác hoặc hứa hẹn hối lộ hoặc lợi ích khác, trực tiếp hoặc gián tiếp, làm sai lệch sự thực hiện đúng đắn của bất kỳ chức trách hoặc hành vi theo nghĩa vụ nào của người nhận hối lộ, lợi ích khác hoặc hứa hẹn hối lộ và lợi ích khác đó”.

Theo World Bank, cho rằng tham nhũng là sự “lạm dụng quyền lực công cộng nhằm lợi ích cá nhân”; còn theo Tổ chức Minh bạch Thế giới đưa ra khái niệm “tham nhũng là hành vi của người lạm dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc cố ý làm trái pháp luật để phục vụ cho lợi ích cá nhân”.

Ban Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho rằng: “Tham nhũng bao hàm: Hành vi của những người có chức, có quyền ăn cắp, tham ô và chiếm đoạt tài sản của Nhà nước. Lạm dụng chức quyền để trục lợi bất hợp pháp thông qua việc sử dụng các quy chế chính thức một cách không chính thức. Sự mâu thuẫn, không cân đối giữa các lợi ích chính đáng do thực hiện nghĩa vụ xã hội với những món tư lợi riêng”.

Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi” (1).

Tham nhũng là hành vi trái pháp luật của người có chức vụ, quyền hạn hoặc được giao thực hiện công vụ, nhiệm vụ nhưng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc công vụ, nhiệm vụ đó để vụ lợi cá nhân, làm thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân(2).

Tuy nhiên, đến nay chưa có một công trình khoa học nào nghiên cứu bài bản, toàn diện về phạm trù “tham nhũng vặt” và cũng chưa có một khái niệm chính thống nào về “tham nhũng vặt”; mà chủ yếu chỉ mới đề cập tới trong một số ít văn bản hay phát biểu của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Một số nhận định điển hình, đó là:

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong cuộc tiếp xúc với cử tri các quận Ba Đình, Tây Hồ (Hà Nội) sáng ngày 24/11/2018 đã khẳng định tệ tham nhũng vặt không phải chuyện nhỏ. Bên cạnh các vụ án lớn, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng phải tập trung chống tham nhũng vặt vì “nó như ghẻ ruồi rất khó chịu”. Tổng hợp kiến nghị cử tri tại kỳ họp vừa qua cũng cho thấy cử tri còn bất bình vì nạn “tham nhũng vặt” chưa giảm, người dân phải chi trả những khoản chi phí ngoài quy định khi thực hiện các thủ tục hành chính(3).

Sáng 23/11/2018, tại quận Lê Chân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng tiếp xúc cử tri thành phố sau kỳ họp Quốc hội lần thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Tại buổi tiếp xúc cử tri Thủ tướng đã nhấn mạnh: “Tình trạng tham nhũng lớn đang bị nghiêm trị thành công, nhiều cán bộ liên quan đang được xử lý nghiêm. Tuy nhiên, tham nhũng vặt là vấn đề nhân dân rất kêu ca. Đây là thói xấu cần phải lên án, phải vận động, giám sát, không để xảy ra tình trạng đến bệnh viện, trường học, đi xin việc hay việc này việc khác phải phong bì phong bao không lành mạnh(4).

Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đã từng kết luận tại một cuộc họp rằng “Tham nhũng vặt như những ổ mối, nếu ko kiên quyết, quyết liệt thì nó ảnh hưởng tới nhiều thứ, đạo đức, văn hóa(5).

Theo Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Phan Nguyễn Như Khuê khi tiếp xúc với cử tri đánh giá: “Từ các tham nhũng vặt tích lũy dần dần, ăn vặt quen thì thành ăn lớn, thành tham nhũng lớn. Đây cũng sẽ là vấn đề nổi cộm mà Quốc hội sẽ quan tâm tại các kỳ họp tới(6)

Ảnh minh họa 

Hiện nay “tham nhũng vặt” đang diễn ra khắp nơi, thậm chí nhiều đến mức chúng ta đã thấy “quen mắt” và gần như không còn bức xúc, phẫn nộ nữa. Ví dụ như: Cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông phục bắt những lỗi nhỏ của người tham gia giao thông rồi xí xóa cho qua khi được “thông cảm” bằng vài trăm nghìn đồng; cảnh sát giao thông đứng chờ một chỗ nhất định trên quốc lộ yêu cầu dừng tất cả các xe tải, xe khách để thu mãi lộ một vài trăm nghìn đồng/xe. Việc xin học cho con là quyền của cha mẹ được pháp luật bảo hộ nhưng phải có quà cáp hoặc có quan hệ mới xong. Chuyện sinh viên đưa phong bì cho thầy, cô để xin điểm, để hỏi đề thi..., tệ hại hơn chạy trường, chạy lớp, chạy hội đồng chấm luận văn; “Lót tay” ở bệnh viện đã thành “chuyện thường ngày”. Chuyện nộp xong bị trả về làm lại, lại nộp, lại làm lại... xảy ra với không ít người, nhưng nếu kín đáo kẹp mấy trăm nghìn đồng vào hồ sơ, cơ sự có thể khác. “Tham nhũng vặt” tồn tại ở cấp cơ sở (phường, xã, thị trấn), nếu xét dưới góc độ lãnh thổ hành chính; ở các cơ quan, ban, ngành trong hệ thống chính trị (chủ yếu trong các cơ quan hành chính) cấp quận, huyện, tập trung ở những cá nhân trực tiếp quan hệ với công dân. “Tham nhũng vặt” biểu hiện phổ biến nhất ở hành vi của cá nhân nhưng có sự ngầm đồng ý, cho phép của người lãnh đạo trực tiếp, thông qua việc gây khó dễ cho những công dân đến làm việc để gợi ý “bồi dưỡng” cho công việc thuận lợi, nếu không muốn đi lại bổ sung giấy tờ, thủ tục nhiều lần; hoặc biểu hiện ở nhóm nhỏ khi đề ra những phí thu, các khoản phạt trái quy định pháp luật… Nếu tái diễn như vậy, dần dần chúng ta chấp nhận tham nhũng vặt, và hậu quả là thế hệ lớn lên cũng coi nạn tham nhũng, hối lộ vặt đó là đương nhiên, do đó lại nảy sinh ra những công bộc phục vụ dân hách dịch, cửa quyền, sách nhiễu… rất nguy hiểm. Chưa kể đến nạn “tham nhũng vặt” từ manh quần, tấm áo, cân gạo, gói mì của các nhà hảo tâm ủng hộ đồng bào bị lũ lụt còn bào mòn niềm tin của người dân đối với các cơ quan thực thi nhiệm vụ.

Biểu hiện nổi bật của “tham nhũng vặt” chính là “văn hóa phong bì” và nét văn hoá này đã len vào những ngõ ngách của cuộc sống. Với tư duy “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, người ta lặng lẽ công nhận thứ văn hóa này. Thậm chí với nhiều người nó là biểu hiện của ứng xử khôn ngoan. Do đó, “tham nhũng vặt” đang diễn ra từng ngày, từng giờ, không chỉ làm băng hoại đạo đức truyền thống mà nguy hiểm hơn là nó làm mất lòng tin của người dân với những giá trị xã hội, vào chính quyền. Tệ nạn này hủy hoại phẩm chất cán bộ, công chức và làm méo mó hình ảnh của một đất nước đang nỗ lực hội nhập với thế giới.

“Tham nhũng vặt” là sự kết hợp của “Tham nhũng” + “vặt”: “vặt”(7) tức là nhỏ bé, không quan trọng, nhưng thường có, thường xảy ra (như: Chuyện vặt, tiền tiêu vặt, ăn cắp vặt, khôn vặt, hay ốm vặt).

Như vậy, có thể hiểu “Tham nhũng vặt là tham nhũng nhỏ, giá trị vật chất, của hối lộ không lớn, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”.

“Tham nhũng vặt” đang tồn tại bởi nhiều một số nguyên nhân sau:

Thứ nhất, là do tư tưởng của một số cấp lãnh đạo những nơi xảy ra hành vi này coi nhẹ ảnh hưởng của nó với những vấn đề quan trọng như đã nói ở trên, cho rằng bồi dưỡng ít tiền để anh em làm việc thuận lợi hơn…;

Thứ hai, do ý thức đạo đức công vụ, đạo đức đảng viên còn hạn chế, khi những người có hành vi “tham nhũng vặt” không đếm xỉa đến những quy định đạo đức này, hoặc có hiểu, có biết nhưng cố tình không tuân thủ;

Thứ ba, do cơ chế quản lý, đánh giá cán bộ còn nhiều hạn chế, khi “chưa có cơ chế đánh giá phù hợp và thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ”, như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đã chỉ ra và đó cũng là một điều kiện để tình trạng “tham nhũng vặt” tồn tại, bởi những cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, suy thoái về đạo đức nhưng không bị thay thế, lại đảm nhận những vị trí liên quan đến những lĩnh vực nhạy cảm sẽ rất dễ phạm phải sai lầm dẫn đến nhũng nhiễu…;

Thứ tư, do việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát không nghiêm, mang tính hình thức nên không ngăn ngừa, hạn chế được tệ “tham nhũng vặt”. Và những lỗi lầm khi bị phát hiện chỉ nhận hình thức kỷ luật không mang tính răn đe, do đó không ngăn ngừa, hạn chế được vi phạm…

Thứ năm, đó là biểu hiện dễ dãi, được chăng hay chớ, do ảnh hưởng rơi rớt lại của tâm lý tiểu nông, phụ thuộc thiên nhiên - mà biểu hiện rõ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên là tình trạng trung bình chủ nghĩa. Một số cán bộ, đảng viên, từ trong suy nghĩ cho rằng, thời này giỏi, có đạo đức chưa chắc đã được để ý, đánh giá đúng nếu không có quan hệ, không biết “luồn, cúi”; kém về năng lực, vi phạm quy định, đạo đức chưa chắc đã bị xử lý kỷ luật, thậm chí vẫn thăng tiến đều, nếu có “ô dù” che chắn, nâng đỡ.

Do đó, để công tác chống tham nhũng, nhất là tệ “tham nhũng vặt” trong  thời gian tới thực hiện có kết quả, Đảng và Nhà nước đã có nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào các giải pháp đó là:

Một là, xây dựng đội ngũ làm công tác phòng, chống tham nhũng đủ năng lực, có phẩm chất trong sáng. Cần kiên quyết loại khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước (nhất là trong cơ quan phòng, chống tham nhũng) những cán bộ hư hỏng, tham nhũng. Đây là trách nhiệm của cấp ủy đảng các cấp, của ủy ban kiểm tra cấp ủy, thanh tra các cấp. Cần đưa trách nhiệm và kết quả thực hiện nhiệm vụ này vào đánh giá kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị hằng năm của cấp ủy các cấp, các cơ quan, đơn vị trong bộ máy nhà nước.

Hai là, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác phòng, chống tham nhũng. Trong đó có công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên với cấp ủy cấp dưới, chú trọng cấp cơ sở. Nghiêm khắc truy cứu trách nhiệm của tổ chức đảng các cấp, lãnh đạo các cơ quan, địa phương, đơn vị, khi để cán bộ dưới quyền tham nhũng. Điều này đã được quy định rõ trong Điều 8 của Quy định về những điều đảng viên không được làm, nhưng trên thực tế không được thực hiện nghiêm. Tại Phiên làm việc thứ 13 của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu các cơ quan, tổ chức: “Chỉ đạo quyết liệt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương, cơ sở; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc”.

Ba là, hoàn thiện và thực hiện tốt các quy định pháp luật về trách nhiệm và quyền hạn của cán bộ, công chức, viên chức cũng như các quy định về trách nhiệm đảng viên với đội ngũ này. Trong đó, chú trọng “việc thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa tham nhũng”, “tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, nhất là các lĩnh vực có nhiều dư luận tiêu cực, tham nhũng, lãng phí”. Đồng thời, cần “… có cơ chế đánh giá phù hợp và thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ”, cũng như thực hiện “công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình” để ngăn chặn ngay từ đầu một trong những nguyên nhân gây ra tệ “tham nhũng vặt”.

Bốn là, nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân; phát huy vai trò của nhân dân và các phương tiện thông tin đại chúng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tệ tham nhũng nói chung, tệ “tham nhũng vặt” nói riêng. Nhân dân là đối tượng đầu tiên và trực tiếp nhất chịu tệ “tham nhũng vặt”, do đó họ có đủ khả năng nhận ra, phát hiện và đấu tranh chống tệ nạn này./.

Ths. Luật gia Lê Quang Kiệm

Thanh tra tỉnh Đồng Nai

Tài liệu tham khảo:

(1) Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018;

(2) Lê Quang Kiệm (2018), “Sửa đổi, bổ sung khái niệm và chủ thể của tham nhũng góp phần hoàn thiện các quy định về phát triển và xử lý tham nhũng hiện hành”, http://tcdcpl.moj.gov.vn, ngày 30/7/2018;

(3) https://vnexpress.net/thoi-su/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-khong-bao-gio-met-moi-vi-chong-tham-nhung-3843991.html;

(4) https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-tham-nhung-lon-dang-bi-nghiem-tri-tham-nhung-vat-dan-rat-keu-842472.vov;

(5) http://plo.vn/thoi-su/truong-ban-dan-nguyen-quoc-hoi-noi-ve-tham-nhung-vat-792295.html;

(6) http://kinhtedothi.vn/de-tham-nhung-vat-khong-con-dat-song-331043.html;

(7) Từ điển tiếng việt - Viện Ngôn ngữ học, trang số 1103

Nguồn: Tạp chí Thanh tra

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:241613
Lượt truy cập: 176.195.889