Câu hỏi: Thưa anh/chị, Công ty chúng tôi là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ lưu trú. Doanh nghiệp chúng tôi có nhu cầu mua sắm xe dưới 9 cho ngồi để sử dụng cho các mục đích: - Chở khách từ sân bay về khách sạn và ngược lại (không thu phí), - Chở nhân viên cao cấp (giám đốc, quản lý) từ nơi cư trú tới công ty và ngược lại. Theo chúng tôi được biết, doanh nghiệp 100% FDI sẽ không được kinh doanh dịch vụ vận tải. Nhưng theo quy định tại Nghị định 86/2014/NĐ-CP thì: - Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc sử dụng xe ô tô vận tải hàng hóa, hành khách trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi; và - Vận tải người nội bộ là hoạt động vận tải do các đơn vị sử dụng loại xe ô tô chở người từ 09 cho ngồi trở lên để định kỳ vận chuyển cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hoặc học sinh, sinh viên của mình từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc hoặc học tập và ngược lại. Tuy nhiên, các hoạt động nêu trên của chúng tôi sẽ không có thu phí, không vì mục đích sinh lời theo quy định về kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách. Nếu vậy, chúng tôi có phải xin Giấy phép hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng đường bộ không? Mong sớm nhận được phản hồi. Cảm ơn anh/chị!
Trả lời:
- Tại khoản 2 Điều 3 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đã quy định: “Kinh doanh vận tải bằng xe ỏ tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phưong tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi”.
Mặt khác, theo quy định tại Hiệp định chung về Thương mại dịch vụ và các Cam kết gia nhập WTO của Việt Nam quy định như sau: “…kể từ ngày gia nhập, các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa và vận tải hành khách thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh trong đó tỷ lệ vốn góp của phía nước ngoài không quá 49%. Sau 3 năm kể từ khi gia nhập, tùy theo nhu cầu thị trường, được phép thành lập liên doanh để cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa, trong đó tỷ lệ vốn góp của phía nước ngoài không được vượt quá 51% và 100% lái xe của liên doanh phải là công dân Việt Nam”.
Do vậy, tại thời điểm hiện nay khi doanh nghiệp có tỷ lệ vốn góp của phía nước ngoài vượt 51% thì trong Giấy chứng nhận đầu tư không có mã ngành kinh doanh vận tải theo quy định nên không thực hiện được cấp Giấp phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
- Đối với quản lý hoạt động vận tải nội bộ bằng xe ô tô (không kinh doanh vận tải) thì Bộ GTVT đang triển khai thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao tại Khoản 10 Điều 23 của Nghị định đã giao Bộ GTVT. Theo đó Bộ GTVT đang lập hồ sơ trình Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ quy định về quản lý hoạt động vận tải nội bộ bằng xe ô tô (không kinh doanh vận tải).