Về phía cơ quan quản lý nhà nước, còn có đại diện lãnh đạo Vụ Vận tải (Bộ GTVT); các đại diện đến từ Cục Xuất nhập khẩu, Cục Quản lý Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính); Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam… Đặc biệt, cuộc họp còn có sự tham gia đầy đủ của lãnh đạo các Hiệp hội, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, như: Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải Việt Nam; các Hiệp hội ngành hàng như: rau, quả, hồ tiêu, chè, thủy sản gỗ, thép, nhôm, nhựa, dệt may…
Toàn cảnh cuộc họp trực tuyến với gần 180 đại biểu tham dự
Tham dự họp, còn có 10 hãng tàu nước ngoài có tuyến vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu từ Việt Nam đi thị trường Châu Âu, Châu Mỹ, gồm: CMA-CGM, Evergreen, OOCL, COSCO (thuộc Liên minh Ocean), Hapag - Lloyd, ONE, Yang Ming, Huyndai Merchant Marine (thuộc Liên minh T.H.E) và MSC, Maersk (thuộc Liên minh 2M) được chia thành 3 phiên họp, diễn ra trong ngày 03/8 và sáng ngày 04/8.
Thực trạng và giải pháp đối với vấn đề tăng giá cước, thiếu vỏ container rỗng
Trước tình trạng tăng giá cước vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển (đặc biệt là tuyến vận tải đi Châu Âu, Châu Mỹ) và thiếu vỏ container rỗng tại các cảng, Cục Hàng hải Việt Nam và Cục Xuất nhập khẩu đồng chủ trì buổi họp trực tuyến đối thoại giữa cơ quan quản lý Nhà nước, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội, doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các hãng tàu nước ngoài vận chuyển hàng hóa container đi tuyến Châu Âu và Mỹ nhằm minh bạch thông tin giữa các bên, làm rõ các nguyên nhân dẫn đến giá cước tăng. Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cùng chung tay giải quyết; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để duy trì hoạt động vận tải biển, cảng biển, xuất nhập khẩu Việt Nam thông suốt với mức giá tối ưu nhất. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài, không để tình trạng hàng hóa vận tải bằng đường biển bị ách tắc, kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế.
Trao đổi tại cuộc họp, Chủ tịch các Hiệp hội hồ tiêu, Hiệp hội rau quả, Hiệp hội dệt may, Hiệp hội nhựa… đều có ý kiến phản ánh về tình trạng thiếu container rỗng và giá cước tăng cao của các hãng tàu, cũng như hiện tượng hủy chuyến, lên tàu mới báo giá; chính sách giá cước liên tục thay đổi; việc khách hàng khó đặt chỗ trực tiếp với hãng tàu mà phải thông qua các forwarder… Đặc biệt, cơ chế tính phụ phí của các hãng tàu hiện chưa rõ ràng, với nhiều loại phụ phí phát sinh gây bức xúc và khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong khi đó, các hãng tàu cho biết, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu như hiện nay khiến cho các hãng cũng gặp rất nhiều khó khăn và đang cố gắng đảm bảo cho sự ổn định của chuỗi cung ứng hàng hóa. Tại cuộc họp, một số hãng tàu như: CMA-CGM, Evergreen, COSCO… đều khẳng định, không thiếu vỏ container rỗng; các phụ phí được niêm yết công khai trên website. Việc chênh lệch giữa giá cước niêm yết và giá cước thực tế, do yếu tố cung cầu và tùy thuộc sự thương lượng giữa chủ hàng và forwarder. Do đó, các hãng không can thiệp vào việc thỏa thuận này.
Để giải quyết tình trạng bất cập trên, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam kiến nghị Bộ Tài Chính, Bộ Giao thông vận tải xem xét sửa đổi Luật quy định các doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển, phải thực hiện kê khai giá thay vì chỉ quy định niêm yết giá như hiện nay. Một số đại diện khác cũng đề xuất, cần rà soát lại toàn bộ hiện trạng giá cước tại khu vực phía Nam và sớm có sự điều chỉnh để bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Theo đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, thị trường bất ổn trên phạm vi toàn cầu, do đó các doanh nghiệp trong nước, đại lý, hãng tàu có chiến lược định hướng về mặt lâu dài. Về các nội dung liên quan đến phụ phí, đề nghị các doanh nghiệp cung cấp thông tin tới các cơ quan quản lý nhà nước để tiến hành xác minh điều tra nếu có hiện tượng thổi giá làm lũng loạn thị trường. Ngoài ra, đại diện này cũng đề xuất công khai giá theo hình thức điện tử để thuận tiện cho doanh nghiệp trong việc cập nhật thông tin. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề xuất có kênh tiếp nhận thông tin tới Hiệp hội, cơ quan quản lý Nhà nước để có giải pháp mạnh mẽ hơn, như tiến hành làm việc, thanh kiểm tra nhiều hơn.
Tăng cường cơ chế đối thoại, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, hiệu quả
Trên cơ sở các ý kiến trao đổi tại cuộc họp, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đề nghị, các hãng tàu có chính sách rõ ràng; cầu thị, hợp tác để giải quyết tình trạng tăng giá cước ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
“Việt Nam là thị trường tiềm năng đối với các hãng tàu, đo đó chúng tôi không chấp nhận việc các hãng tàu đến kinh doanh nhưng không hợp tác với các doanh nghiệp trong nước vì sự phát triển chung. Do đó, nếu các hãng không có sự hợp tác thì cơ quan quản lý Nhà nước sẽ áp dụng các chế tài thích đáng” - ông Trần Tranh Hải cho biết.
Về các phụ phí và lộ trình tăng giá, hãng tàu chưa có giải trình phù hợp, do đó về mặt lâu dài, các hạng mục này cần đưa vào danh sách quản lý. Đồng thời, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu khẳng định, cơ chế đối thoại này sẽ tiếp tục được duy trì nhiều lần trong năm để các bên có thể trao đổi, hiểu nhau và phối hợp chặt chẽ với nhau hơn. Cục Xuất nhập khẩu sẽlàm việc với Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và đạo đức nghề nghiệp đối với các doanh nghiệp dịch vụ vận tải không tàu.
Phát biểu kết luận 3 phiên làm việc, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Hoàng Hồng Giang gửi lời cảm ơn trân trọng đến gần 180 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý Nhà nước, Hiệp hội, doanh nghiệp, hãng tàu đã dành thời gian tham gia đầy đủ và có những trao đổi sát sườn tại cuộc họp. Theo đó, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Xuất nhập khẩu và các cơ quan liên quan tiếp thu toàn diện các đề xuất, kiến nghị từ các đại biểu tham dự.
“Với sự ghi nhận và ủng hộ của các đại biểu dự họp, trong thời gian tới, các buổi đối thoại trực tiếp sẽ tiếp tục được tổ chức định kỳ nhằm tạo môi trường kinh doanh minh bạch, hiệu quả hơn. Tiếp thu các ý kiến đóng góp tại cuộc họp, các phòng tham mưu, đơn vị trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam sẽ nghiên cứu, rà soát để sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về giá nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp” - Phó Cục trưởng Hoàng Hồng Giang cho biết.
Nỗ lực giải quyết hàng tồn đọng tại Cảng Cát Lái
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp và lây lan nhanh như hiện nay, Chính phủ, các Bộ, ngành và Cục Hàng hải Việt Nam đã và đang nỗ lực để đảm bảo hoạt động hàng hải thông suất, an toàn. Do đó, đề nghị hãng tàu thực hiện đúng quy định về việc công khai minh bạch giá cước vận tải; có những cam kết về lịch trình tàu, chỗ trên tàu và bảo đảm đủ lượng container rỗng để vận chuyển hàng hóa. Trong trường hợp tự cắt tuyến, cắt chuyến, Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam sẽ áp dụng các chế tài để quản lý chặt chẽ. Các chủ hàng nên xem xét làm việc trực tiếp với các hãng tàu để tránh việc tăng giá từ các khâu trung gian; đồng thời có kế hoạch sản xuất nhập hàng sớm để ký kết các hợp đồng dài hạn với các hãng tàu.
Liên quan đến vấn đề hàng tồn đọng tại Cảng Cát Lái, trong những ngày qua, Cục Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và các bên liên quan đang nỗ lực giải quyết; làm việc với từng chủ hàng để thống nhất phương án tháo gỡ khó khăn. Do đó, đề nghị các hãng tăng năng lực phục vụ khách hàng, tạo điều kiện cho các chủ hàng để bố trí rút container ra khỏi cảng. Đồng thời, hỗ trợ tuyên truyền đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu để điều chỉnh thông tin cảng đích Cát Lái về các Cảng: Cái Mép, Hiệp Phước; tăng cường giao dịch điện tử trong thời gian giãn cách xã hội…
Ngọc Hân