Những tháng cuối năm, TP Bạc Liêu tập trung nâng cấp, cải tạo 9 tuyến đường đô thị gồm: Hai Bà Trưng, 30/4, Hà Huy Tập, Lê Văn Duyệt, Đoàn Thị Điểm, Võ Thị Sáu, Phạm Ngũ Lão, Lý Văn Lâm, Hồ Thị Kỷ. Các tuyến đường này có chiều dài ngắn nhất từ trên 160m và dài nhất hơn 1.900m, thuộc các phường 3, 5, 7 và 8. Các công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Bạc Liêu làm chủ đầu tư, với các nội dung cải thiện, nâng cao mặt đường, bó vỉa, nâng cao độ các hố ga đồng bộ với mặt đường…, có tổng mức đầu tư trên 40 tỷ đồng từ ngân sách TP Bạc Liêu giai đoạn 2021 - 2025.
Mục tiêu các công trình nhằm từng bước nâng cấp, cải tạo hoàn chỉnh các tuyến đường thường xuyên bị ngập trong nội ô thành phố, góp phần nâng cấp đô thị TP Bạc Liêu theo hướng xanh - sạch - đẹp, văn minh, từng bước hiện đại, nâng cao chất lượng các tiêu chí của đô thị loại II theo Nghị quyết 03 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP Bạc Liêu (khóa XI). Đồng thời, đáp ứng nhu cầu đi lại, sinh hoạt, mua bán của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội.
Tuyến đường 30/4 (TP Bạc Liêu) đã hoàn thành nâng cấp
Theo chủ đầu tư, việc nâng cấp các công trình trên đa phần đã hoàn thành, chỉ còn tuyến đường Võ Thị Sáu đang thực hiện. Cùng với việc nâng cấp, cải tạo nhiều tuyến đường, TP Bạc Liêu cũng tiến hành duy tu, dặm vá nhiều tuyến đường khác trên địa bàn nhằm đảm bảo tốt hạ tầng đô thị và đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) cho người và phương tiện lưu thông.
Tại các huyện, thị xã khác trong tỉnh, công tác sửa chữa đường đón tết cũng đang hối hả. Hầu hết các địa phương ưu tiên kinh phí để duy tu, dặm vá các tuyến đường hư hỏng, xuống cấp nhằm đảm bảo ATGT, đồng thời đẩy nhanh tiến độ các công trình đang xây dựng trên địa bàn, phấn đấu hoàn trả mặt đường trước ngày 23/1 để phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Ghi nhận tại huyện Hồng Dân, hiện trạng các tuyến đường từ trung tâm huyện đến các xã đã được đầu tư xây dựng mặt đường 3,5m, phục vụ cho xe ô tô đến trung tâm xã, qua nhiều năm sử dụng có một số đoạn bị lún và đường dẫn vào cầu trên tuyến bị sụt lún gây mất ATGT. Trước thực trạng này, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện đã đề xuất sửa chữa các công trình nhằm tạo điều kiện cho người dân lưu thông, trao đổi hàng hóa và đi lại thuận lợi khi tết đến xuân về. Ông Nguyễn Tấn Dững - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hồng Dân, cho biết: “Địa phương đã và đang thực hiện sửa chữa 11 công trình, gồm các tuyến đường: Bình Dân, Phước Hòa (xã Lộc Ninh); tuyến liên xã Lộc Ninh - Ninh Thạnh Lợi, Ninh Thạnh Lợi - Ninh Thạnh Lợi A, Ngan Dừa - Ninh Hòa - Ninh Quới, Vĩnh Lộc - Vĩnh Lộc A và các đường dẫn vào cầu Vàm Chùa, cầu Ông Yểm, cầu treo Dân quân, cầu 10.000 (xã Ninh Thạnh Lợi A), các tuyến đường khu hành chính huyện, đường dẫn vào cầu Gia Viễn”.
Đối với tuyến đường tỉnh Giồng Nhãn - Gò Cát (ĐT977), Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu có văn bản đề nghị Công ty CP Năng lượng Hacom Bạc Liêu và Công ty CP Điện gió Kosy Bạc Liêu khẩn trương khắc phục, sửa chữa hoàn trả lại mặt đường do quá trình vận chuyển vật tư, vật liệu, cấu kiện... phục vụ các dự án điện gió gây xuống cấp. Sở GTVT đã chỉ đạo Đoạn quản lý đường bộ và đường sông Bạc Liêu, các phòng ban chuyên môn phối hợp với 2 công ty khảo sát cụ thể các vị trí cần khắc phục, sửa chữa. Đến nay, phía các công ty đang tích cực tiến hành các công đoạn trải đá dặm vá, láng nhựa mặt đường ở những vị trí hư hỏng, các đoạn lề bị sụt lún, sạt lở nhằm khắc phục đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng từ tương đương trở lên so với kết cấu nền mặt đường trước đây. Dự kiến, việc sửa chữa tuyến đường này sẽ hoàn thành trong tháng 1/2022. Tuyến đường tỉnh Giồng Nhãn - Gò Cát được sửa chữa trước thềm năm mới đã kịp thời đáp ứng mong mỏi của người dân, đồng thời phục vụ tốt nhu cầu đi lại của Nhân dân trong tỉnh.