Đây là dự án giao thông trọng điểm của Hà Nam, khi hoàn thành sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội hai tỉnh Hà Nam, Hưng Yên nói riêng và khu vực vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nói chung. Trong thời gian này, nhà thầu đang tập trung nhân lực, phương tiện thi công công trình, phấn đấu hoàn thành trước kế hoạch hai tháng.
Ngày 26/01/2019, tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đi qua hai tỉnh Hà Nam và Hưng Yên đã hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào khai thác. Công trình đã nhanh chóng phát huy hiệu quả cao, giảm tải cho quốc lộ (QL) 38, QL21, QL21B và phân bố lưu lượng vận tải giữa các tỉnh phía Bắc đến Cảng Đình Vũ (TP Hải Phòng) đi qua Hà Nam, Hưng Yên, không phải qua TP Hà Nội như trước đây. Đặt biệt, tuyến đường đi vào khai thác phát huy tối đa hiệu quả đầu tư và lưu thông khai thác hai đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Doanh nghiệp Xuân Trường đang thi công Dự án thành phần II (giai đoạn 2)
thuộc Dự án đường nối hai cao tốc
Tuy nhiên, giai đoạn 1 của tuyến đường thuộc khu vực tỉnh Hà Nam đang chịu sức ép về mật độ các phương tiện tham gia giao thông nhiều, trong đó chủ yếu xe vận tải hàng hóa, gây ùn tắc giao thông. Việc đầu tư mở rộng Dự án thành phần II (giai đoạn 2) thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình thuộc địa phận tỉnh Hà Nam sẽ góp phần nâng cao năng lực khai thác của tuyến nối 2 cao tốc và nâng cao năng lực các tuyến đường trên địa bàn tỉnh. Dự án có chiều dài 16,5km (từ cầu Thái Hà đến nút giao Liêm Tuyền), quy mô đầu tư hoàn thiện đường ô tô cấp II đồng bằng, bề rộng nền đường 22,5m, 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80 km/h, với tổng mức đầu tư 702,82 tỷ đồng. Thời gian thi công 20 tháng. Dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2023.
Ngay sau khi khởi công ngày 7 tháng Giêng năm Nhâm Dần, Doanh nghiệp Xuân Trường (nhà thầu thi công dự án) đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Ông Nguyễn Văn Thắng, Chỉ huy trưởng công trường thi công Dự án thành phần II (giai đoạn 2) thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, đoạn qua tỉnh Hà Nam cho biết: Với mục tiêu phấn đấu về đích trước 2 tháng, doanh nghiệp đã chỉ đạo các đội tập trung khoảng 500 công nhân thi công liên tục. Đến nay, toàn tuyến đã cơ bản đào xong đất nền, đặt chống thấm, san lấp cát, lu lèn và khoảng hơn 1 tháng nữa sẽ chất xong tải.
Đối với phần cầu vừa khoan cọc móng, vừa đúc dầm bảo đảm khoảng 3 - 5 tháng sẽ thi công xong cầu Châu Giang. Riêng tuyến đường này có khoảng 9 km phải đợi lún nên mất thời gian từ 6 - 9 tháng mới xong phần nền. Đơn vị thi công sẽ phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư bảo đảm thi công liên tục, trong thời gian đợi nền sẽ làm các công đoạn khác để không ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định mục tiêu phấn đấu tỉnh Hà Nam là thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035, trong đó việc “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát huy lợi thế liên kết vùng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, trọng tâm là phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ” là khâu đột phá, nhằm từng bước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đối với khu vực dọc tuyến đường nối hai đường cao tốc, tỉnh Hà Nam đã quy hoạch KCN Thái Hà và Khu công nghệ cao Hà Nam, cùng hàng chục cơ sở sản xuất công nghiệp; khu dịch vụ, thương mại; khu nhà ở, khu đô thị. Đồng thời, khi thực hiện hoàn thành giai đoạn 2 của dự án, UBND tỉnh báo cáo Chính phủ, các bộ, ngành liên quan để tiếp tục đầu tư dự án đường song hành hai bên tuyến nối hai cao tốc đoạn qua địa phận tỉnh Hà Nam bằng nguồn ngân sách tỉnh để bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến.
Triển khai thi công Dự án thành phần II (giai đoạn 2) thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải (Chủ đầu tư dự án thành phần II) tổ chức thực hiện công tác đầu tư theo trình tự quản lý đầu tư xây dựng. Chủ đầu tư, nhà thầu thi công dự án phối hợp với các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn có tuyến đường đi qua tập trung chỉ đạo thực hiện thi công công trình bảo đảm chất lượng, tiến độ và thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng.