Hàng không rốt ráo bàn cách kéo giảm chuyến bay chậm, huỷ

Thứ năm, 14/07/2022 08:55

Sáng ngày 13/7, Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng đã chủ trì buổi họp bàn giải pháp kéo giảm chuyến bay chậm, huỷ.

Thị trường nội địa đang tăng trưởng nóng

Mở đầu cuộc họp, Cục trưởng Đinh Việt Thắng cho biết: Hàng không, đặc biệt là thị trường nội địa đang tăng trưởng trở lại vượt xa mọi dự báo. Khách nội địa qua cảng hàng không trong tháng 6 thậm chí tăng tới 38% so với cùng kỳ 2019, thời điểm trước khi có dịch Covid-19.

Khách đi máy bay đang tăng trưởng mạnh trở lại sau 2 năm gián đoạn vì Covid-19

Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng kỷ lục này, trong bối cảnh hạ tầng hàng không còn hạn chế, nhân sự có nhiều khó khăn sau dịch Covid-19, số lượng chuyến bay chậm huỷ cũng tăng đáng kể, đặc biệt tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

“Nhanh nhất 7/2024 chúng ta mới có nhà ga T3. Sân bay Long Thành cũng phải quý II, III/2025 mới có thể đưa vào khai thác. Hệ thống sân đỗ, đường băng, đường lăn sân bay Tân Sơn Nhất cũng sẽ không được nâng cấp thêm cho đến khi sân bay Long Thành đưa vào khai thác”, ông Thắng nói và nhấn mạnh: Không thể chờ hạ tầng cải thiện rồi mới giảm chuyến bay chậm, huỷ. Hay nói cách khác, trong bối cảnh, điều kiện như vậy, công việc đặt ra là phải tìm cách làm mới, áp dụng công nghệ mới để giảm tối đa tình trạng này, đảm bảo tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân.

Người đứng đầu Cục Hàng không VN cũng cho biết ngay đầu tuần này, ông đã trực tiếp thị sát Đài kiểm soát không lưu và Trung tâm điều phối khai thác (AOCC) Nội Bài, đánh giá thực trạng và nghe báo cáo giải pháp. 

“6 tháng đầu năm 2022, lượng hành khách thông qua các cảng hàng không đạt 40,7 triệu khách, tăng 56,8% so với cùng kỳ 2021.

Trong đó, khách quốc tế đạt 1,8 triệu khách, tăng 904,6%. Khách nội địa đạt 38,9 triệu khách, tăng 52,6%.

Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) đánh giá Việt Nam đứng đầu trong danh sách 25 quốc gia có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới, vượt qua Mexico, Brazil, Nga, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ. Các quốc gia Đông Nam Á như Indonesia đứng thứ 8, Malaysia đứng thứ 9, Thái Lan đứng thứ 24.

Trước đó Cục Hàng không cũng đã lập nhiều đoàn kiểm tra về tình hình chậm huỷ chuyến bay do các Phó Cục trưởng dẫn đầu.

Khẳng định có rất nhiều việc phải làm đồng bộ, từ nhà ga, sân đỗ, cho đến điều hành chuyến bay…, Cục trưởng Đinh Việt Thắng cũng nhấn mạnh quan trọng là phải dám làm, có quyết tâm làm không.

Dẫn ví dụ việc vẫn đang áp dụng phân cách tối thiểu giữa các tàu bay là 5 dặm, ông Thắng cho rằng việc này là “rất lãng phí tài nguyên”. Những bất cập liên quan đến sắp xếp vị trí đỗ tàu bay, thời gian chiếm dụng đường băng… cũng được ông Thắng đề cập đến.

“Rủi ro chỗ nào thì phải đánh giá để loại trừ. Chứ cứ ngồi lo, tự mình không dám làm, không dám mạnh dạn đổi mới thì sẽ khó có thể giải quyết vấn đề gì. Mỗi khâu rút ngắn được một chút, năng lực điều hành sẽ tăng lên, sân bay lưu thoát tốt lên, chậm huỷ chuyến giảm, chuyến bay khai thác nhiều hơn”, ông Thắng nói đồng thời nhấn mạnh: Chúng ta ngồi đây là để bàn giải pháp để hàng không phát triển nhưng chuyến bay chậm huỷ giảm, chất lượng dịch vụ được cải thiện.

“Tuyệt đối không bàn lùi, khó khăn là để vượt qua”, ông Đinh Việt Thắng yêu cầu.

Vừa khảo sát tình hình khai thác tại sân bay Tân Sơn Nhất trở về, Phó Cục trưởng Cục Hàng không VN Hồ Minh Tấn khẳng định tình hình chậm chuyến ở Tân Sơn Nhất trong tháng 6 khá nghiêm trọng.

“Ngoài yếu tố về hạ tầng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm huỷ chuyến. Đơn cử như chuyện xếp chỗ trên bãi đỗ nhưng lại chưa tính đến thời gian khởi hành của tàu bay. Tàu khởi hành trước thì lại đỗ bên trong, đỗ xa hơn. Tàu khởi hành sau thì lại đỗ ngoài. Có những tàu chỉ lăn ra thôi cũng mất 15 - 20 phút”, ông Tấn nói và cho rằng nếu việc xếp vị trí đỗ có được hiệp đồng của cảng, hãng hàng không, kiểm soát không lưu, sẽ tối ưu được thời gian, tăng được năng lực.

Kế đó, ông Hồ Minh Tấn cũng nhắc đến bất cập trong phương thức cấp huấn lệnh đường dài. Có hãng xin trước 30, có hãng lại 20 phút… Thời gian chiếm dụng đường băng của phi công cũng là vấn đề cần quy định, kiểm soát.

“Việc chưa có quy định về thời gian chiếm dụng đường băng cũng là một yếu tố có thể gây chậm trễ”, ông Hồ Minh Tấn nói.

Ở góc độ khác, Phó Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Sơn cho hay: Tình trạng chậm chuyến tại Tân Sơn Nhất thời gian qua có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân do thời tiết xấu.

“Nếu biết chắc Tân Sơn Nhất đang mưa lớn và không thể cất hạ cánh, cho phép tàu bay chưa cất cánh tại các sân bay đi. Bởi vì có bay đi thì đến nơi cũng sẽ phải bay vòng cả tiếng đồng hồ. Hành khách thà đợi ở mặt đất còn hơn phải bay chờ trên trời, tốn nhiên liệu cho hãng hàng không”, ông Sơn nói.

Phía quản lý bay, ông Nguyễn Quý Đôn - Phó Giám đốc Công ty Quản lý bay miền Nam cũng bày tỏ sự nhất trí với việc phi công các hãng phải thực hiện nghiêm ngặt thời gian chiếm dụng đường băng.

“Nhiều máy bay lăn lên đường băng mãi mới chạy đà. Phải khống chế thời gian chiếm dụng đường băng. Mỗi chuyến tiết kiệm vài giây thì slot điều hành cũng tăng đáng kể”, ông Đôn nói.

Đồng quan điểm, ông Bùi Thanh Hà - Trưởng ban không lưu của TCT Quản lý bay VN tiết lộ: Như ở Tân Sơn Nhất, trong lần khảo sát mới đây, một tàu bay B777-300 (loại tàu bay rất lớn) của Singapore hạ cánh, phi công chỉ có 60 giây là thoát li khỏi đường cất hạ cánh. Trong khi các phi công của ta đều phải cần đến gần 70s. Hay như với tàu bay cất cánh, kiểm soát lưu không lưu tận dụng từng giây từng phút để cấp huấn lệnh nhưng sau khi cấp huấn lệnh xong, 10 - 15 giây xong mới thấy tàu bay khởi hành. Rõ ràng là phi công của ta chưa có ý thức về việc tiết kiệm thời gian này….

Cắt giảm chuyến bay nếu chậm, huỷ chuyến không giảm

Phát biểu tại buổi họp, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines Trịnh Hồng Quang khẳng định không hãng hàng không nào muốn chuyến bay của mình bị chậm huỷ. Để giữ uy tín với khách hàng, bản thân hãng hàng không đã phải tìm mọi cách để đảm bảo an toàn, giá hợp lý và đúng giờ. Không hãng hàng không nào muốn mất uy tín với khách.

Tuy nhiên, thị trường đang tăng trưởng trở lại vượt xa mọi dự báo và bản thân các hãng hàng không cũng không tính hết được. Hay nói các khác, các hãng hàng không có bị động trong lập kế hoạch bay do thị trường khôn lường.

“Các hãng không muốn thay đổi lịch bay, không bao giờ muốn giảm slot. Hơn nữa, slot là tài sản, phải kiên quyết sử dụng ở mức độ cao nhất. Càng bay nhiều, càng sử dụng slot nhiều càng nhiều khách, càng có nhiều chuyến bay thì hàng không mới càng phát triển”, ông Quang nói và cam kết hãng sẽ phối hợp tối đa với nhà chức trách để nâng chất lượng dịch vụ, giảm chuyến bay chậm huỷ.

Cũng như vậy, Tổng giám đốc Vietjet Đinh Việt Phương nhấn mạnh: Thị trường nội địa trong tháng 6 tăng 38% so với 2019 mà hệ thống hàng không vẫn vận hành trơn tru, đây là nỗ lực lớn của ngành hàng không. Thế giới cũng đánh giá cao Việt Nam khi có thị trường nội địa tăng nhanh nhất thế giới.

Nhu cầu đi lại của người dân được đảm bảo. Điều này càng có ý nghĩa khi nhìn ra thế giới, các nước Châu Âu, Mỹ phải huỷ hàng trăm ngàn chuyến bay vì hệ thống hàng không không đáp ứng được sau dịch Covid-19.

Chia sẻ với các hãng hàng không, Cục trưởng Đinh Việt Thắng khẳng định để duy trì được mức độ tăng trưởng, đáp ứng được yêu cầu như thế này là cố gắng rất lớn, không phải quốc gia nào cũng làm được.

“Khi khách đi máy bay đông lên, hạ tầng hạn chế, việc ùn tắc, chậm huỷ chuyến là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta cứ ngồi yên chấp nhận. Cứ thử đặt mình ở vị trí hành khách, liệu có chấp nhận được không khi chỉ bay một chuyến ngắn từ TP.HCM đi Cam Ranh, thời gian bay chỉ 45 phút mà chậm tới vài tiếng đồng hồ. Không thể chậm được, phải xốc lại, phải thay đổi, trên tinh thần làm tốt hơn, nâng cao năng lực, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân”, ông Thắng nói và nhấn mạnh: Nếu chúng ta áp dụng triệt để các giải pháp mà chất lượng dịch vụ vẫn giảm, chuyến bay chậm huỷ vẫn nhiều thì cũng phải cắt giảm số chuyến bay. Ngay cả nước Anh cũng đang phải chấp nhận hủy cả trăm nghìn chuyến là vì vậy.

Đi vào những vấn đề cụ thể, ông Thắng chỉ đạo: Với quản lý sân đỗ, VATM, ACV chủ động phối hợp, bàn lại quy chế điều phối sân đỗ, linh hoạt cả theo giờ bay.

Với việc chiếm dụng đường cất hạ cánh, tuỳ từng sân bay phải có quy định cụ thể. Đặc biệt, với Nội Bài, Tân Sơn Nhất, phải đảm bảo hạ cánh xong tối đa 60 giây là phải thoát li. Với cất cánh cũng chỉ được tối đa 30 giây. Tổ bay nào không đáp ứng được quy định này sẽ không cấp phép bay đến những sân bay này.

Với phương thức cất hạ, ông  Đinh Việt Thắng nghiên cứu sớm quyết định rút phân cách tối thiểu tàu bay tại Nội Bài xuống còn 3 dặm.

“Sau cuộc họp này, các đơn vị, các bộ phận cần đưa ra những giải pháp mang tính đột phá, quyết liệt trong phạm vi trách nhiệm của mình, đảm bảo sự phối hợp đồng bộ, linh hoạt, cùng nhau nâng chất lượng dịch vụ”, ông Đinh Việt Thắng yêu cầu.

Khắc phục tình trạng chậm, huỷ chuyến bay, Bộ GTVT vừa yêu cầu Cục Hàng không VN điều phối slot chặt chẽ, từ việc giám sát, quản lý sử dụng slot của các hãng hàng không… đặc biệt tại các sân bay xảy ra tình trạng quá tải như Nội Bài và Tân Sơn Nhất, nhằm tránh ùn tắc trong các khung giờ cao điểm.

Cơ quan này cũng có trách nhiệm tổng hợp, xác định nguyên nhân chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không để đưa ra giải pháp xử lý. Đồng thời, phải công bố công khai định kỳ số liệu chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không.

TCT Cảng hàng không VN và Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn xây dựng kế hoạch khai thác, dây chuyền phục vụ hành khách phù hợp với điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất của các cảng hàng không, đáp ứng được nhu cầu khi lượng hành khách tăng.

Các hãng hàng không Việt Nam được yêu cầu thực hiện nghiêm slot đã được xác nhận theo đúng quy định, cũng như tăng cường xây dựng kế hoạch bay vào khung giờ thấp điểm, ban đêm.

Tuân thủ tuyệt đối các quy định an ninh, an toàn hoạt động vận tải hàng không. Đồng thời, thực hiện mọi giải pháp nhằm giảm tình trạng chậm, hủy chuyến, nâng cao chất lượng dịch vụ, khắc phục triệt để tình trạng chậm, hủy chuyến vì lý do chủ quan.

Nguồn: Báo Giao thông

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:141606
Lượt truy cập: 175.293.602