Lộ giao thông nông thôn ở ấp Giồng Bướm A (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi)
được xây dựng khang trang, thông thoáng
GTNT được nhựa hóa, bê tông hóa
Xác định phát triển hạ tầng GTNT là một trong những yếu tố quan trọng, không chỉ là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mà còn góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân nông thôn. Thời gian qua, huyện Vĩnh Lợi đã tập trung nhựa hóa, bê tông hóa các tuyến GTNT kết nối với các trục liên xã, liên ấp, tạo thuận lợi cho việc đi lại và lưu thông hàng hóa của Nhân dân. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, huyện đã tiến hành thẩm định 36 công trình, với tổng mức đầu tư trình phê duyệt hơn 72 tỷ đồng; ước thẩm định đến cuối năm 2022 là 45 công trình, tổng mức đầu tư dự kiến 120 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do nguồn lực của địa phương có hạn, cộng với địa bàn khá rộng, kênh rạch chằng chịt nên nếu chỉ dựa vào nguồn vốn đầu tư của Nhà nước thì không thể cùng lúc vừa hoàn thành các tuyến đường mới, vừa duy tu, nâng cấp các tuyến đường cũ để đảm bảo hệ thống GTNT thông suốt. Vì thế, huyện triển khai thực hiện bê tông hóa GTNT theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, tích cực tuyên truyền để người dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc mở rộng đường GTNT, nhờ đó người dân đồng thuận hiến đất, đóng góp kinh phí để thực hiện công trình. Đến nay, hầu hết các tuyến đường liên xóm, ấp trên địa bàn huyện đều được bê tông hóa. Bà Nguyễn Việt Nga (ấp Giồng Bướm A, xã Châu Thới) phấn khởi nói: “Trước đây muốn đi đâu phải sử dụng xuồng hoặc lội bộ, giờ thì đường bê tông thông suốt, chỉ cần lên xe chạy một lúc là đến nơi. Đời sống người dân mình cũng nhờ vậy mà khấm khá, sung túc hơn trước rất nhiều. Tôi rất vui mừng khi thấy cảnh quê hương mình thay da đổi thịt như ngày hôm nay”.
Đời sống người dân được nâng lên
Không riêng gì huyện Vĩnh Lợi, hệ thống GTNT trên địa bàn huyện Hòa Bình những năm qua cũng được địa phương đặc biệt quan tâm. Nhiều tuyến đường mới được đầu tư khang trang, đạt chuẩn theo quy định của Bộ Giao thông vận tải; các tuyến đường trục xã, ấp được người dân trồng hoa, cây xanh ven đường, tạo vẻ đẹp cảnh quan cho khu vực. Chỉ tính riêng trên địa bàn xã Minh Diệu, từ đầu năm đến nay đã tiến hành xây mới và mở rộng 6 tuyến GTNT với tổng chiều dài gần 5km và 5 cây cầu. Ông Trần Minh Đương (xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình) chia sẻ: “Mấy năm nay, nhờ sự quan tâm đầu tư lộ làng, cầu cống mà bộ mặt nông thôn ngày càng phát triển; người dân có điều kiện đi lại, giao lưu học hỏi và tiếp cận được các tiến bộ kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình”.
Trên cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư, các địa phương đã tập trung khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển, nâng cao đời sống Nhân dân. Với việc chú trọng đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, việc làm phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo sự gắn kết giữa phát triển kinh tế với các lĩnh vực văn hóa - xã hội, góp phần đưa các vùng nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt.
Tin rằng, với sự vận dụng linh hoạt các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, kết nối các khu vực trong tỉnh và liên tỉnh, thời gian tới giao thông tiếp tục giữ vai trò “đi trước mở đường”, tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.