Tình trạng vi phạm tải trọng khá phức tạp
Theo Thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An, dù tình trạng vi phạm tải trọng trong hoạt động vận tải đã giảm đáng kể và không còn công khai như trước nhưng tại một số địa phương giáp ranh TP. Hồ Chí Minh như huyện Đức Hòa, Bến Lức và cả Đức Huệ, tình trạng vi phạm tải trọng vẫn xảy ra khá phức tạp. Trước đây, xe vi phạm quá tải thường chạy trên tuyến đường dài, liên huyện thì nay chủ yếu chạy cự ly ngắn dưới 10km, lợi dụng việc qua lại giữa 2 địa phương để né tránh và gây khó khăn cho lực lượng kiểm tra. Xe vi phạm tải trọng chủ yếu là các loại xe chở vật liệu, khoáng sản từ các bến bãi, hầm khai thác đất phục vụ nhu cầu san lấp mặt bằng tại các công trình xây dựng.
Đơn cử, trên tuyến đường tỉnh 824, 825, huyện Đức Hòa, không khó để bắt gặp những đoàn xe ben chở đầy đất, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho các phương tiện khác khi tham gia giao thông. Trên nhiều tuyến đường, tình trạng mặt đường hư hỏng liên tục xảy ra. Tương tự, tại huyện Đức Huệ, hơn 1 năm nay, tình trạng xe ben chở đất từ các hầm khai thác phục vụ công trình cho các địa bàn lân cận như Đức Hòa hay qua Tây Ninh cũng hoạt động rầm rộ gây mất an toàn giao thông. Từ năm 2021 đến nay, ít nhất có 3 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến xe ben chở đất xảy ra trên địa bàn huyện Đức Huệ, khiến 3 người tử vong.
Theo Thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An, thời gian qua, lực lượng chức năng như Thanh tra Giao thông vận tải, lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, nhưng việc phát hiện xe vi phạm tải trọng vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm tải trọng, người dân cũng phản ánh nhưng việc phát hiện, xử lý vi phạm tải trọng không phải dễ dàng do còn tình trạng các đối tượng canh đường để cảnh báo nhằm né tránh kiểm tra.
Ngoài ra, hiện nay, chế tài xử lý đối với các bến, bãi, điểm bốc xếp hàng hóa tư nhân vi phạm còn nhẹ, khó có thể áp dụng hình thức tạm đình chỉ hoặc tước giấy phép kinh doanh cũng gây khó khăn cho lực lượng khi kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng. Chưa kể, lực lượng thanh tra thực hiện nhiệm vụ còn mỏng; quá trình ra quân kiểm tra, xử lý đều phải có quyết định, kế hoạch công khai và không thể tổ chức kiểm tra 24/24 giờ nên các đối tượng, đơn vị vận tải lợi dụng các thời điểm như buổi trưa hay đêm khuya để hoạt động, gây khó khăn trong phát hiện, xử lý.
Còn nhiều khó khăn trong phát hiện, xử lý xe quá tải. Nguồn: ITN
Thường xuyên kiểm tra, xử lý
Trước thực trạng vi phạm tải trọng, Thanh tra Sở đã chỉ đạo các đội thanh tra giao thông tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm. Từ đầu năm đến nay, lực lượng Thanh tra Giao thông vận tải đã kiểm tra, xử lý vi phạm công trình giao thông và trật tự an toàn giao thông phát hiện, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 167 vụ. Trong đó, vi phạm về quá tải trọng lưu hành 57 vụ, quá tải trọng cầu đường 6 vụ, các lỗi vi phạm khác 99 vụ và xử phạt vi phạm trên lĩnh vực đường thủy 5 vụ.
Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Thanh tra Bộ Giao thông vận tải về tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện đường bộ tại các đầu mối bốc xếp hàng hóa, Thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An đã thành lập 3 đoàn thanh tra độc lập kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện đường bộ. Cùng với các đợt cao điểm, Thanh tra Sở cũng đã chỉ đạo các đội Thanh tra giao thông thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về tải trọng phương tiện đường bộ, nhất là tại các khu vực, tuyến đường nhiều phương tiện có dấu hiệu vi phạm về tải trọng, các địa bàn giáp ranh.
Để kiểm soát tốt hoạt động kinh doanh vận tải, nhất là xử lý vi phạm về tải trọng, thời gian tới, lực lượng Thanh tra Giao thông vận tải sẽ tập trung kiểm tra, xử lý ngay tại nơi xuất phát hoặc gần khu vực kho, bến bãi, mỏ vật liệu, nơi tập kết hàng hóa lên xe ôtô vận tải và xử lý vi phạm về kích thước thành thùng xe, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong kiểm tra, lực lượng kết hợp kiểm tra, đối chiếu hóa đơn xuất bán hàng hóa giữa chủ đơn vị bến bãi, đầu mối bốc xếp hàng hóa với phương tiện nhận hàng làm cơ sở để phát hiện, xử lý vi phạm tải trọng.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến quy định pháp luật về xếp hàng hóa trên phương tiện bảo đảm đúng tải trọng cho phép, yêu cầu các đơn vị ký cam kết bốc xếp hàng hóa đúng tải trọng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm chấp hành của các đơn vị vận tải và các đầu mối kinh doanh bến, bãi, mỏ vật liệu trên địa bàn tỉnh, tiến tới đẩy lùi, ngăn chặn triệt để tình trạng xe chở quá tải.