Sôi động những công trường
Những ngày cuối tháng 7/2023, nhóm PV đã có chuyến đi thực tế dọc tuyến đường tỉnh 994 của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau lễ khởi công, một đại công trường với rất đông công nhân và máy móc đang khẩn trương nâng cấp, mở rộng 77km trên tuyến trong dự án có tổng mức đầu tư hơn 6.500 tỷ đồng.
Cung đường tuyệt đẹp này vốn hình thành từ năm 2005, nhưng chỉ kéo dài từ thành phố Vũng Tàu đến huyện Xuyên Mộc. Mặt đường nhỏ hẹp, nhiều đoạn uốn lượn quanh sườn núi, nên chỉ vốn là cung đường dành cho phượt thủ, chứ chưa trở thành tuyến đường động lực, đánh thức các huyện thị duyên hải của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vốn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế biển.
Đường tỉnh 994 đang được khẩn trương nâng cấp, mở rộng.
Ngay cầu Cửa Lấp, máy móc nhộn nhịp thi công san nền, xây cống. Trên đoạn nâng cấp, mở rộng mặt đường từ vòng xoay Nhà Lớn Long Sơn đến Quốc lộ 51, đơn vị thi công đã thực hiện được khối lượng công việc lớn, như đắp bờ bao, nạo vét hữu cơ, bơm cát, tạo mặt bằng và xử lý nền đất yếu bằng công nghệ trụ đất gia cố xi măng… Suốt tuyến, những rừng tràm, đồi cát, sình lầy đang dần nhường chỗ cho con đường mới sắp hình thành.
Ngoài những đoạn đang thi công, trên tuyến đã có nhiều đoạn qua các khu du lịch được nhà đầu tư chủ động hoàn thành theo quy hoạch. Những đoạn đường đẹp 8 làn thênh thang chạy qua khu Tropicana Park-Novawolrd (huyện Xuyên Mộc) hay Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Bình Châu - Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc)... hiển hiện một trong những tuyến đường ven biển đẹp nhất Việt Nam sắp được hoàn chỉnh.
Theo ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Ban Quản lý dự án chuyên ngành giao thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cả 5 dự án thành phần trên hơn 77km toàn tuyến đang được đồng bộ triển khai. Có 2 cầu lớn sẽ được xây dựng là cầu Cửa Lấp và cầu Sông Ray.
Cũng theo ông Kiên, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu rất kỳ vọng vào con đường này. Trước đây, chỉ có Quốc lộ 55 nối với tỉnh Bình Thuận. Nay, với đường tỉnh 994 được nâng cấp, mở rộng, những vùng ven biển còn đang “ngủ quên” của Bà Rịa - Vũng Tàu như Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc… với những rừng tràm nguyên sơ và những dải bờ biển cát trắng chạy ngút tầm mắt… sẽ thu hút thêm nhà đầu tư đến “đánh thức”.
Đầu tư mạnh cho hạ tầng giao thông
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trong top đầu của 28 tỉnh, thành ven biển của Việt Nam. Tỉnh đã đạt nhiều thành quả trong phát triển kinh tế nói chung và kinh tế biển nói riêng, dư địa còn rất lớn, cần có kế hoạch chiến lược khai thác tiềm năng hiệu quả.
Những năm qua, chính quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định rõ và kiên định với mục tiêu phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường, coi đây là một trong những ưu tiên hàng đầu của tỉnh. Toàn tỉnh có 5/8 huyện, thành phố sát biển với 308km đường bờ biển, thuận lợi cho phát triển cảng biển, đánh bắt, chế biến hải sản và phát triển du lịch nghỉ dưỡng.
Theo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh tiếp tục xác định du lịch là 1 trong 5 trụ cột kinh tế quan trọng. Từ đó, xây dựng kế hoạch cụ thể ,phát triển trục động lực kinh tế du lịch tại khu vực ven biển phía Đông Nam, tiêu biểu như chuỗi đô thị du lịch Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải, Lộc An, Hồ Tràm, Bình Châu và khu du lịch quốc gia Côn Đảo... Trong chiến lược này, hạ tầng giao thông được đặc biệt ưu tiên phát triển.
Cụ thể, tỉnh sẽ tập trung hoàn thiện tuyến đường sắt nối cụm cảng Cái Mép - Thị Vải ở thị xã Phú Mỹ với thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) và thành phố nội tỉnh Vũng Tàu; xây dựng đường bộ vượt Quốc lộ 51 nối cảng Cái Mép - Thị Vải với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đang được xây dựng; tích cực triển khai công tác chuẩn bị cho đường Vành đai 4 vùng thành phố Hồ Chí Minh qua tỉnh...
Sẽ có thêm nhiều tuyến đường sắt, đường bộ kết nối
cụm cảng cái Mép - Thị Vải với Đông Nam Bộ.
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ thông tin: Những dự án trên là một trong nhiều nội dung đã, đang và sẽ được triển khai để từng bước phát triển tỉnh trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, bao gồm cả cảng biển, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, thể thao và các dịch vụ chất lượng cao.
Đây cũng là những nội dung hiện thực hóa tinh thần Nghị quyết 24 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.