Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ngãi về cơ chế phối hợp giữa ngành Đường sắt với chính quyền địa phương

Thứ năm, 28/03/2024 09:56

Bộ GTVT vừa có Công văn số 3223/BGTVT-KCHT gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV về cơ chế phối hợp giữa ngành đường sắt với chính quyền địa phương.

Theo Công văn số 48/BDN ngày 24/01/2024 do Ban Dân nguyện chuyển đến Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT), cử tri kiến nghị như sau:
Theo các quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt thì các hộ dân sống trong, gần hành lang đường sắt bị hạn chế một số quyền lợi, nhu cầu như: việc không được đầu tư về điện chiếu sáng, nước sinh hoạt (nước máy), đường đi lại… vì vướng đến những quy định của đường sắt. Đề nghị các cấp, Bộ, ngành xây dựng cơ chế phối hợp giữa ngành đường sắt với chính quyền địa phương các cấp để có hướng giải quyết bất cập này cho nhân dân, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT trả lời như sau:

1. Hiện tại, pháp luật về đường sắt đã quy định đầy đủ đối với công tác quản lý đất dành cho đường sắt; công tác quản lý, sử dụng đất dành cho đường sắt; quy định về đường ngang và cấp giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt; trách nhiệm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trong hoạt động đường sắt của UBND các tỉnh nơi có đường sắt đi qua. Năm 2013, Bộ GTVT và UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có Quy chế phối hợp số: 02/QCPH-BGTVT-UBND ngày 25/3/2013 trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt.

2. Đối với kiến nghị về đầu tư hệ thống điện chiếu sáng, nước sinh hoạt trong phạm vi đất dành cho đường sắt:
Căn cứ quy định của pháp luật, các công trình điện lực, chiếu sáng, cấp, thoát nước sinh hoạt được xác định là công trình thiết yếu, được phép xây dựng trong phạm vi đất dành cho đường sắt nhưng không làm ảnh hưởng đến công trình đường sắt, an toàn giao thông đường sắt theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 12 Luật Đường sắt; trình tự thủ tục cấp giấy phép xây dựng công trình thiết yếu được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 29/2023/TT-BGTVT ngày 29/9/2023 của Bộ trưởng Bộ GTVT.

3. Việc xây dựng đường gom nhằm xoá bỏ lối đi tự mở qua đường sắt đã được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho UBND các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua chủ trì tổ chức thực hiện tại Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 về Phê duyệt Đề án Đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt; lộ trình thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2025. Đối với kiến nghị của cử tri về việc xây dựng đường gom trong hành lang an toàn giao thông đường sắt phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, Bộ GTVT đang nghiên cứu và kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét để sửa đổi trong chương trình xây dựng sửa đổi Luật Đường sắt năm 2017, theo hướng: “hành lang an toàn giao thông đường sắt quốc gia hiện tại được phép sử dụng để xây dựng đường gom với mục đích xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt. Khi xây dựng đường gom trong hành lang an toàn giao thông đường sắt phải xây dựng hàng rào ngăn cách giữa đường sắt với đường gom để bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, đường bộ”.

Nguồn: Bộ GTVT

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:185253
Lượt truy cập: 175.964.556