Thanh Hóa: Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe

Thứ sáu, 10/05/2024 08:21

Thanh Hóa hiện có 16 cơ sở đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX) ô tô, mô tô; 19 đơn vị liên kết đào tạo lái xe mô tô và 9 trung tâm sát hạch. Để nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp GPLX, các cơ sở đã không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới phương pháp giảng dạy, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người học, đồng thời góp phần làm giảm tai nạn giao thông.

Giờ thực hành tại Trung tâm Dạy nghề, đào tạo và sát hạch
GPLX Học viện Cảnh sát Nhân dân, phường Tào Xuyên (TP Thanh Hóa)

Trường Trung cấp Nghề GTVT là đơn vị chuyên đào tạo, sát hạch cấp GPLX ô tô hạng A1, A2, B1, B2, C, D, E. Hiện nhà trường có 2 cơ sở đào tạo tại TP Thanh Hóa và huyện Ngọc Lặc cùng 2 trung tâm sát hạch xe ô tô (loại 1 và loại 3), 9 địa điểm sát hạch mô tô hạng A1, trong đó có 4 địa điểm lắp thiết bị chấm điểm tự động. Thực hiện Thông tư 04/2022/TT-BGTVT ngày 22/4/2022 về việc sửa đổi bổ sung một số điều Thông tư 12/2017/TT-BGTVT ngày 15/4/2017 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về việc đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ, ngoài đầu tư mua thêm 15 xe tập lái hạng B, 3 cabin điện tử, nhà trường còn lắp đặt bổ sung 2 phòng máy vi tính với 50 máy tại cơ sở 1 TP Thanh Hóa và cơ sở 2 huyện Ngọc Lặc, giúp học viên học và sát hạch phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông.

Trong quá trình học, học viên bắt buộc phải hoàn thành đủ quãng đường 710km đối với hạng B1 số tự động, 810km dành cho hạng B2 số sàn, 825km đối với hạng C... Quá trình đào tạo lái xe tại trường được giám sát, ghi hình trực tiếp, truyền tải về Tổng cục Đường bộ Việt Nam và lưu giữ trên phần mềm DAT. Ngoài ra, DAT ghi nhận thay đổi người dạy và học trên xe bằng thẻ hoặc vân tay, xác thực người học qua camera. Những yêu cầu này nhằm nâng cao chất lượng dạy và học trong đào tạo lái xe.

Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, nhà trường luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, giáo viên tham gia các lớp đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đồng thời, xây dựng chương trình đào tạo, lập kế hoạch giảng dạy, đặc biệt tăng thời gian học theo đúng quy định, nhất là thời gian học thực hành... Qua đó, chất lượng đào tạo không ngừng được nâng lên, đáp ứng nhu cầu học ngày càng tăng của Nhân dân. Hàng năm, nhà trường tuyển sinh trên 20 nghìn học viên tham gia học lái xe mô tô, ô tô, riêng lái xe ô tô thời gian cao điểm có thể lên đến 8 nghìn học viên và kết quả sát hạch lái xe ô tô các hạng đạt tỷ lệ trên 65%, mô tô hạng A1 đạt tỷ lệ gần 80%.

Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề GTVT Thanh Hóa Phan Thanh Hải cho biết: Để đảm bảo chất lượng đầu ra, nhà trường đã xây dựng chương trình và phân bổ thời gian đào tạo khoa học, đảm bảo số km thực hành lái xe cho học viên, không để xảy ra hiện tượng tiêu cực trong đào tạo, sát hạch. Đồng thời chú trọng ứng dụng công nghệ mới trong quy trình đào tạo, sát hạch lái xe, giúp học viên sau khi có GPLX điều khiển phương tiện tham gia giao thông nắm chắc và tuân thủ nghiêm Luật Giao thông đường bộ, góp phần vào mục tiêu giảm tai nạn giao thông trên cả 3 phương diện.

Thông tin từ Phòng Quản lý phương tiện và người lái (Sở GTVT Thanh Hóa) cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện có 16 sở đào tạo, sát hạch cấp GPLX ô tô, mô tô; 19 đơn vị liên kết đào tạo lái xe mô tô và 9 trung tâm sát hạch. Để nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp GPLX, các cơ sở đào tạo, sát hạch cấp GPLX trên địa bàn tỉnh đều đã lắp đặt camera giám sát từ xa toàn bộ quá trình học và sát hạch của học viên, truyền dữ liệu về hệ thống thông tin của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, bảo đảm bí mật, không cho phép can thiệp kết quả đào tạo, sát hạch.

Bên cạnh đó, các trường còn chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào trong giảng dạy để nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, như sử dụng thiết bị giám sát bằng vân tay, nhận diện khuôn mặt để điểm danh học viên, đảm bảo học viên tham gia đầy đủ thời gian học lý thuyết và quãng đường thực hành lái xe trên đường. Đồng thời, các trường đã chú trọng đưa nội dung về học văn hóa giao thông và đạo đức lái xe vào chương trình đào tạo, sát hạch... Toàn bộ quá trình dạy và học đều được giám sát bằng thiết bị theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ GTVT ban hành. Mặc dù các trường đánh giá tỷ lệ học viên đỗ lần 1 chỉ đạt khoảng 65%, nhưng việc đưa các quy định mới vào công tác đào tạo và sát hạch lái xe được các học viên ủng hộ.

Trưởng Phòng Quản lý phương tiện và người lái (Sở GTVT Thanh Hóa) Phạm Hoài Nam cho biết: Để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp GPLX, trong thời gian tới ngoài tiếp tục thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Cục Đường bộ Việt Nam, phòng sẽ tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Sở GTVT thường xuyên kiểm tra, rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, sát hạch cấp GPLX tại các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát dữ liệu từ thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên (dữ liệu DAT) tại các khóa học để kịp thời phát hiện, xử lý sai phạm.

Theo Báo Thanh Hóa

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:241180
Lượt truy cập: 176.079.232