Theo đó, Bộ Giao thông vận tải nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bến Tre do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 499/BDN ngày 14/6/2024, nội dung kiến nghị như sau:
“Các văn bản quy định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa chưa quy định xử phạt đối với hành vi thuyền viên, người điều khiển phương tiện thủy mà trong máu, hơi thở có nồng độ cồn, chất ma túy. Kiến nghị bổ sung chế tài xử phạt hành vi thuyền viên, người điều khiển phương tiện mà trong máu, hơi thở có nồng độ cồn, chất ma túy và quy định hình thức phạt bổ sung tạm giữ phương tiện đối với hành vi này trong Nghị định số 139/2021/NĐCP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa”
Trước tiên, Bộ Giao thông vận tải trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Bến Tre nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân.
Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ Giao thông vận tải xin trả lời như sau:
Tại khoản 3 Điều 21 Nghị định số 139/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định:
“3. Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi của thuyền viên, người lái phương tiện đang trong ca trực mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, như sau:
a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi của thuyền viên, người lái phương tiện đang làm việc trên phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/01 lít khí thở;
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi của thuyền viên, người lái phương tiện đang làm việc trên phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/01 lít khí thở;
c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi của thuyền viên, người lái phương tiện đang làm việc trên phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/01 lít khí thở.”
Bên cạnh đó, khoản 4 của Điều này cũng quy định hình thức xử phạt bổ sung đối với các hành vi vi phạm như sau:
“4. Hình thức xử phạt bổ sung a) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn từ 01 tháng đến 02 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều này; b) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn từ 02 tháng đến 04 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 3 Điều này.”
Như vậy, tại Nghị định số 139/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ đã quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi của thuyền viên, người lái phương tiện đang trong ca trực mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa quy định về việc xử phạt đối với hành vi thuyền viên, người điều khiển phương tiện thủy mà trong máu có chất ma túy và chưa quy định hình thức phạt bổ sung tạm giữ phương tiện đối với hành vi thuyền viên, người điều khiển phương tiện thủy mà trong máu, hơi thở có nồng độ cồn, chất ma túy.
Ngày 29/7/2024, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản số 8013/BGTVT-PC yêu cầu Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thực hiện rà soát, nghiên cứu để đề xuất sửa đổi, bổ sung hành vi, chế tài xử phạt quy định tại Nghị định số 139/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ cho phù hợp.
Do đó, về nội dung kiến nghị này, Bộ Giao thông vận tải xin tiếp thu và sẽ tiếp tục nghiên cứu trong quá trình rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 139/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ nhằm đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn.
Trên đây là trả lời của Bộ Giao thông vận tải đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Bến Tre, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành Giao thông vận tải.