Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý Bộ Giao thông vận tải tổ chức Lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập ngành (28/8/1945-28/8/2010) và Đại hội thi đua yêu nước ngành Giao thông vận tải theo tinh thần trang trọng, tiết kiệm.
Việc tổ chức kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành Giao thông vận tải Việt Nam cũng là dịp ôn lại truyền thống vẻ vang, khơi dậy lòng tự hào, đề cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo và trí tuệ của toàn thể cán bộ, công chức, công nhân viên lao động trong toàn ngành. Đồng thời góp phần tạo động lực tinh thần mạnh mẽ thúc đẩy thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của đơn vị và của ngành Giao thông vận tải.
Theo kế hoạch, các hoạt động chính trong sự kiện này sẽ bao gồm: Các hoạt động tìm hiểu, nghiên cứu về truyền thống, vị trí vai trò và hoạt động của ngành Giao thông vận tải, như: Xuất bản và tái bản các ấn phẩm; tổ chức hoạt động "Tìm về cội nguồn”; tổ chức hoạt động uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa; tăng cường công tác tuyên truyền về ngành Giao thông vận tải trên các báo, tạo chí của Ngành và các cơ quan thông tin đại chúng.
Đặc biệt là sẽ đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong toàn ngành Giao thông vận tải Việt Nam, phát động đợt thi đua đặc biệt chào mừng Kỷ niệm 65 ngày truyền thống ngành Giao thông vận tải (28/8/1945 - 28/8/2010) và Đại hội thi đua yêu nước ngành Giao thông vận tải năm 2010. Mục tiêu thi đua là: "Kỷ cương - Chất lượng - Hợp tác - An toàn - Hiệu quả".
Kế thừa truyền thống “Dũng cảm - Thông minh - Sáng tạo”của các thế hệ cán bộ, công nhân viên và người lao động của ngành trong những năm trước đây, trong 10 năm đầu của thế kỷ XXI, đội ngũ những người lao động ngành Giao thông vận tải đã nỗ lực phấn đấu để giao thông vận tải luôn là ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng, đi trước “mở đường” cho sự phát triển kinh tế- xã hội của các ngành, các địa phương và cả đất nước.
Những thành công về mặt vĩ mô của công tác quản lý Nhà nước đã tạo đà cho các lĩnh vực: đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, cơ khí giao thông… có những bước phát triển mới. Các tuyến đường, cây cầu, sân bay, bến cảng... liên tục được cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới trên khắp mọi miền đã tạo ra những "mạch máu" giao thông quan trọng, góp phần quan trọng vào nâng cao vị thế của Việt Nam đối với thế giới và sự tăng trưởng của nền kinh tế trong thời kỳ đất nước ngày càng hội nhập sâu và rộng vào nền kinh tế quốc tế.
Mạng lưới đường giao thông nông thôn, đường tới vùng sâu, vùng xa cũng cơ bản được hình thành và đã cải thiện đáng kể cuộc sống của nhân dân khắp mọi miền đất nước, góp phần đặc biệt quan trọng vào sự tăng trưởng và phát triển của kinh tế đất nước, xoá đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
Nhiều công trình lớn như: cầu Mỹ Thuận, Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Thuận Phước, Rạch Miễu, Hàm Luông, Cần Thơ...; các trục đường Thăng Long - Nội Bài, Quốc lộ 51, đường Xuyên Á, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương; sân bay quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ (giai đoạn 1), các cảng biển Cái Lân, Vũng Áng, Chân Mây, Tiên Sa, Dung Quất; Đài thông tin Duyên hải… đã được đưa vào khai thác…
Nhiều dự án, công trình giao thông vận tải hiện đang được triển khai trên khắp đất nước như: cầu Nhật Tân, cầu Rồng; Đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 2), tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Nội Bài- Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên…; cảng Trung chuyển Quốc tế Vân Phong, cảng Cái Mép- Thị Vải, dự án Kênh Quan Chánh Bố; Nhà ga Quốc tế sân bay Đà Nẵng, Cần Thơ; Đường vành đai 3 Hà Nội…Các dự án công trình Giao thông vận tải này sẽ góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.
Chinhphu.vn (Nguồn: Công văn số 5705/VPCP-KTN)